Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi trở lại Quyết Thắng (T.P Thái Nguyên) là sự đổi thay rõ rệt. Nhiều tuyến đường, hệ thống kênh mương đã được bê tông và kiên cố hóa; trường học, trạm y tế được xây dựng khang trang; những diện tích đất trống, vườn tạp được thay thế bằng những hàng chè xanh tốt... Đó là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng chung sức, chung lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã trong những năm qua.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Công Định, Chủ tịch UBND xã cho biết: Trước đây, Quyết Thắng nằm trong số xã khó khăn của thành phố, nhưng trong 5 năm trở lại đây, cùng với sự quan tâm của các cấp ngành, xã đã tập trung mọi nguồn lực, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân khai thác và phát huy thế mạnh từ cây chè, cây cảnh, hoa cảnh; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa và các loại hình dịch vụ... cũng như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để từng bước nâng cao đời sống nhân dân. Qua đó, từ một xã có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 7,8% (năm 2006) đến năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,2%, bằng 56/2.067 hộ; thu nhập bình quân đầu người đạt 12 triệu đồng/năm, tăng 8 triệu đồng so với năm 2005.
Để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, ngoài việc đưa các giống lúa mới thay thế dần những giống lúa thuần chủng để nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, xã còn khuyến khích các hộ trồng xen canh, luân chuyển mùa vụ với các loại rau xanh, củ, quả cho hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, toàn xã có 20ha trồng rau, củ các loại (su hào, bắp cải, súp lơ xanh, củ đậu, ớt lai...) với thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ. Đặc biệt, đối với cây chè, nếu như trước đây cả xã mới có trên 50 ha chè trung du, do không được chú trọng đầu tư, chăm sóc nên sản lượng hàng năm chỉ đạt 4 tấn chè búp tươi/ha. Nhưng khi xác định chè là cây kinh tế mũi nhọn. Để nâng cao năng suất, chất lượng, xã đã chỉ đạo các xóm tích cực đưa các giống chè cành như LDP1, TRi 777, Lai F1, Kim Tuyên, Keo Am Tích… vào trồng mới, trồng thay thế những diện tích chè trung du đã thoái hóa, xuống cấp; chuyển đổi một số diện tích đất trồng cây ăn quả giá trị kinh tế thấp, vườn tạp sang trồng chè; mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc chè...
Cùng với đó, hàng năm Hội Nông dân, Hội Phụ nữ xã còn đứng ra mua trên 30 tấn phân bón trả chậm; tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội với số dư gần 1 tỷ đồng cho nông dân vay để đầu tư thâm canh cũng như mua máy móc phục vụ chế biến chè… Từ năm 2005 đến nay, Quyết Thắng đã trồng mới được trên 80 ha chè các loại, nâng tổng diện tích chè của xã lên 133ha, trong đó 80% chè cành, đã có 120 ha chè cho thu hái. Sản lượng chè búp tươi bình quân đạt trên 13 nghìn tấn/ha mỗi năm. Khi sản lượng chè ngày càng tăng, bà con đã chuyển từ chế biến chè thủ công sang chế biến bằng các loại máy móc, với gần 150 tôn sao chè động cơ, trên 100 máy vò chè, góp phần giảm công lao động và nâng cao chất lượng chè thành phẩm.
Chúng tôi đến Cây Xanh- một trong những xóm có diện tích chè cành nhiều của xã, bên vạt chè xanh tốt của gia đình mình, chị Hoàng Thị Tuân cho biết: “Năm 2005, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp và diện tích trồng sắn, đỗ trên đất đồi sang trồng chè cành. Hiện, gia đình có 7 sào chè cành, trong đó có 5 sào đã cho thu hái. Do chăm sóc tốt nên mỗi lứa được 60kg chè búp khô, một năm thu được khoảng 5,4 tạ chè búp khô. Với giá bán từ 100 đến 200 nghìn đồng/kg, mỗi năm thu nhập khoảng 80 triệu đồng”...
Ngoài cây chè, chăn nuôi cũng là thế mạnh của Quyết Thắng. Đưa chúng tôi thăm một số mô hình chăn nuôi có quy mô lớn của xã, chị Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Nếu như trước đây hầu hết các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ thì đến nay đã có 20 hộ chăn nuôi lợn, với quy mô 20 con/lứa. Có những hộ nuôi tới 100 con lợn thịt và 20 đến 30 con lợn nái/lứa, thu nhập từ 70 đến 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, trong mấy năm trở lại đây, Quyết Thắng còn phát triển mạnh về sinh vật cảnh, với trên 30 cơ sở trồng, kinh doanh cây cảnh, hoa cảnh, đá lũa, gỗ lũa thu nhập đạt từ 200 triệu đồng trở lên. Mới đây nhất, xã cũng đã tổ chức làm thí điểm 2 mô hình trồng Thanh long với quy mô 900 trụ, cho thu 5 tấn quả, thu nhập 100 triệu đồng; 3 mô hình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu, với quy mô từ 300 đến 400 bịch/lứa...
Cùng với phát triển kinh tế, xã còn, quan tâm đến xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư, cải tạo, xây dựng tương đối hoàn thiện góp phần phát triển kinh tê - xã hội địa phương. Nhiều công trình trường học, đường bê tông; kênh mương; trạm y tế... được xây mới kiên cố, khang trang tạo điều kiện để nhân dân phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập. Từ một xã giao thông đi lại khó khăn, đến nay Xã đã đầu tư làm mới gần 30km đường giao thông liên xã, gần như các xóm đều có đường giao thông thuận tiện. Ngoài ra, Quyết Thắng còn đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng trường, lớp phục vụ sự nghiệp “trồng người” của xã. Từ nhiều nguồn vốn xã đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học, từ đó cơ sở trường lớp của các cấp học ở Quyết Thắng được thay đổi, khang trang hơn trước với những phòng học kiên cố 2 tầng và các phòng chức năng khác đáp ứng yêu cầu dạy và học của thầy và trò các trường. Năm 2010, Trạm Y tế xã được tổ chức ATLANTIC hỗ trợ gần 2 tỷ đồng xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân, đạt chuẩn Quốc gia năm 2010. Gần 30 ngôi nhà tình nghĩa, đại đoàn kết được xây mới để trao tặng cho gia đình chính sách, hộ nghèo…
Theo ông Vũ Công Định, Chủ tịch UBND xã, kết quả này mới chỉ là bước khởi đầu. Trong thời gian tới, Quyết Thắng sẽ tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương, đưa kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, chuyển dần những diện tích trồng lúa, hoa màu kém hiệu quả sang trồng chè, hoa, cây cảnh; triển khai nhân rộng một số mô hình đã cho hiệu quả; tiếp tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.… Để đạt được mục tiêu này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quyết Thắng cần nỗ lực, cố gắng hơn nữa tạo nên một sức mạnh tổng hợp, hoạt động có hiệu quả, hợp ý Đảng, vừa lòng dân. Có như vậy mới đưa Quyết Thắng trở thành một xã giàu, mạnh trong nay mai.