Ngoài phạt tiền còn rút giấy phép kinh doanh, nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển qua cơ quan công an.
Siết chặt quản lý giá các mặt hàng thiết yếu
Ông Nguyễn Tiến Thỏa – Cục trưởng Cục quản lý giá (Bộ Tài chính) đã khẳng định như vậy khi trao đổi với báo chí (ngày 25/3, tại Hà Nội), về công tác quản lý, điều hành thị trường giá cả.
Trong tình hình lạm phát hiện nay, điều người dân quan tâm nhất vẫn là giá cả thị trường. Tuy nhiên, công tác quản lý giá thời gian qua còn nhiều “kẽ hở” khiến các vi phạm gia tăng, cuối cùng thiệt hại lại đổ lên đầu người tiêu dùng.
Kiểm soát thị trường hàng hóa
Về các giải pháp bình ổn giá cả thị trường thời gian tới, ông Thỏa cho biết, tiếp tục thực hiện giá thị trường đối với một số mặt hàng vẫn còn bao cấp. Bộ Tài chính sẽ cùng các doanh nghiệp rà soát lại giá thành các sản phẩm để quản lý tốt hơn công tác đăng ký giá.
Được biết, hiện nay, thanh tra tài chính đang tổ chức 14 đoàn đi kiểm tra các đơn vị sản xuất kinh doanh các mặt hàng như thép, xi măng, thức ăn chăn nuôi. Các địa phương tiếp tục kiểm soát cước vận tải; Bộ Y tế kiểm soát giá thuốc; Bộ Tài chính kiểm soát giá sữa.
Lực lượng thanh tra sẽ tập trung vào các mặt hàng vừa qua chịu tác động trực tiếp từ việc điều chỉnh giá điện và giá xăng dầu. “Chúng ta phải chấp nhận giá một số hàng hóa dịch vụ phải tăng do đầu vào thực sự tăng” – ông Thỏa nói.
Nhiều người cho rằng, tâm lý tiêu dùng cũng ảnh hưởng nhiều đến việc tăng giá, tăng CPI. Nhưng theo ông Thỏa, ý kiến này cũng chưa thực sự xác đáng: “Cũng có người tính toán việc điều chỉnh tỷ giá, điện, xăng làm tăng thêm CPI khoảng 2,5%. Trên thực tế CPI tăng khoảng 3%, trừ đi 0,5% tăng do yếu tố tâm lý. Nhưng tính toán như vậy khó chính xác, vì nhiều khi thị trường không phải tính 1 cho ra 1. Có thời điểm điều chỉnh giá xăng vào tháng 3/2010 nhưng tháng sau CPI rất thấp, có tháng còn âm, do mặt bằng giá đã được san đều”.
Theo ông Nguyễn Tiến Thoả, chúng ta mới thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ được 1 tháng và cũng phải mất vài tháng thì tình hình mới cải thiện được.
Tăng mạnh chế tài
Năm 2010, Bộ Tài chính khá riết ráo trong việc kiểm tra niêm yết giá của doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi phát hiện các doanh nghiệp có sai phạm nhưng lại không xử phạt nặng được do chế tài chưa đầy đủ hay quá nhẹ để có thể răn đe. Việc tăng giá bán tuỳ tiện dù bị phạt vẫn có “lãi” nhiều hơn là việc chấp hành nghiêm qui định bán đúng giá đã đăng ký, niêm yết.
Qua kiểm tra, ông Thoả cho biết: “Có nhiều chi phí doanh nghiệp hạch toán vô lý như chi phí quảng cáo quá cao, bán hàng qui định 10% tăng lên tới 40%... nhưng chế tài chưa đầy đủ để buộc doanh nghiệp phải giảm giá. Chỉ phạt cảnh cáo và phạt tiền”.
Với thông tư 122/2010/TT-BTC ngày 12/08/2010 của Bộ Tài chính, nếu doanh nghiệp không hạch toán đúng một mặt sẽ bị thu khoản này vào ngân sách nhà nước, một mặt yêu cầu giảm giá theo chi phí mà doanh nghiệp hạch toán không đúng. “Ngoài ra, hiện đã có qui chế kết hợp với Hải quan - Cục giá – các Bộ nên có thể tham chiếu giá lẫn nhau, căn cứ giá nhập để tính giá vốn đầu vào, trên cơ sở đó đối chiếu giá bán trong nước nên việc kiểm soát thuận lợi hơn” – ông Thoả nói.
Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho biết: Hiện tại, Bộ Tài chính cùng các Bộ liên quan đang gấp rút hoàn thành sửa đổi Nghị định 169 xử lý vi phạm trong lĩnh vực giá, trình Chính phủ ban hành. Mức chế tài sẽ được nâng lên và bổ sung nhiều hành vi mới xuất hiện chưa có trong qui định cũ. Hiện nay mức xử phạt cao nhất về giá là vi phạm kinh doanh xăng dầu, theo Nghị định 107 phạt khoảng 70 triệu đồng; phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cao nhất 40 triệu đồng. “Theo qui định mới, mỗi quyết định phạt tiền đều có chế tài bổ sung, trước kia đơn giản chỉ có phạt cảnh cáo rồi phát tiền, trong khi chế tài bổ sung rất yếu ớt không có tính răn đe”.
Ông Thoả dẫn chứng: Trước đây, vi phạm qui định niêm yết giá chỉ phạt 200.000 đồng, một số chế tài khác rất nghiêm trọng nhưng mức phạt cao nhất chỉ 30 triệu đồng. “Chế tài mới ngoài phạt tiền còn rút giấy phép kinh doanh; thu phần chênh lệch hạch toán không đúng vào ngân sách; nặng hơn nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển qua cơ quan công an”./