Công nghiệp địa phương nỗ lực vượt khó

13:34, 09/04/2011

Theo báo cáo của Sở Công Thương, trong năm 2010, giá trị sản xuất khu vực công nghiệp địa phương của Thái Nguyên đạt 4,7 nghìn tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch, chiếm 38,5% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh, bằng 260% về giá trị so với năm 2006. Công nghiệp địa phương đã và đang có nhiều nỗ lực, vượt khó, đồng hành cùng toàn xã hội thực hiện thắng lợi Nghị quyết 11 của Chính phủ.

 

Tính đến hết năm 2010, trong tổng số 10.942 cơ sở sản xuất công nghiệp (gọi tắt là doanh nghiệp) trên địa bàn tỉnh, có 17 doanh nghiệp (DN) quốc doanh do Trung ương quản lý và 11 cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là các cơ sở do địa phương quản lý, còn gọi là CNĐP. Tuy số lượng các DN thuộc CNĐP khá lớn nhưng hầu hêt các DN vẫn hoạt động với quy mô nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa đủ mạnh, thị trường nhỏ hẹp, phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng và nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Do vậy, CNĐP rất dễ bị ảnh hưởng khi thị trường biến động song việc quản lý, chuyển đổi hoặc tái cấu trúc đối với các cơ sở sản xuất thuộc CNĐP có thể tiến hành nhanh hơn các khu vực kinh tế khác. Công ty Cổ phần Gang Thép Gia Sàng (T.P Thái Nguyên) là một ví dụ. Ông Trần Xuân Quý, Phó Giám đốc Công ty chia sẻ: Từ cuối năm 2008 và năm 2009 được coi là giai đoạn khó khăn nhất với chúng tôi. Kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, kinh tế trong nước cũng bị suy thoái làm cho các sản phẩm của Công ty không thể tiêu thụ được. Trước tình hình đó, chúng tôi đã nhanh chóng tiến hành các biện pháp như đóng cửa Nhà máy luyện gang; sản xuất cầm chừng, duy trì ở mức 70% công suất thiết kế... Bên cạnh tiết giảm sản xuất, nhận thấy việc chủ động nguyên liệu có ý nghĩa sống còn, Công ty đã đấu thầu khai thác một số mỏ quặng, than trên địa bàn và đầu tư dây chuyền sản xuất để không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nhập khẩu.

 

Nhờ sự năng động của đội ngũ lãnh đạo cùng hiệu quả của chính sách kích cầu, thị trường tiêu thụ của Công ty đã được khôi phục. Tháng 5-2010, Nhà máy luyện gang đã hoạt động trở lại sau hơn một năm đóng cửa. Đến nay, 100% nguồn nguyên liệu (quặng và than cốc) đã được khai thác và chế biến ngay tại các nhà máy của Công ty. Cùng với đó, nhằm tận dụng tối đa nguồn quặng nhỏ, chất lượng thấp, tăng nguồn nguyên liệu, tiết kiệm chi phí sản xuất, Công ty mới đưa vào vận hành hệ thống thiêu kết. Công trình này sẽ giúp DN tiết kiệm chi phí hàng tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, để đối phó với những khó khăn như giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng cao, thiếu điện… Công ty đã tiến hành sắp xếp lại sản xuất, tái cơ cấu đầu tư theo hướng tập trung vốn phục vụ trực tiếp sản xuất và đẩy nhanh vòng quay của vốn, tăng cường vốn lưu động nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư. Theo hướng này, hiện nay, công ty đang tạm hoãn việc xây dựng tòa nhà văn phòng 9 tầng đã hoàn thành phần thô để tập trung vốn cho sản xuất trực tiếp.

 

Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Xuân Tốt, Chủ tịch Hội DN vừa và nhỏ tỉnh, Giám đốc DN tư nhân Trung Thành, (T.P Thái Nguyên). Ông Tốt cho hay: Khó khăn lớn nhất trong thời điểm hiện nay của các DN sản xuất công nghiệp là thiếu vốn sản xuất kinh doanh. Hầu hết các DN vừa và nhỏ đều phải vay vốn ngân hàng với lãi suất cao, từ 18 đến 20%/năm. Bên cạnh đó, nhiều DN sản xuất sắt thép, luyện kim trên địa bàn đang ở trong tình trạng “ế” hàng, giá thành sản phẩm lại đang có xu hướng giảm do áp lực “đóng băng” thị trường bất động sản. Tuy nhiên, ông Tốt cho rằng, đây là những khó khăn chung của toàn bộ nền kinh tế. Những chính sách đã được đưa ra sẽ giúp ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt để DN hoạt động hiệu quả. Điều quan trọng là DN vẫn phải duy trì sản xuất kinh doanh để vượt qua giai đoạn khó khăn này. Hiện nay, mỗi tháng DN tư nhân Trung Thành đạt doanh thu 100 tỷ đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, tuy “thu chỉ đủ bù chi” nhưng DN vẫn cố gắng hoạt động, giữ vững thị phần tại thị trường trong và ngoài nước (Nhật Bản, Đức) bằng cách giảm tối đa chi phí gián tiếp, hợp lý hóa sản xuất…

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Khắc Hiển, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Những năm qua, đặc biệt từ khi tiến hành cổ phần hóa, DN thuộc khu vực CNĐP đã hoạt động hiệu quả hơn với tốc độ tăng trưởng cao. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng giá trị sản xuất của khu vực này vẫn đạt trên 1 nghìn tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ, bằng 33% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh. Mới đây, tại phiên họp thường kỳ tháng 3, Chính phủ đã cho phép giãn nộp thuế thu nhập DN trong vòng một năm đối với các DN vừa và nhỏ. Thời gian tới, chính sách này sẽ có những tác động tích cực, vừa hỗ trợ DN trong đó có DN thuộc khu vực CNĐP, vừa đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước. Đối với Thái Nguyên, trong Chương trình phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2011-2015 cũng mới được thông qua, sẽ có nhiều ưu đãi về cơ chế, chính sách, vốn… giúp CNĐP tiếp tục phát triển.

 

Qua tìm hiểu thực tế tại một số DN, chúng tôi nhận thấy, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các DN đều có những cách làm khác nhau trên cơ sở phát huy tối đa nội lực để vượt qua khủng hoảng. Người đứng đầu các DN đang trở thành những “thuyền trưởng” bản lĩnh, vững tay chèo, bình tĩnh chờ thời cơ để đưa ra quyết định phù hợp, chèo lái con thuyền DN vượt “sóng dữ”. Bên cạnh đó, các DN đã tích cực hỗ trợ, chia sẻ thông tin về chính sách, vốn và thị trường, tăng cường liên doanh liên kết, đẩy mạnh tái cấu trúc để tập trung nguồn lực, đảm bảo tiến độ, chất lượng các dự án.