Những năm gần đây, xác định chợ là kênh lưu thông hàng hóa chủ yếu, các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh đã quy hoạch và dành quỹ đất cho việc xây dựng chợ. Tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng hệ thống chợ đầu mối nông sản và nhiều khu vực chợ nông thôn, khuyến khích người dân phát triển sản xuất, mở rộng hệ thống thương mại đến với các vùng dân cư, đặc biệt là đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Tuy nhiên, hầu hết các chợ đều chưa đáp ứng được yêu cầu.
Trong số 135 chợ trên địa bàn tỉnh hiện nay có 99 chợ trên địa bàn nông thôn và đều là chợ loại 3. Tổng diện tích chợ nông thôn hiện có là 318.468m2, chiếm 66,9% tổng diện tích xây dựng chợ toàn tỉnh, trong đó diện tích kiên cố 44.615m2 (chiếm 14%); diện tích bán kiên cố 55.809m2 (chiếm 17,5%); còn lại là diện tích chợ tạm và diện tích ngoài trời, chiếm tỷ lệ cao nhất trong diện tích chợ nông thôn. Nguồn vốn xây dựng chợ nông thôn chủ yếu là nguồn vốn ngân sách Nhà nước và các doanh nghiệp đầu tư. Giai đoạn 2006-2010, số vốn đầu tư xây dựng chợ nông thôn từ nguồn ngân sách là 28,65 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 11,1% tổng mức vốn đầu tư. Ngoài nguồn vốn trên, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn nên một số chợ do doanh nghiệp đầu tư, nhân dân địa phương cùng góp vốn xây dựng và tự quản lý, khai thác với số vốn do doanh nghiệp đầu tư là 238,6 tỷ đồng, nông dân đóng góp là 2,5 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh hiện còn 45 xã nông thôn chưa có chợ, chủ yếu là các xã vùng sâu, vùng xa. Vì vậy việc lưu thông hàng hóa tại những xã này gặp rất nhiều khó khăn.
Hầu hết các chợ đều không đáp ứng được yêu cầu về thiết kế hệ thống điện, nhất là điện chiếu sáng phục vụ bốc xếp, lưu thông, vận chuyển hàng hóa và luôn trong tình trạng không ổn định. Hệ thống giao thông, các lối đi lại trong chợ phần lớn là hẹp và chưa được quan tâm đúng mức, thường bị các hộ kinh doanh chiếm dụng, đường vào chợ vẫn chủ yếu là đường đất nên bụi vào mùa nắng, sình lầy vào mùa mưa… Hệ thống cấp thoát nước ở hầu hết các chợ đều đã xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là nước sạch phục vụ nhu cầu cho các hộ kinh doanh thực phẩm tươi sống trong chợ. Nhìn chung, hầu hết các chợ đều thiết kế đơn giản, chỉ có nhà đình chợ xây dựng đơn sơ. Vì thế, sau một thời gian sử dụng, phần lớn các nhà đình chợ đã xuống cấp. Nhiều nơi các hộ kinh doanh đã không vào họp trong chợ mà tự dựng các nhà tạm lợp prô xi măng, lá cọ để hành nghề hoặc tụ tập tự do ngoài các bãi đất trống, mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Phần lớn các chợ đều không được trang bị đầy đủ các phương tiện phòng cháy chữa cháy theo quy định của Nhà nước.
Vấn đề vệ sinh môi trường ở chợ nông thôn một vài năm gần đây đã được các cấp chính quyền địa phương quan tâm, nhưng chưa sâu sát và triệt để. Đáng lo ngại nhất hiện nay là tình trạng vệ sinh, an toàn thực phẩm. Nhiều nơi bày bán thức ăn không che đậy bên cạnh những vũng sình lầy, rác bẩn. Nhiều quầy hàng còn bầy bán chung các mặt hàng nhu yếu phẩm với các loại vật tư nông nghiệp, phân bón, thuốc trừ sâu, rất nguy hiểm cho người tiêu dùng. Phần lớn các chợ nông thôn, miền núi vùng cao là do UBND xã trực tiếp quản lý hoặc đấu thầu giao khoán cho các tổ tự quản và khai thác chợ. Điều kiện làm việc của cán bộ và nhân viên còn thấp vì chủ yếu được trích từ nguồn thu phí chợ sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp khoán theo quy định.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là nông dân ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, với quan điểm phát triển mạng lưới chợ nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại và sự tham gia của các thành phần kinh tế, sự đa dạng của các loại hình tổ chức phân phối, góp phần định hướng và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, xóa đói, giảm nghèo, tỉnh đã xây dựng Đề án Phát triển hệ thống chợ nông thôn giai đoạn 2011-2015. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn vốn xây dựng đồng bộ, lựa chọn nhà đầu tư có khả năng, tư vấn và lựa chọn phương án đầu tư hợp lý, đưa ra nhiều hình thức kêu gọi các nhà đầu tư tham gia cùng Nhà nước đầu tư xây dựng và phát triển chợ. Với mục tiêu thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng và tăng thu nhập, nâng cao mức sống của nhân dân, bảo đảm cho các thị trường phát triển hàng hóa ổn định, chúng ta phấn đấu đến năm 2015 sẽ có khoảng 70% số chợ trên địa bàn nông thôn đạt tiêu chuẩn tiêu chí nông thôn mới và định hướng tới năm 2020 tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đều có chợ đạt tiêu chuẩn nông thôn mới; phấn đấu đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, nhất là quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa lưu thông trên thị trường.
Theo xu thế phát triển này, để dần thay đổi tập quán tiêu dùng của người dân nông thôn, thời gian tới một số cửa hàng phân phối, bán lẻ tiện ích sẽ được bố trí để người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận phương thức phục vụ mới, sau đó, thay thế dần các chợ nông thôn bởi những siêu thị mini, dần hình thành các siêu thị hiện đại và trung tâm thương mại, phục vụ theo phương thức người tiêu dùng tự chọn sản phẩm… Từ nay đến năm 2015, tỉnh sẽ triển khai đầu tư xây dựng mới 37 chợ loại 3 trên địa bàn các huyện, T.P Thái Nguyên và T.X Sông Công với diện tích đất khoảng trên 100 nghìn m2. Mạng lưới chợ sẽ được phát triển theo thị trường hàng hóa như: Nông sản, tư liệu sản xuất, hàng công nghiệp tiêu dùng… dưới nhiều hình thức khác nhau.
Có thể nói, hệ thống chợ nông thôn là nơi tiêu thụ các sản phẩm, giải quyết được nhu cầu trao đổi hàng hóa, phân phối lại sản phẩm nông sản đến các chợ thành thị và các tỉnh trong khu vực. Thông qua chợ, người dân được học hỏi kinh nghiệm sản xuất, phát triển kinh tế và làm quen với nền kinh tế thị trường. Ở đâu chợ hoạt động tốt, ở đó kinh tế - xã hội phát triển, các hộ dân sống xung quanh được hưởng lợi nhờ kinh doanh, dịch vụ. Chúng ta hy vọng, với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, sự vào cuộc của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, vấn đề phát triển chợ khu vực nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh sẽ có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn tỉnh và xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra.