Cần hiểu đúng về quản lý thị trường vàng

13:34, 08/04/2011

Trong phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết (NQ) số 77, trong đó yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương xây dựng và hoàn thiện Nghị định (NĐ) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng quản lý chặt chẽ nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng, từng bước hạn chế và xóa bỏ sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán để trình Chính phủ trong quý II năm 2011.

 

Qua thực tế khảo sát tại thị trường Thái Nguyên, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề đang đặt ra trong công tác quản lý thị trường vàng, nhất là trong thời điểm hiện nay nhiều người dân đang có xu hướng chuyển sang tích trữ vàng nữ trang thay cho vàng miếng.

 

Có thể nói, tâm lý tích trữ vàng đã ăn sâu vào tiềm thức, trở thành thói quen của người dân nước ta. Trong nhiều năm qua, việc mua bán vàng miếng, vàng nữ trang khá dễ dàng càng làm tăng tâm lý găm giữ vàng của người dân, nhất là trong bối cảnh sức ép lạm phát gia tăng như hiện nay. Có mặt tại cửa hàng vàng Mạnh Bảo, đường Bắc Kạn (T.P Thái Nguyên) để mua khoảng 5 chỉ vàng, chị Đ. T. Minh, ở thị trấn Đại Từ cho biết, mỗi khi dành dụm được chút tiền chị thường chuyển đổi ngay sang vàng để cất giữ, an toàn mà vẫn bảo đảm được giá trị. Trước kia, mỗi khi có nhu cầu chị thường mua vàng miếng, nhưng vì đang có thông tin Nhà nước sẽ cấm kinh doanh vàng miếng nên chị chuyển sang mua vàng nhẫn.

 

Suy nghĩ của chị Minh cũng là suy nghĩ của nhiều người dân hiện nay. Thực tế này được ông Nguyễn Quý Tùng, chủ doanh nghiệp vàng bạc tư nhân Quý Tùng (T.P Thái Nguyên) chia sẻ. Theo ông Tùng, thời gian qua nhu cầu mua vàng nữ trang (nhất là vàng nhẫn) của người dân tăng mạnh. Doanh số vàng nhẫn bán ra tại hệ thống cửa hàng của doanh nghiệp hiện nay tăng khoảng 7 lần so với thời điểm cách đây gần hai tháng. Trong khi đó, thị trường vàng miếng lại khá trầm lắng, lượng tiêu thụ giảm mạnh. Ông Tùng cho biết thêm: Trước thực tế này, chúng tôi đã chuyển một lượng vàng miếng sang vàng nhẫn và huy động công nhân tăng cường chế tác vàng nữ trang để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

 

Có thể thấy, nhu cầu vàng nữ trang của người dân đang gia tăng, nhất là sau khi có thông tin “xóa bỏ” kinh doanh vàng miếng. Vậy việc chuyển đổi từ vàng miếng sang vàng nữ trang sẽ có những “tác dụng phụ” gì? Người dân liệu có được lợi? Để trả lời những câu hỏi này, với một chiếc nhẫn tròn 1 chỉ, loại 9999, được chế tác tại tiệm vàng Minh Phúc trong tay, chúng tôi đã tới cửa hàng vàng Phương Tiến, số 101 đường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên) để bán. Sau khi tiến hành đo tuổi vàng bằng máy điện tử, tỷ lệ đảm bảo nhưng nữ nhân viên giao dịch khuyên chúng tôi nên bán chiếc nhẫn tại nơi chế tác vì như thế sẽ có giá cao hơn. Cửa hàng chỉ mua với giá tương đương giá vàng 999. Chúng tôi tỏ vẻ thắc mắc về điều này thì được nữ nhân viên giải thích với lý do sợ chất lượng vàng không đảm bảo nhưng thực chất là các cửa hàng không tin tưởng nhau. Như vậy, khi chuyển đổi từ vàng miếng sang vàng nữ trang người dân gần như phải chịu thiệt hoàn toàn, bởi lẽ vàng nữ trang dễ mua nhưng không dễ bán (tính thanh khoản thấp) và khi bán thường bị ép giá. Ngoài ra, khi chuyển sang vàng nữ trang người dân thường phải chấp nhận chất lượng vàng kém hơn vàng miếng do trong quá trình chế tác các cơ sở thường sử dụng “thủ thuật” rút bớt hàm lượng vàng bằng cách dùng một số loại hợp kim khác thay thế để đánh lừa khách hàng. Bên cạnh đó, giá vàng cũng sẽ bị “đội” lên do phải cộng thêm phí gia công. Đó là chưa tính đến độ hao mòn theo thời gian của loại vàng này. Do vậy, vàng nữ trang không phải là một kênh đầu tư sinh lời hay bảo toàn vốn hiệu quả.

 

Không những thế, một vấn đề đang đặt ra đó là nhiều người dân còn mang nặng tâm lý đám đông, chưa tiếp cận với những thông tin chính thống hoặc có cách hiểu chưa đúng về thông tin “xóa bỏ” việc kinh doanh vàng miếng. Điều đó làm cho họ không khỏi lo lắng nên vội vàng chuyển đổi. Bà Nguyễn Thị Phúc, Giám đốc doanh nghiệp vàng bạc Minh Phúc, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc Thái Nguyên cho biết: Qua phản ánh của trên 30 thành viên trong Hội, nhiều thành viên đang lo ngại trước một số thông tin sẽ “xóa bỏ” kinh doanh vàng miếng. Bà Phúc lấy dẫn chứng, sau khi NQ số 11 của Chính phủ được ban hành trong đó nhấn mạnh sẽ “tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do”, nhiều người đã mang vàng miếng tới cửa hàng Minh Phúc để chuyển đổi sang vàng nhẫn. Thậm chí, có người còn yêu cầu gia công cả 5 tấm vàng miếng sang vàng nhẫn cùng một lúc vì họ sợ rằng thời gian tới loại vàng này sẽ bị thu hồi. Tâm lý này thường tập trung ở nhà đầu tư nhỏ, những người chiếm số đông trên thị trường nhưng sở hữu một lượng vàng không lớn. Còn những nhà đầu tư lớn thì đang nghe ngóng, chờ đợi thông tin tiếp theo từ phía cơ quan quản lý. Điều này làm các giao dịch vàng những ngày gần đây trở nên trầm lắng, hoạt động của doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng, chỉ có nhu cầu mua hoặc chế tác vàng nhẫn là tăng lên. Nếu như trước đây mỗi tháng cửa hàng của bà bán được trung bình 30 cây vàng thì hiện nay con số này giảm xuống còn khoảng 5 cây.

 

Ông Nguyễn Trần Sơn, Trưởng phòng Nghiên cứu - Tổng hợp và Kiểm soát nội bộ, NHNN Chi nhánh Thái Nguyên cho biết: Hiện nay, NHNN đã dự thảo xong NĐ thay thế NĐ số 174/1999/NĐ-CP ngày 9 tháng 12 năm 1999 về hoạt động kinh doanh vàng (gọi tắt là NĐ 174). Dự thảo NĐ mới sẽ được lấy ý kiến rộng rãi của các bộ, ngành, các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng trong tháng tư và trình Thủ tướng ký ban hành vào quý II năm 2011. Trước thông tin sẽ quản lý chặt chẽ nhập khẩu và kinh doanh vàng miếng, từng bước hạn chế và xóa bỏ sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán, nhiều người dân đã có cách hiểu chưa đúng, gây tâm lý hoang mang. Nhà nước không tước đoạt quyền sở hữu vàng của dân mà chỉ thực hiện lộ trình xóa bỏ hoạt động kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do và hướng dẫn người dân giao dịch đúng nơi quy định (thị trường chính thức), giúp bình ổn thị trường nói chung, vừa khai thác được lượng tài sản lớn trong dân để phục vụ sản xuất.

 

Như vậy, vấn đề đang đặt ra hiện nay đó là làm thế nào để NĐ thay thế NĐ 174 thực sự đủ mạnh, giúp Nhà nước quản lý thị trường vàng. Muốn vậy, công tác tuyên truyền về Nghị định mới phải được tiến hành thống nhất, toàn diện cả trong thời gian lấy ý kiến cho dự thảo và khi đã được ban hành để người dân và doanh nghiệp hiểu đúng và thực hiện. Cùng với đó, người dân nên bình tĩnh, không nên vội chuyển đổi vàng miếng sang vàng nhẫn hay tích trữ vàng trang sức, tránh chạy theo tâm lý đám đông, đua nhau mua vàng trang sức mà chịu thiệt. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần nghiên cứu đề thành lập một trung tâm giám định chất lượng vàng quốc gia theo bộ tiêu chuẩn đã được quy định rất rõ và chi tiết tại bộ tiêu chuẩn TCVN 7054:2002 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành theo Quyết định số 03, ngày 30 tháng 12 năm 2002 và xử lý nghiêm những vi phạm. Về lâu dài, để quản lý thị trường vàng thực sự hiệu quả cần tiến hành đồng thời nhiều biện pháp kinh tế khác, trong đó quan trọng nhất là nâng giá trị đồng nội tệ bằng cách tăng năng lực sản xuất, tái cấu trúc nền kinh tế theo chiều sâu, góp phần triệt tiêu nguy cơ đô la hóa, vàng hóa nền kinh tế.