Để giúp hội viên nông dân, đặc biệt là hội viên nghèo phát triển sản xuất, trong những năm qua Hội Nông dân T.X Sông Công đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội hàng chục tỷ đồng để cho hội viên vay. Có vốn lại được tập huấn kỹ thuật, nhiều hội viên đã biết đầu tư đúng hướng phát triển sản xuất, tăng thu nhập và vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trao đổi với chúng tôi chị Đồng Thị Vân Anh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị xã cho biết: “Hội có 5.563 hội viên sinh hoạt tại 118 chi hội cơ sở. Những năm qua, để giúp hội viên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động như: Phối hợp với các đơn vị mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn về chăn nuôi thú y; tổ chức trình diễn các mô hình giống lúa mới cho năng suất cao; tổ chức cho hội viên đi tham quan học tập các mô hình kinh tế ở các địa phương bạn… Năm 2010, Hội đã mở được 20 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho trên 6 nghìn lượt hội viên; tổ chức 5 cuộc hội thảo đầu bờ về các giống cây trồng mới cho trên 200 hội viên tham gia; phối hợp với Hội Làm vườn thị xã tổ chức được 2 lớp dạy nghề về kỹ thuật nuôi ong tại hai xã Bá Xuyên và Vinh Sơn cho trên 60 hội viên…
Cùng với đó, để giúp hội viên có vốn phát triển kinh tế, Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách - Xã hội để cho hội viên vay, đến nay Hội đang quản lý 47 tổ vay vốn với tổng số tiền gần 27 tỷ đồng cho trên 2.000 hội viên vay. Ngoài ra, Hội còn đứng ra tín chấp với Chi nhánh Vật tư Nông nghiệp thị xã cung ứng 361 tấn phân bón và 1.620 kg giống trả chậm cho 720 gia đình hội viên vay phát triển sản xuất. Nhờ đó, đã giúp cho nhiều hội viên ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.”
Chúng tôi đến thăm hộ gia đình chị Lưu Thị Hạnh, Tổ dân phố Bến Vượng, phường Thắng Lợi, T.X Sông Công - một hội viên nông dân vừa được công nhận thoát nghèo năm 2010. Trao đổi với chúng tôi chị Hạnh cho biết: Với 7 triệu đồng được Hội đứng ra tín chấp cho vay năm 2008 tôi đã mua 2 con lợn nái về nuôi. Năm 2009, sau khi đi thăm quan mô hình nuôi ngan pháp ở Phổ Yên tôi đã quyết định đầu tư nuôi 50 con ngan, nhưng do thiếu kỹ thuật chăm sóc nên đàn ngan bị chết chỉ còn lại 20 con. Đầu năm 2010, sau khi được theo học lớp dạy nghề thú y cơ sở do Hội Nông dân thị xã tổ chức, tôi đã mạnh dạn đầu tư nuôi 150 con ngan, lần này do đã có kỹ thuật phòng và chăm sóc vật nuôi nên đàn ngan phát triển tốt, sau 3 tháng cho xuất chuồng. Từ thành công này, tôi lại nuôi tiếp 2 lứa ngan nữa, kết quả, riêng năm 2010 tôi cho xuất chuồng 3 lứa ngan với 1,8 tấn ngan thịt cho thu nhập trên 18 triệu đồng”. Hiện, trong chuồng nhà chị có một lợn nái, một đàn lợn con, 200 con ngan con và gần 100 gà đẻ trứng… năm 2010, trừ chi phí gia đình chị thu về gần 20 triệu đồng từ chăn nuôi. Trao đổi với chúng tôi anh Dương Hồng Hải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thắng Lợi cho biết: Phường có 420 hội viên sinh hoạt tại 13 chi hội, đến năm 2010 tổng số tiền mà hội đứng ra tín chấp với ngân hàng là 1,1 tỷ đồng cho 125 hội viên nông dân vay phát trển kinh tế. Nhờ đó, năm 2010, toàn hội có 10 hộ nông dân thoát nghèo. Hiện nay, hội chỉ còn 40/80 hộ nghèo là hội viên nông dân.
Để giúp hội viên sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả nguồn vốn vay, nhiều cơ sở hội đã biết lựa chọn những cây, con mũi nhọn phù hợp với điều kiện của địa phương để tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn cho hội viên học tập và áp dụng vào thực tế mang lại hiệu quả kinh tế. Chúng tôi đến xã Vinh Sơn một xã miền núi còn nhiều khó khăn của thị xã, anh Hà Ngọc Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: Năm 2010, Hội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức được một mô hình về trồng rau sạch trên diện tích 1ha cho 60 hộ nông dân tham gia và một mô hình trồng lúa 3 giảm 3 tăng trên diện tích 3ha. Ngoài ra, Hội còn tổ chức một lớp chăn nuôi thú y cho 30 hội viên, một lớp nuôi ong cho 30 hội viên, ba lớp về kỹ thuật trồng và chăm sóc chè… Đặc biệt, vụ đông xuân năm nay, Hội đã vận động 70 gia đình hội viên ở xóm Vinh Quang 3 tham gia triển khai mô hình giống lúa cao sản mới trên diện tích 4ha. Để giúp hội viên có vốn Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng chính sách gần 2,7 tỷ đồng cho trên 200 hội viên vay. Nhờ đó, hết năm 2010 số hộ nghèo là hội viên nông dân của xã chỉ còn 47 hộ, giảm 6 hộ so với năm 2009”.
Như vậy, có thể thấy với việc giúp hội viên được tiếp cận vốn, giống, khoa học kỹ thuật, Hội Nông dân thị xã đã làm tốt vai trò “tiếp sức” để hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững. Nhờ đó mà số hộ nghèo là hội viên nông dân của thị xã giảm xuống. Hiện nay, toàn thị xã chỉ còn 417 hộ nghèo là hội viên nông dân, giảm 73 hộ so với năm 2009, góp một phần làm giảm bớt tỷ lệ hộ nghèo chung của toàn thị xã.