Làm giàu từ nghề cơ khí

08:49, 30/03/2011

Anh Nguyễn Thanh Tâm, sinh năm 1969, xóm Đồng Ẻn, xã Tràng Xá (Võ Nhai), là người ham học hỏi, có nghị lực vượt khó vươn lên làm giàu. Hiện, anh đang làm chủ một xưởng kinh doanh và gia công cơ khí có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm...

 

Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 1995, anh lập gia đình với chị Hoàng Thị Hạnh. Đôi vợ chồng trẻ bắt đầu cuộc sống mới với bao khó khăn thiếu thốn: Không có ruộng, không nghề nghiệp ổn định. Nhưng, ước vọng làm giàu cho gia đình và quê hương đã luôn thôi thúc anh tìm kiếm hướng phát triển kinh tế gia đình. Ban đầu, hai vợ chồng bàn nhau vay tiền của anh, em hai bên nội ngoại để lấy vốn chăn nuôi lợn kết hợp với làm đậu và nấu rượu. Nhờ chịu khó làm ăn và biết chi tiêu tiết kiệm, anh chị không những có đủ tiền trang trải cuộc sống sinh hoạt hằng ngày mà còn mua được chiếc xe máy để anh vừa làm phương tiện đi lại, vừa chạy xe ôm, kiếm thêm nguồn thu nhập cho gia đình. Sau này, anh còn làm rất nhiều nghề khác nữa như: chạy xe công nông, lại xe khách du lịch, làm ngói...

 

Song, các nghề đó đều không tồn tại được được lâu. Sau bao năm lăn lộn tìm kế mưu sinh, anh nhận thấy nhiều cơ sở kinh doanh và sản xuất cơ khí ở những nơi mà anh đã từng đến đều làm ăn tốt. Và ở trong xã anh, bà con muốn mua được cái cuốc, cái xẻng, cái cày... thì đều phải ra tận chợ Đình Cả hoặc các cửa hàng cơ khí ở thành phố Thái Nguyên. Năm 2005, anh bàn với vợ dồn toàn bộ số tiền tích cóp được  cộng với vốn vay ngân hàng mở cửa hàng kinh doanh cơ khí. Anh chủ yếu bán và gia công một số công cụ nông nghiệp thiết yếu phục vụ sản xuất như: xẻng, cuốc, cày, bừa bằng sắt, máy thái sắn, chảo tôn sao chè... Các loại công cụ này bán rất chạy, nhất là vào vụ sản xuất. Song song với đó, anh còn dành thời gian đi tìm hiểu và học hỏi cách sửa chữa máy móc, gia công một số loại công cụ sản xuất nông nghiệp. Từ sự cần cù, ham học hỏi, anh không chỉ học được kỹ thuật sửa chữa máy móc mà còn có thể tự gia công một số loại công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như: Máy thái sắn, chảo sao chè, quạt hòm bằng tôn. Mỗi năm, trừ chi phí đầu tư kinh doanh, sản xuất và trả tiền công thuê thợ, cơ sở cơ khí của anh đã thu lãi gần 100 triệu đồng.

 

Thấy việc làm ăn có hiệu quả, năm 2010, anh quyết định đầu tư trên 1 tỷ đồng, để mở rộng quy mô xưởng gia công cũng như tăng thêm số lượng, chủng loại các mặt hàng như: Máy cày, máy xay xát, máy tẽ ngô, máy tuốt lúa... Trung bình mỗi năm, cơ sở của anh đã bán được khoảng 50 đến 60 chiếc máy cày, trên 100 máy tẽ ngô, trên 70 quạt hòm thóc bằng tôn... Ngoài ra, cơ sở cơ khí của anh còn nhận sửa chữa, thay thế phụ tùng các loại máy nông nghiệp, góp phần tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức thu nhập bình quân 2 triệu đồng/người/tháng. Để thuận lợi cho việc chuyên chở và lắp ráp máy móc đến tận nhà cho khách hàng, anh cũng  đã mua một chiếc xe tải trị giá trên 200 triệu đồng.

 

Khách đến mua hàng còn được anh tư vấn để làm sao chọn được những máy móc, công cụ sản xuất vừa phù hợp với điều kiện kinh tế, vừa đem lại hiệu quả cao. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Tâm còn giúp đỡ nhiều hộ dân nghèo có điều kiện mua được những những công cụ, máy móc phục vụ cho sản xuất bằng cách cho các hộ có kinh tế khó khăn chịu lại một nửa số tiền khi mua hàng. Anh tâm sự: Nhiều khách hàng đến đây mua máy cày khi trong tay chỉ có khoảng 5- 6 triệu đồng. Số tiền đó chỉ bằng một nửa trị giá của chiếc máy. Song, tôi vẫn cho bà con chịu nửa số tiền còn lại, cốt làm sao bà con có công cụ để sản xuất. Có người chỉ chịu đến sau vụ thu hoạch lúa, ngô, nhưng cũng có hộ chịu từ 1-2 năm.