Vui - buồn của người trồng rau

09:05, 07/01/2011

Trồng rau mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây trồng khác, điều đó đã được khẳng định. Tuy nhiên, một thực tế là lâu nay, đầu ra cho thị trường rau xanh của tỉnh ta rất bấp bênh. Thời điểm rau được giá, người nông dân có thu nhập cao, nhưng vào thời điểm mất giá, không ít hộ trồng rau lao đao…

 

Đến vùng chuyên canh rau Túc Duyên (T.P Thái Nguyên) vào ngày rét cắt da, cắt thịt nhưng chúng tôi vẫn thấy không khí lao động của bà con khá tấp nập. Chỗ này, mấy bà, mấy chị tưới rau, nhặt cỏ, chỗ kia những người đàn ông cuốc đất, rẽ luống. Anh Nguyễn Xuân Cương, chủ hộ trồng rau ở xóm Oánh cho biết: Hiện nay, trời đang rét đậm, rét hại nên nông dân chúng tôi phải tích cực chăm bón cho rau. Được chăm bón tốt, rau sẽ phát triển rất nhanh, nhưng nếu không chăm bón thường xuyên, rau có thể bị chết hoặc còi cọc, giá bán giảm. Ngoài tưới nước thường xuyên cho rau, chúng tôi còn phải bón phân, phòng trừ sâu bệnh hại cho các loại rau đúng chủng loại, liều lượng.

 

Không chỉ có vùng rau chuyên canh Túc Duyên, trên địa bàn tỉnh còn có một số vùng rau chuyên canh khác ở Linh Sơn (Đồng Hỷ), Hùng Sơn (Đại Từ), Đồng Tiến (Phổ Yên), Nhã Lộng (Phú Bình)... Ngoài ra, tại các xã như Hóa Thượng, Huống Thượng (Đồng Hỷ); Bản Ngoại, Bình Thuận (Đại Từ)… người dân thường trau rau màu vụ đông thay vì trồng các loại cây màu khác như khoai lang, khoai tây…

 

Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: 5 năm qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu lớn trên các lĩnh vực, trong đó sản xuất rau có bước tăng trưởng không ngừng cả về diện tích, chủng loại và sản lượng cung cấp trên thị trường. Riêng năm 2010, toàn tỉnh đã trồng được 8.925 ha rau các loại, tăng gần 1.900 ha so với năm 2005. Các loại rau được đưa vào trồng chủ yếu là su hào, cải các loại, bí xanh, súp lơ, rau thơm, rau muống, dưa chuột, cà chua… Năng suất rau đạt 156,3tạ/ha/năm, sản lượng đạt gần 140 nghìn tấn, tăng hơn 50 nghìn tấn so với 5 năm trước. Với sản lượng ngày càng tăng như hiện nay, thu nhập từ rau đã góp phần nâng cao đời sống cho nhiều hộ nông dân.

 

Ông Nguyễn Văn Thinh, hộ dân ở xóm Phú Thịnh, xã Hùng Sơn (Đại Từ) hồ hởi: Vụ đông năm nay, gia đình tôi trồng 2 sào rau cải đông dư. Thu  hoạch hơn 1tấn rau đúng thời điểm rau được giá (12 nghìn đồng/kg) nên vợ chồng tôi có thu nhập trên 12 triệu đồng, cao gấp đôi so với cấy lúa.

 

Trồng rau mang lại hiệu quả kinh tế cao, điều đó đã được khẳng định. Tuy nhiên, một thực tế là hiện nay, đầu ra cho thị trường rau xanh của tỉnh ta rất bấp bênh. Thời điểm rau được giá, người nông dân có thu nhập cao, nhưng vào thời điểm mất giá, không ít hộ trồng rau lao đao. Bà Lê Thị Lượng, một hộ dân trồng rau ở xã Đồng Bẩm (T.P Thái Nguyên) tâm sự: Vụ đông năm 2007, tôi đã phải phá bỏ gần 1 sào rau bắp cải. Thời điểm đó, mỗi kg rau chỉ bán được với giá 500 đồng, trong khi công chăm bón, đầu tư vật tư phân bón đã gần gấp đôi con số đó. Vì thế, tôi đã để số cải bắp đó chăn nuôi lợn và ủ mục bón cho đồng ruộng.

 

Bài toán đầu ra vẫn là nỗi lo của nhiều loại nông sản chứ không riêng rau xanh. Thêm vào đó, đến nay, tỉnh ta vẫn chưa có định hướng phát triển rõ nét về loại cây trồng này. Người nông dân vẫn trồng rau theo xu hướng tự phát là chính và thị trường tiêu thụ vẫn chủ yếu ở trong tỉnh. Mỗi khi thấy loại rau nào tăng giá là bà con lại trồng ồ ạt, thu hoạch ồ ạt nên rau mất giá là điều không thể tránh khỏi. Để tăng thu nhập, 5-6 năm trước, một số hộ dân cũng đã triển khai mô hình trồng rau an toàn (RAT). Sở Nông nghiệp và PTNT đã xây dựng Đề án Phát triển rau an toàn (RAT) giai đoạn 2008-2015 và T.P Thái Nguyên, địa bàn tiêu thụ rau xanh chủ yếu của tỉnh đã xây dựng Đề án về Phát triển sản xuất và tiêu thụ RAT. Theo đó, thành phố hỗ trợ người trồng rau 40% chi phí ban đầu để trồng RAT. Bên cạnh đó, khu vực vệ tinh thuộc các huyện: Đồng Hỷ, Phú Bình, Phổ Yên cũng hình thành những nơi trồng và cung cấp RAT cho T.P Thái Nguyên. Đáng kể nhất là xã Linh Sơn (Đồng Hỷ) nơi có khoảng 30ha chuyên trồng rau, 200 ha trồng rau một vụ, chiếm 30% lượng cung cấp rau cho T.P Thái Nguyên. Mô hình trồng RAT xuất hiện ở Linh Sơn khá sớm đem lại những kinh nghiệm trồng trọt quý giá cho người nông dân, tạo ra những sản phẩm tốt cho thị trường. Tuy nhiên hiệu quả kinh tế từ trồng RAT lại không được như mong đợi bởi người tiêu dùng không phân biệt được đâu là RAT, đâu là rau trồng theo phương thức truyền thống. Khi mang ra thị trường tiêu thụ, giá 2 loại rau này được đánh đồng như  nhau.

 

Bởi vậy, để cây rau thật sự mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, tỉnh ta cần định hướng và quy hoạch vùng trồng rau chuyên canh, có cơ chế, chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các vùng trồng rau trọng điểm; quan tâm đến đầu ra cho người nông dân. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển diện tích trồng RAT.

 

Ông Hoàng Văn Dũng cho rằng: Trồng rau an toàn đòi hỏi đầu tư lớn hơn trồng rau truyền thống. Tuy nhiên, sản xuất loại rau này chắc chắn sẽ cho ra thị trường những sản phẩm rau xanh chất lượng cao, có thể xuất khẩu sang thị trường các nước trong và ngoài khu vực, mang lại lợi nhuận lớn cho người nông dân. Do vậy, để sản xuất RAT bền vững cần phải quy hoạch vùng sản xuất phù hợp với thực tế tại địa phương, sau đó đầu tư có trọng điểm, tổ chức tiêu thụ theo các điểm bán RAT có sự quản lý của Nhà nước...