Đó là một trong những quan điểm phát triển cụm công nghiệp (CCN) của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015. Hiện nay, tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển CCN đến năm 2020 là 29 cụm với diện tích 1.167,8 ha, được phân bổ trên cả 9 huyện, thành, thị trên địa bàn.
Theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn mới của Bộ Công thương, CCN là tên gọi chung của các khu, cụm, điểm công nghiệp do UBND cấp tỉnh phê duyệt và quyết định thành lập với quy mô diện tích không quá 50ha (trường hợp cần thiết phải mở rộng CCN hiện có thì tổng diện tích sau khi mở rộng cũng không được quá 75ha).
Công nghiệp địa phương được cải thiện
Những năm qua, công nghiệp khu vực Trung ương quản lý vẫn chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN). Tuy nhiên, do tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, tỷ trọng GTSXCN đã có hiện tượng giảm dần (năm 2006 là 61,7%, năm 2010 là 59,51%). Công nghiệp khu vực địa phương quản lý, do môi trường đầu tư ngày càng được cải thiện nên đã có bước phát triển và tăng dần tỷ trọng trong cơ cấu GTSXCN của tỉnh (từ 32,17% năm 2006 lên 34,75% năm 2010, tốc độ tăng trưởng đạt 31,4%/ năm). Khu vực đầu tư nước ngoài tuy đã phục hồi và phát triển so với giai đoạn trước song vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ, dao động trong khoảng từ 5-6% GTSXCN. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của tỉnh trong giai đoạn vừa qua đều khá và tương đối ổn định. Sản lượng sản xuất một số sản phẩm truyền thống như khai thác than sạch, sản xuất xi măng, thép cán, vật liệu nổ công nghiệp… đều tăng, điển hình là sản phẩm may 50,7%, xi măng 38,4%.
Phát triển CCN chuyển biến tích cực
Nhìn chung, công tác lập quy hoạch chi tiết các CCN đã có bước chuyển biến tích cực. Đến hết năm 2010, đã có 18 CCN được phê duyệt quy hoạch chi tiết với diện tích 620 ha, trong đó diện tích đất công nghiệp là 407,6 ha. Trong triển khai thực hiện, nổi bật là CCN số 2 T.P Thái Nguyên với diện tích 6,07ha đã có doanh nghiệp đầu tư lấp đầy 100% hạ tầng với tổng vốn đầu tư là 65 tỷ đồng; các dự án đầu tư đã đi vào sản xuất kinh doanh ổn định. 14 CCN khác đã có chủ đầu tư với tổng diện tích là 518,86 ha nhưng tiến độ triển khai còn chậm (tổng vốn đầu tư đăng ký là 935 tỷ đồng nhưng đến hết năm 2009 mới thực hiện được 95 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2010 là 145,3 tỷ đồng). Đến nay, mới có 9 cụm triển khai đầu tư, trong đó, 4 cụm đang tiến hành giải phóng mặt bằng, 5 cụm đã khởi công xây dựng hạ tầng.
Số doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh vào các CCN tăng nhanh: Từ 7 dự án năm 2006, đã tăng lên 54 dự án với vốn đăng ký đầu tư là 7.594 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện ước đạt 1.612 tỷ đồng (tính đến hết tháng 9/2010). Trong đó có 27 dự án đã hoàn thành giai đoạn đầu tư, đi vào sản xuất kinh doanh; 5 dự án đang tiến hành đầu tư xây dựng cơ bản. Có thể kể đến một số dự án tiêu biểu như: Công ty Cổ phần bê tông và xây dựng Thái Nguyên; Sản xuất vật liệu xây dựng của Doanh nghiệp tư nhân Việt Cường; Nhà máy sản xuất vật liệu chịu lửa cao cấp của Công ty CP Vật liệu luyện kim Lửa Việt; Nhà máy Chế biến thức ăn chăn nuôi Đại Minh (Công ty TNHH Đại Minh); Công ty TNHH Hoàn Mỹ… Nhiều dự án có tổng vốn đầu tư lớn như Dự án Nhà máy xi măng Quan Triều với tổng vốn đầu tư 1.322 tỷ đồng; Nhà máy Nhiệt điện An Khánh với tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng; Dự án Nhà máy May TNG Phú Bình của Công ty CP Đầu tư và thương mại TNG với tổng vốn đầu tư 275 tỷ đồng… đang được triển khai đúng tiến độ. Tuy nhiên, vẫn còn 22 dự án mới đăng ký đầu tư, chưa triển khai xây dựng.
Các hoạt động về lĩnh vực quản lý, phát triển CCN trên địa bàn tỉnh được tăng cường thông qua hệ thống các văn bản, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, quy định về việc phối hợp quản lý nhà nước giữa các sở, ban, ngành với UBND cấp huyện.
Xu hướng mới trong thời kỳ hội nhập
Với quan điểm phát triển CCN phải theo quy hoạch, phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; tuân thủ các nguyên tắc: Tách biệt với khu dân cư, cơ sở hạ tầng thuận lợi, gắn với vùng nguyên liệu và nguồn lao động, có điều kiện xử lý, bảo vệ môi trường; phát triển CCN phải trên cơ sở nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển công nghiệp bền vững; gắn phát triển CCN với phát triển các KCN, trung tâm kinh tế, với dịch vụ và xúc tiến thương mại, trong thời gian tới, tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng và phát triển các CCN phục vụ nhu cầu di dời của các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm từ khu vực đông dân cư, các dự án đầu tư mở rộng sản xuất các ngành công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản tại khu vực nông thôn. Nhiều cơ chế, chính sách sẽ được đổi mới nhằm huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế xây dựng hạ tầng CCN.
Thái Nguyên phấn đấu đến năm 2015 cơ bản lập xong kế hoạch chi tiết các CCN trên địa bàn, đầu tư 728ha cơ sở hạ tầng, trong đó cơ bản hoàn thiện 440 ha (đạt 60,4%) trở lên với tổng vốn đầu tư xây dựng CCN giai đoạn 2011-2015 là 3.384,5 tỷ đồng. Tỉnh sẽ tạo bước đột phá trong thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế, nâng cao tốc độ tăng trưởng của ngành, thúc đẩy phát triển công nghiệp và dịch vụ nông thôn.