“Rào cản" trong phát triển chăn nuôi trang trại

07:49, 09/03/2011

Trong những năm qua, chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp đã dần hình thành và phát triển ở Định Hóa. Toàn huyện có 62 trang trại, trong đó có 31 trang trại chăn nuôi. Tổng giá trị sản xuất của các trang trại ước đạt gần 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “rào cản” đối với các chủ trang trại như: dịch bệnh, thiếu vốn tín dụng, kỹ thuật chăn nuôi, thị trường tiêu thụ không ổn định… khiến cho mô hình kinh tế này chưa thực sự  tạo được bước đột phá.  

 

Các trang trại chăn nuôi trâu, bò của huyện về cơ bản còn mang tính tự phát và không ổn định. Xã Điềm Mặc có 7 trang trại chăn nuôi trâu, bò được công nhận từ năm 2007. Từ đó đến nay, quy mô chăn nuôi của các trang trại này chỉ giữ nguyên hoặc giảm. Năm 2007, gia đình ông Nguyễn Văn Đông, xóm 3 Bình Nguyên, xã Điềm Mặc có 30 con trâu, bò thì nay chỉ còn 15 con (10 con trâu và 5 con bò). Gia đình ông Nguyễn Văn Hiệp cùng xóm cũng giảm từ trên 40 con trâu bò xuống còn 29 con. Theo ông Hiệp, tất cả các trang trại chăn nuôi trâu bò ở các xóm trong xã như: Bình Nguyên, Bản Bắc, Đồng Vinh… đều chủ yếu dựa vào nguồn thức ăn tự nhiên ở khu vực đồng cỏ giáp ranh giữa Định Hóa và Tuyên Quang. Khi vùng bình nguyên này bị thu hẹp diện tích, chăn nuôi gia súc gặp khó khăn nên hiệu quả không còn cao như trước nữa. Ngoài ra, thói quen thả rông đàn gia súc, không quan tâm nhiều đến công tác thú y nên gia súc hay bị thất lạc, khi có dịch bệnh thường “trở tay không kịp”. Ông Đông thừa nhận: "Tôi dựng lán để chăn thả gia súc ở trên núi, có khi cả năm không tiêm phòng dịch được lần nào. Việc cập nhật thông tin về cách phát hiện và cách thức chữa trị các bệnh thông thường cũng không được thường xuyên".

 

Đối với các trang trại chăn nuôi lợn và gia cầm tập trung, điều các chủ hộ còn băn khoăn là thiếu nguồn vốn và kiến thức chăn nuôi thú y. Với ông Phạm Minh Mộc chủ trang trại gia cầm quy mô từ 8.000 đến 10.000 con gà thịt/lứa ở xóm Lạc Nhiêu, xã Bộc Nhiêu thì khó khăn lớn nhất trong chăn nuôi là thiếu vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Theo ông, thủ tục vay vốn sản xuất có hỗ trợ lãi suất mặc dù rất đơn giản nhưng cái khó là chủ hộ phải xuất trình hóa đơn mua bán con giống, vật tư, thức ăn… và kế hoạch phát triển trang trại để chứng minh dự án chăn nuôi. Trong khi, đa phần là các trang trại chăn nuôi trên địa bàn đều có quy mô nhỏ, manh mún, việc mua bán vật tư, con giống chủ yếu được thực hiện qua các đại lý và tiểu thương nên hầu hết không thể chứng minh được giá trị nguồn hàng bằng các loại hoá đơn, chứng từ. Một hạn chế khác là quy mô và thời hạn vốn vay cho sản xuất. Ông Mộc chia sẻ: "Với quy mô trang trại hiện nay, tôi có nhu cầu vay từ 400 đến 500 triệu đồng trong thời gian 3 năm trở lên. Tuy nhiên, tổng số vốn tôi vay được chỉ là 300 triệu đồng (Ngân hàng Chính sách - Xã hội và 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT), thời hạn cho vay là 1 năm".

 

Bên cạnh đó, các chủ hộ chăn nuôi của huyện còn thiếu kiến thức về quy hoạch trang trại. Trường hợp trang trại của chị Ma Thị Lan, xóm Cốc Lùng, xã Bảo Cường là một ví dụ. Do tính toán không hợp lý, chị Lan đã tập trung nguồn vốn của gia đình vào xây dựng chuồng trại nên không còn vốn để mua con giống và thức ăn. Trong thiết kế chuông trại, chị Lan đã đặt ở vị trị cao so với các gia đình lân cận nên vừa tốn kém khi xây dựng, lại ảnh hưởng đến môi trường xung quanh nếu mở rộng quy mô chăn nuôi... Chị cho biết: Tôi đang phải tạm dừng chăn nuôi để cải tạo lại chuồng trại và huy động thêm vốn mua con giống và thức ăn. Ngoài ra, những hạn chế về kỹ thuật chăm sóc, giá cả thị trường không ổn đinh, dịch bệnh… cũng đang là những “rào cản” trong chăn nuôi trang trại của huyện. Anh Hoàng Ngọc Thìn, chủ trang trại chăn nuôi lợn ở xóm Nà Linh, xã Bảo Cường cho biết: Từ năm 2010 trở về trước, gia đình tôi nuôi từ 100 đến 120 con lợn ngoại mỗi lứa. Từ khi có dịch LMLM, tôi chỉ nuôi cầm chừng, duy trì số lượng đàn lợn nái”.

 

Tìm hiểu thực tế ở nhiều trang trại chăn nuôi của Định Hóa, chúng tôi nhận thấy hầu hết các chủ hộ trình độ quản lý, kiến thức khoa học kỹ thuật chăn nuôi hạn chế, chưa chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng, hạ giá thành, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Sự liên kết giữa các trang trại trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu, tư tưởng "mạnh ai nấy làm" còn phổ biến dẫn tới sản phẩm làm ra nhỏ lẻ và bị tư thương ép giá. Có thể khẳng định, huyện Định Hóa có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế trang trại, trong đó có trang trại chăn nuôi. Thiết nghĩ, để tạo “cú hích” trong chăn nuôi theo hướng trang trại cần có sự hỗ trợ tích cực của chính quyền các cấp cũng như sự chủ động, nỗ lực của bản thân các chủ trang trại. Huyện cần thực hiện đồng bộ các biện pháp từ quy hoạch tổng thể đến xây dựng các mô hình, dự án điểm về chăn nuôi có giá trị kinh tế cao theo hướng an toàn vệ sinh dịch bệnh. Đồng thời, cần kết hợp hỗ trợ vốn đầu từ, kỹ thuật sản xuất gắn với định hướng tiêu thụ sản phẩm cho các trang trại. Các chủ trang trại cũng cần chủ động học tập, nâng cao kiến thức về kỹ thuật quy hoạch, kiến thức thú y… tăng cường liên kết, trao đổi kinh nghiệm theo các hình thức hiệp hội, tổ hợp sản xuất nhằm hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật và thị trường. Từ đó, thực hiện thành công mục tiêu cả huyện sẽ có 100 trang trại vào cuối năm kinh tế trang trại ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong kinh tế địa phương.