Cắt tóc - nghề cho thu nhập khá

08:37, 22/04/2011

Người xưa thường nói “cái răng, cái tóc là góc con người” cắt tóc làm đẹp đã trở thành một nhu cầu bức thiết của mỗi người. Đặc biệt, những năm trở lại đây,  nhu cầu làm đẹp cho tóc ngày càng lớn. Bằng chứng là những quán cắt tóc vỉa hè đến những hiệu tóc sang trọng mọc lên ngày càng nhiều. Cắt tóc là nghề “nhẹ nhàng” mà lại có thu nhập khá.

 

Theo một số tài liệu, nghề cắt tóc ở nước ta manh nha từ thời Pháp thuộc. Đến những năm 1990, những hiệu cắt tóc đã khá phát triển và trở thành nghề “kiếm cơm” của không ít người. Bên cạnh những hiệu tóc vỉa hè bình dân đã xuất hiện rất nhiều salon tóc trên mọi con phố.

 

Chúng tôi đã dạo qua đường Hùng Vương, đường Phố Hương (T.P Thái Nguyên) nơi tập trung đông hiệu cắt tóc để tìm hiểu.

 

Bác Tuấn Mỵ, một thợ cắt tóc trên đường Hùng Vương vào nghề đã gần 20 năm nay cho biết: Để đầu tư một bộ đồ cắt tóc (gồm ghế ngồi, bộ dao kéo, gương, tông đơ…) mất khoảng gần 3 triệu đồng (vào thời điểm hiện tại). Dao cạo, kéo, tông đơ thường phải thay mới (do bị hỏng hoặc cùn) còn các thứ khác thì chỉ cần đầu tư một lần nhưng dùng được lâu dài. Để làm mới một “cái đầu” cho khách mất khoảng 15 đến 20 phút với giá từ 20 đến 25 nghìn đồng. Mấy năm nay tôi già rồi cắt cũng chậm, hơn nữa thanh niên chỉ thích “tay kéo trẻ” nên thu nhập của tôi có giảm nhưng vẫn đủ sống. Cạnh đó, anh Nguyễn Văn Doanh một tay kéo còn rất trẻ thổ lộ: Trước đây, tôi vốn làm phụ hồ (phụ xây) nhưng vì vất vả, thu nhập lại thấp nên anh đã bỏ rồi quyết định đến đây học cắt tóc với các bác, 3 tháng sau ra làm nghề. Đến nay, tôi cũng đã hành nghề được hơn năm. Công việc nhẹ nhàng mà thu nhập cao hơn nghề cũ.

 

Bên cạnh những hiệu cắt tóc vỉa hè, những salon tóc với đầy đủ các dịch vụ: cắt, gội, chăm sóc, tạo mẫu tóc… xuất hiện ngày càng nhiều. Dễ nhận thấy nhất là trên các tuyến đường tập trung đông dân cư hay các trường chuyên nghiệp. Đường Lương Thế Vinh là một điển hình. Trên trục đường này, chiều dài chỉ khoảng 1 km nhưng ước tính phải có đến vài chục salon tóc. Anh Lâm, chủ Salon tóc Sài Gòn cho biết, anh đầu tư vào Salon của mình gần 100 triệu đồng. Số tiền ấy là do anh tích góp chính từ nghề này.Trung bình mỗi ngày có khoảng trên 20 khách đến để cắt tóc, gội đầu, làm tóc. Cắt tóc nam có giá 30.000 đồng/khách còn các dịch vụ khác thì tùy nhu cầu của khách. Trừ chi phí tính ra mỗi ngày ít nhất anh cũng kiếm được 600.000 đến 700.000 đồng.

 

Tại Salon tóc Minh Tân số 274, trên đường Lương Ngọc Quyến, chúng tôi nhận thấy có số lượng khách khá đông. Anh Vũ Ngọc Tân, chủ Salon tóc cho biết: Năm 2003, tôi xuống Hải Phòng học nghề này hơn 1 năm và làm thuê tại đó đến năm 2006 mới về “lập nghiệp” tại Thái Nguyên. Đến nay, tôi đã có 3 cơ sở chuyên về tóc trên địa bàn thành phố. Với 3 cơ sở này, tôi đã đầu tư khoảng 800 triệu đồng, trong đó 2/3 số vốn do tích lũy từ nghề cắt tóc. Hiện tại, Salon phục vụ khách theo yêu cầu của khách với giá từ 50 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng cho từng loại dịch vụ. Bình quân, mỗi ngày 3 cơ sở của tôi (với 30 nhân viên làm việc) phục vụ cho trên 100 lượt khách. Mỗi tháng, tôi thu nhập khoảng 50 đến 70 triệu đồng, còn thợ chính khoảng 10 triệu đồng, thợ phụ trên 3 triệu đồng. Năm nào tôi cũng đi học thêm ở trong và ngoài nước để nâng cao tay nghề và cập nhật những mốt mới về tóc.

 

Có thể nói, các dịch vụ về tóc chưa bao giờ “thịnh” như vài năm trở lại đây. Sống bằng nghề này không khó, nhưng đòi hỏi người thợ cũng cần phải khéo tay vì đây là một nghề có tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao.