Đã có nhiều tín hiệu tích cực trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững. Để phát huy hiệu quả, cần sớm hoàn thiện tiêu chí cho chiến lược này.
Những con số ấn tượng
Kể từ khi thực hiện Định hướng Chiến lược Phát triển bền vững được ban hành, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng khích lệ trên các lĩnh vực. Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Thế Phương, trong 5 năm qua (2005-2010), Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân 5 năm trên 7%. GDP tính theo đầu người năm 2010 đạt khoảng 1.162 USD, vượt mục tiêu kế hoạch đặt ra là 1.050-1.100 USD.
Các mặt xã hội, công tác xoá đói giảm nghèo đã có những thành tích đáng khích lệ. Tính đến cuối năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 10% (khoảng 1,7 triệu hộ nghèo). Công tác dân số và chăm sóc sức khoẻ người dân có những bước tiến đáng kể. Xu thế giảm sinh tiếp tục được duy trì và đạt được mức sinh thay thế. Trong 5 năm qua đã giải quyết việc làm cho trên 8 triệu lao động, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn 4,6%, tỷ lệ lao động trong các khu vực nông, lâm, ngư nghiệp còn 50%.
Chỉ số phát triển con người của Việt Nam tiếp tục tăng: năm 2005, Việt Nam xếp hạng 108/177 nước (chỉ số HDI là 0,704 điểm) thì đến năm 2008 đã tăng lên 3 bậc với chỉ số HDI đạt 0,733 điểm. Đến nay, các Mục tiêu Thiên niên kỷ đều đã đạt và vượt cam kết với cộng đồng quốc tế.
Trong công tác bảo vệ môi trường, hệ thống pháp luật đang dần được hoàn thiện theo hướng tiếp cận với các mục tiêu phát triển bền vững. Nhận thức về nguồn tài nguyên cũng đã thay đổi cơ bản theo hướng coi tài nguyên là một thứ hàng hoá trong nền kinh tế thị trường.
Chỉ tiêu phát triển chưa hoàn thiện
Tại hội nghị trực tuyến phát triển bền vững toàn quốc lần thứ 3 được tổ chức ngày 6/1, nhiều ý kiến đóng góp tham gia của lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương nhìn nhận một cách khách quan cùng với những góp ý để xây dựng chiến lược phù hợp cho việc triển khai nhiệm vụ phát triển bền vững giai đoạn 2010-2015.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, nhìn nhận một cách khác quan, bên cạnh những thành tựu đạt được trong 5 năm qua thì công cuộc phát triển bền vững vẫn còn nhiều hạn chế như: Sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, nguy cơ tụt hậu so với các nước trong khu vực là rất lớn. Tăng trưởng kinh tế thiếu chiều sâu, hàm lượng khoa học công nghệ trong các sản phẩm còn thấp.
Trong công tác xã hội tuy có những thành tích đáng ghi nhận nhưng hiện nay sự phân hoá giàu nghèo giữa các dân cư, các vùng đang có chiều hướng tăng lên. Trong công tác quản lý môi trường vẫn còn nhiều bất cập khi hành vi vi phạm môi trường ngày càng gia tăng…
Còn theo bà Võ Thị Tâm – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Hải Phòng, để phát triển kinh tế bền vững thì phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Nhưng hiện nay, việc quản lý môi trường còn hết sức chồng chéo dẫn tới sự thiếu trách nhiệm trong việc bảo vệ tài nguyên và khó quy trách nhiệm.
Bên cạnh đó, bà Tâm cũng cho rằng, chỉ tiêu phát triển bền vững hiện nay còn mang tính tổng hợp nên các địa phương khó triển khai theo kế hoạch. Ngoài ra, chí tiêu hộ nghèo ngoại thành là 550.000 đồng và nội thành là 660.000 đồng hiện nay là không còn phù hợp.
Góp ý bổ sung vào sự phát triển bền vững, ông Nguyễn Ngọc Quang – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, việc triển khai nội dung phát triển bền vững tại địa phương gặp nhiều khó khăn, do việc chỉ đạo của Trung ương vẫn chưa quyết liệt.
Ông Quang cũng cho rằng, việc đưa chí tiêu tăng trưởng GDP vào sự phát triển bền vững cần xem xét vì việc này gây ra việc chạy đua thành tích, mà hậu quả để lại phía sau của nó hết sức nghiêm trọng.
Trong chí tiêu phát triển bền vững, ông Trần Đức Lai – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần bổ sung thêm việc nội dung lồng ghép chiến lược phát triển quốc gia với phát triển bền vững, xây dựng tiêu chí khuyến khích sản xuất thân thiện với môi trường, có cơ chế hạn chế việc nhập khẩu các sản phẩm không thân thiện với môi trường.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền giáo dục là hết sức quan trọng. Bởi vậy cần phải có chính sách thực hiện kết hợp chương trình giáo dục với vấn đề phát triển bền vững.
Thứ trưởng Bộ Công an Hoàng Minh Chính bổ sung, việc hợp tác quốc tế trong phát triển bền vững rất quan trọng. Nhân tố này không chỉ giúp huy động nguồn lực lớn từ các nước đối với sự phát triển của Việt Nam mà sự kết hợp giữa các quốc gia, đặc biệt là các nước láng giềng sẽ nâng cao hiệu quả của công cuộc triển khai phát triển bền vững.
Hoàn chỉnh chỉ tiêu, thúc đẩy phát triển bền vững
Phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước, là sự kết hợp hài hòa 3 trụ cột của sự phát triển, gồm: kinh tế- xã hội- môi trường. Ý kiến của nhiều chuyên gia đều cho rằng, để phát triển bền vững, Việt Nam cần có giải pháp, lộ trình trung, dài hạn để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời khắc phục các hạn chế. Vai trò của khoa học và công nghệ trong phát triển cần phải được nâng cao nhằm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm kinh tế cũng như góp phần vào việc bảo vệ môi trường.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân- Chủ tịch Hội đồng Phát triển bền vững quốc gia, trong chiến lược phát triển kinh tế sắp tới, việc đẩy mạnh phát triển theo chiều sâu sẽ được chú trọng để có thể sớm thay đổi mô hình tăng trưởng ít tiêu hao tài nguyên, nhân lực hơn nhưng vẫn giữ được mức tăng trưởng cũng như tiến tới mức tăng trưởng cao hơn.
Đối với việc giám sát, cần có chỉ tiêu giám sát quá trình phát triển bền vững, giám sát chỉ tiêu năng suất lao động, tỷ lệ chấp hành luật pháp, tỷ lệ đạt chuẩn về an sinh xã hội, khả năng tiếp cận các thông tin thông qua hệ thống Internet.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị trong 2 tháng tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các chỉ tiêu phát triển bền vững để trình Chính phủ Định hướng Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 10 năm tới và Kế hoạch hành động quốc gia phát triển bền vững 5 năm tới.