Tại cuộc họp báo sáng 4/1, Tổng Giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn-Nguyễn Hoài Giang cho biết, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất- Nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam- sẽ được tổ chức khánh thành vào ngày 6/1 tới tại huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) và được truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam vào 10 giờ sáng.
Nhà máy là công trình trọng điểm quốc gia được Chính phủ giao cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam triển khai tại khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi với số vốn đầu tư trên 3 tỷ USD, công suất 6,5 triệu tấn/năm, đáp ứng trên 3% nhu cầu xăng dầu cả nước hiện nay.
Ông Ðinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, khẳng định: “Việc Nhà máy lọc dầu Dung Quất có sản phẩm thương mại đầu tiên từ tháng 2/2009 đã đánh dấu một mốc son quan trọng trong lịch sử của ngành dầu khí, là nền móng đầu tiên cho sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu, đáp ứng mục tiêu của chiến lược phát triển ngành dầu khí giai đoạn 2005 - 2015, tầm nhìn 2025 đã được Bộ Chính trị kết luận và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; góp phần bảo đảm an ninh năng lượng của quốc gia, đồng thời hoàn chỉnh đồng bộ các hoạt động dầu khí, từ tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí đến chế biến lọc - hóa dầu, chế biến khí và các dịch vụ dầu khí liên quan khác”.
Sắp tới đây, bên cạnh Nhà máy lọc dầu Dung Quất sẽ có thêm các nhà máy phụ trợ, tận thu các phụ phẩm từ dầu để sản xuất các sản phẩm phục vụ sản xuất công nghiệp và xuất khẩu. Toàn ngành dầu khí đang chuẩn bị giai đoạn II mở rộng, nâng công suất Nhà máy lọc dầu Dung Quất lên đến 10 triệu tấn/năm.
Theo ông Giang, từ giữa tháng 11/2010 đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất luôn được vận hành ở 105% công suất, có khi lên 107%. Có nghĩa là cao hơn công suất thiết kế cực đại 5%-7%, tương đương 1.000 tấn sản phẩm các loại/ngày được sản xuất thêm.
“Lý do nâng công suất nhà máy vượt 100% là do nhu cầu của thị trường những tháng cuối năm. Sản phẩm sản xuất ra không kịp bán cho các đơn vị đầu mối xăng dầu do hiện có nhiều doanh nghiệp tham gia mua sản phẩm của nhà máy chứ không riêng PVOil. Để tăng được từ 100% lên 105% công suất, các chuyên gia, kỹ sư đã phải làm việc ngày đêm để nghiên cứu, rà soát, kiểm tra và xem xét một cách đồng bộ, tổng thể. Và chúng tôi đã thành công, hoàn toàn có thể vận hành nhà máy ở 105% công suất mà không ảnh hưởng đến các hệ thống thiết bị, cũng như các dây chuyền công nghệ của nhà máy”- ông Giang nói.
Tính đến nay, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi đã nhập gần 8,5 triệu tấn dầu thô. Nhà máy cũng đã sản xuất hơn 7,2 triệu tấn sản phẩm và xuất bán 7 triệu tấn xăng, dầu các loại. Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã phối hợp với các đơn vị kinh doanh xăng dầu như: Petrolimex, PV Oil, Petec kịp thời phân phối các sản phẩm của nhà máy ra thị trường.
Ông Giang cho biết: “Từ mức tồn kho rất cao 300.000 tấn, chúng tôi đã giảm thiểu xuống mức xấp xỉ gần 100.000 tấn và nhà máy vẫn giữ mức ổn định này. Toàn bộ sản lượng xăng dầu và các sản phẩm khác của nhà máy sản xuất ra đều đang tiêu thụ tốt”.
Sau thời gian vận hành, theo ông Giang, đến thời điểm này lực lượng kỹ sư của Việt Nam tham gia công tác vận hành Nhà máy đã hoàn toàn tự chủ việc vận hành nhà máy, cũng như tiếp cận công nghệ ở mức 90%. Đây là tin vui, khẳng định được năng lực của đội ngũ những người vận hành nhà máy là rất tốt và đầy ấn tượng. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế. Vận hành thì yên tâm nhưng bảo dưỡng các thiết bị nhà máy hoặc xử lý một số vấn đề kỹ thuật phức tạp vẫn còn cần tới chuyên gia của nước ngoài.
“Chúng tôi có thể khẳng định đến tháng 4/2011, 100% công nhân, kỹ sư Việt Nam sẽ đảm trách nhiệm vụ vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất mà không cần sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài như lâu nay”.
Năm 2010, tính từ khi bàn giao (ngày 30/5/2010), Nhà máy đạt doanh thu 60.000 tỉ đồng, dự kiến lợi nhuận đạt trên 237 tỷ đồng và đóng góp vào ngân sách nhà nước 10.000 tỉ đồng.
Năm 2011, Nhà máy sẽ phấn đấu đạt mức doanh thu 77.000 tỷ đồng, lợi nhuận 550 tỷ đồng và sẽ nộp ngân sách nhà nước là 15.000 tỉ đồng./.