Xóm trang trại

11:06, 23/12/2010

Những ngày cuối năm, về xóm Bầu 2 (xã Phấn Mễ - Phú Lương), chúng tôi được chứng kiến không khí bận rộn của bà con nông dân và các tư thương đang tấp nập mua, bán hàng nông sản, gồm: Chè búp khô, lương thực và nhiều nhất là gà thương phẩm...

Kỹ sư nông nghiệp Phạm Thanh Sơn, cán bộ khuyến nông xã Phấn Mễ cùng đi cho biết: Xóm Bầu 2 là một trong những xóm có nhiều nông hộ mạnh dạn đi đầu trong phong trào làm giàu ở xã. Hiện xóm có hơn 10 hộ làm trang trại chăn nuôi gia cầm, 4 hộ làm trang trại rừng, một số hộ khác đầu tư chăn nuôi nhím và cá sấu... Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Phương, Trưởng xóm nhẩm tính: Với tổng số 117 hộ, trung bình cứ 10 hộ, hiện có 1 hộ làm kinh tế trang trại. Vì thế nhiều người dân gọi vui xóm Bầu 2 là “xóm trang trại”.

 

Hầu hết các hộ trong xóm làm kinh tế trang trại đều do tự phát, vốn liếng đầu tư chủ yếu từ tiền tích luỹ của gia đình, ngoài ra vay mượn thêm của ngân hàng hoặc người thân. Người đầu tiên mạnh dạn đầu tư làm kinh tế trang trại phải kể đến gia đình ông Phạm Văn Hoàn. Năm 2007, gia đình ông Hoàn đã dành một khu đất rộng chừng 1.000m2 nằm ngoài khu dân cư để xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Với quy mô nuôi 4.200 con gà/lứa, mỗi năm được xuất bán 4 lứa, trừ chi phí gia đình ông còn được lãi hơn 150 triệu đồng. Ông Hoàn tâm sự: Để chăn nuôi gà thành công đòi hỏi mình phải nắm chắc kiến thức khoa học kỹ thuật, đồng thời tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình phòng, chống bệnh dịch cho đàn gà, như tiêm phòng văc-xin, vệ sinh chuồng trại.

 

Nhìn khu chuồng trại chăn nuôi sạch sẽ, bảo đảm vệ sinh môi trường, tôi hiểu ông Hoàn cũng như các nông dân khác trong xóm, khi đầu tư vốn làm trang trại đều rất quan tâm tới môi trường sống xung quanh. Cũng từ hiệu quả của mô hình chăn nuôi trang trại này, một số bà con trong xóm đã đến thăm quan, học tập kinh nghiệm và làm theo, trong số ấy có gia đình chị Trần Thị Hà.

 

Ban đầu do ít vốn, gia đình chị Hà xây dựng chuồng trại chăn nuôi ở quy mô 2.500 con/lứa. Sau 1 năm, vợ chồng chị dồn vốn xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi lên 5.000 con gà/lứa, đạt sản lượng 50 tấn gà thương phẩm/năm, trừ chi phí giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc phòng bệnh cho gà... còn thu lãi 200 triệu đồng/năm. Hỏi chuyện làm giàu, anh Quách Thành Chinh, chồng chị Hà xòe đôi bàn tay chai sạn, tâm sự: Trước đây tôi cũng nghèo. Lấy nhau năm 1998, vợ chồng ra ở riêng được bố mẹ cho 1.700 m2 đất. Việc cày cấy quanh năm chẳng đủ ăn, vợ chồng đành theo các nhóm thợ xây đi làm phụ hồ. Nhiều đêm nằm suy nghĩ thấy sức mình không theo nghề phu hồ được mãi, mới quyết định vay thêm vốn của bạn bè để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi gà. Nhờ áp dụng đầy đủ các quy trình phòng, chống bệnh dịch cho gà nên việc đầu tư chăn nuôi của gia đình không bị gặp rủi ro... Theo anh Chinh, là nông dân thời nay cũng phải có gan, tức là chịu bỏ vốn, biết nắm thời cơ và đầu tư đúng lúc mới thu được hiệu quả...

 

Để minh chứng lời mình nói, anh đưa chúng tôi đi thăm toàn bộ khu trang trại chăn nuôi, rồi lại sang thăm khu vực nuôi cá sấu. Đang ngày mưa, trời lạnh, cá sấu nằm thu mình trong bể nước, chỉ hếch cái mũi lên khỏi mặt nước, hé đôi mắt lim dim cảnh giác. Anh Chinh cho biết: đàn cá sấu 50 con vợ chồng tôi mới đầu tư mua về từ tháng 10/2010, với giá 2,7 triệu đồng/con. Để tạo môi trường sống an toàn cho đàn cá, vợ chồng tôi đầu tư mất hơn 100 triệu đồng xây bể nước cho cá sấu đằm, xây sân cho chúng phơi nắng. Tuy mới đầu tư sang lĩnh vực này, nhưng chắc chắn đàn cá sấu sẽ cho gia đình tôi thu nhập cao...

 

Chuyện làm giàu nhờ chăn nuôi theo mô hình trang trại giữa chúng tôi với các nông hộ ở xóm Bầu 2 cứ rôm rả, không muốn dứt. Ông Lý Quảng Nam, Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ nhận xét: Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng các chủ trang trại giống nhau ở điểm năng động, dám làm, biết áp dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm học được vào quá trình phát triển chăn nuôi.

 

Ngoài các mô hình chăn nuôi nói trên, trong xóm còn có một số hộ chọn cách làm bền vững là trồng rừng, điển hình như gia đình ông Khổng Đại Dương; ông Khổng Văn Quý; bà Chu Thị Chính; bà Nguyễn Thị Điền... Từ 5 năm trước, các hộ này đã rủ nhau lên chân núi Chúa để phát cỏ, dọn bãi trồng được hơn 20 ha rừng keo tai tượng, đến nay, cây có đường kính trung bình 40cm... Hiện khu rừng này đã cho thu hoạch sản phẩm phụ như củi và cây tỉa thưa. Nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho các hộ và đây cũng là một cách để nhân dân địa phương làm giàu trong tương lai không xa.