Chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở Tân Linh

09:16, 10/03/2011

Khoảng 5 năm trước đây, chúng tôi biết đến Tân Linh là một xã nghèo nằm ở phía Đông Nam huyện Đại Từ với tỷ lệ hộ nghèo chiếm tới 34,5%. Nhưng nay, nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, người dân Tân Linh đã từng bước xây dựng được cuộc sống khấm khá...

 

Về xã Tân Linh những ngày này, điều cuốn hút chúng tôi nhất chính là màu xanh trên những đồi chè. Sau thời gian “ngủ đông”, dưới trời xuân ấm áp, chè Tân Linh bừng dậy “ngậm” lấy những giọt mưa đầu mùa, chuyển hóa trong mình để tạo ra hương vị đậm, chát, đượm hương... Đứng dưới chân núi Chúa quan sát, chúng tôi nhìn thấy những chú ngựa thồ từng thạ chè, bó củi xuống núi, rồi lại cặm cụi chở lương thực, phân bón lên cho những người dân đang lao động trên núi... Tất cả tạo nên bức tranh sống động về cuộc sống của những người dân nơi đây cần mẫn và bình dị. Trên đồi chè, ông Nguyễn Văn Tuấn, xóm 6 đang cùng vợ và con gái nhanh tay hái những búp chè mập, căng mọng. Tranh thủ nghỉ tay đôi phút, ông Tuấn giới thiệu với chúng tôi: Lứa chè xuân đầu tiên trong năm mà gia đình tôi thu hái đấy. Gia đình tôi có 1 ha chè, trong đó 50% là chè cành với các giống LDP1, TRI777. So với chè trung du, chè LDP1 có ưu điểm khi trồng mới tỷ lệ sống đạt khá cao (trên 85%), cây sinh trưởng khỏe, chiều cao trung bình của cây khoảng 1 m, nhiều búp với mật độ 330 búp/m2), khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, đặc biệt chè LDP1 chịu được khô hạn... Còn chè TRI777 thì có búp thưa hơn chè LDP1 nhưng lại có khối lượng búp lớn hơn, tuy nhiên khả năng chống chịu sâu bệnh kém hơn. Hiện nay, chè LDP1, TRI777 dùng để chế biến chè xanh cho chất lượng tốt, giá bán đạt 170 nghìn đồng đến 180 nghìn đồng/kg. Qua tính toán so sánh về hiệu quả kinh tế với chè trung du, ông Tuấn khẳng định: Từ khi đưa các giống chè cành vào trồng, tôi thấy năng suất chè tăng, chất lượng chè tốt hơn và giá bán cao gấp 3-4 lần. Với tổng diện tích 1 ha chè, hiện mỗi năm cho gia đình ông thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên.

 

Trong xu hướng hiện nay, cây chè đang trở thành cây trồng mũi nhọn của xã Tân Linh. Từ năm 2006 đến nay, bà con nông dân xã Tân Linh đã cải tạo và trồng mới trên 80 ha chè. Số diện tích trồng mới chủ yếu được trồng bằng các giống chè cành có năng suất, chất lượng cao, tập trung ở các xóm 11, xóm 6, xóm 5 cho thu nhập từ 80 triệu đồng đến hơn 100 triệu đồng/ha/năm. Nhờ vậy, xã Tân Linh trở thành địa phương có diện tích chè lớn nhất huyện với tổng diện tích gần 750 ha. Theo đồng chí Nguyễn Phan Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Tân Linh thì sở dĩ cây chè được người dân lựa chọn vì chất đất ở đây phù hợp với sự phát triển của cây chè, trình độ thâm canh của người trồng chè cao, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Đặc biệt là người dân nơi đây chú trọng đầu tư kinh phí vào sản xuất chè. Tổng dư nợ tín dụng của người dân tại Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT và Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện đến thời điểm này đạt trên 10 tỷ đồng. Tân Linh có đủ các điều kiện thuận lợi tạo nên vùng nguyên liệu chè hướng tới nền sản xuất hàng hóa. Tuy nhiên, điều làm đồng chí Chủ tịch UBND xã trăn trở là hiện nay nhiều người dân có nhu cầu làm chè đông cho giá trị kinh tế cao gấp 2 lần chè chính vụ nhưng vẫn còn chưa chủ động được nguồn nước. Tân Linh hiện chưa có công trình thuỷ lợi vùng đồi nào phục vụ cho sản xuất chè. Bởi thế mỗi năm, toàn xã chỉ có 30% diện tích chè được người dân chủ động dùng máy bơm hút nước tưới làm chè đông. Cũng theo đồng chí Chủ tịch UBND xã thì hiện nay, xã đang có 2 công trình thuỷ lợi vùng đồi được cấp trên về khảo sát. Nếu các công trình này được đẩy nhanh thi công trong thời gian tới thì 40-45% diện tích chè của xã (gồm các xóm 2,3,4,7,8) thì người dân các xóm này sẽ chủ động được trong việc làm chè đông.

 

Cùng với cây chè, những năm gần đây, người dân Tân Linh còn chú trọng phát triển chăn nuôi. Toàn xã hiện có 3 trang trại chăn nuôi lợn ngoại ở xóm 11, bình quân mỗi trang trại có 20 con lợn nái ngoại và một con lợn đực giống. Ngoài ra, Tân Linh cũng là địa phương đầu tiên của huyện Đại Từ phát triển mạnh phong trào chăn nuôi ngựa. Ông Đặng Xuân Thuận, xóm 9 kể: Trước đây, một số hộ dân xóm 9 và các xóm lân cận lên dãy núi Chúa khai phá đất trồng chè. Để tiện cho việc chuyên chở chè, củi xuống núi và đem lương thực, phân bón lên, người dân đã  lựa chọn con ngựa làm phương tiện thồ phù hợp với đường rừng núi. Sau này, người dân chuyển sang nuôi ngựa để bán thịt thương phẩm. Một con ngựa tuổi 2 trở lên cho từ 40-45 kg thịt thương phẩm, với giá bán trên thị trường hiện là 150 nghìn đồng/kg cũng cho thu nhập được 6 triệu đồng. Gia đình tôi cũng có gần 2 mẫu chè ở trên núi Chúa, để thuận lợi chuyên chở, gia đình tôi thường xuyên duy trì chăn nuôi từ 3-5 con ngựa. Nuôi ngựa lại đơn giản, ít phải đầu tư bởi ngựa chỉ ăn cỏ, lại cho hiệu quả kinh tế cao. Nếu như năm 2005, Tân Linh có 64 con ngựa thì đến năm 2010 đã tăng lên trên 250 con.

 

Nhờ tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đời sống của người dân xã Tân Linh trong những năm gần đây không ngừng được cải thiện. Đến hết năm 2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của xã đạt bình quân 10%/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 11,5 triệu đồng/người/năm; giá trị công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt 1,2 tỷ đồng; giải quyết việc làm cho 50 lao động/năm; tỷ lệ hộ nghèo từ 34,5% (2006) giảm xuống còn 20,8%/năm... Kinh tế phát triển, đời sống của nhân dân được nâng cao, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cũng được chính quyền địa phương quan tâm. 5 năm qua, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn đạt trên 20 tỷ đồng. Từ nguồn vốn trên, Tân Linh đã xây dựng các công trình phúc lợi như làm đường giao thông, mở rộng mặt bằng Trường Mầm non, Trạm Y tế...