Bên cạnh xuất khẩu được trên 33 nghìn tấn chè sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Trung Quốc, Đức... chiếm 26% sản lượng chè chế biến của tỉnh, 5 năm trở lại đây, chè Thái Nguyên đã được bán rộng rãi ở thị trường các tỉnh trong Nam, ngoài Bắc. Nhiều người dân miền Nam, trước đây quen uống chè của Bảo Lộc (Lâm Đồng) nhưng khi được uống chè Thái Nguyên là mê ngay.
Anh Văn Kim Thành, một người dân ở huyện Tây Sơn (Bình Định) nói: Không giống với các loại chè ở nơi khác, chè Thái Nguyên có mùi thơm ngầy ngậy, khi uống cảm nhận được vị bùi, chát, ngọt đậm đà. Những lúc công việc căng thẳng, được uống chén chè Thái thì thấy tinh thần sảng khoái lắm! Điều này cho thấy chè Thái đang khẳng định được chỗ đứng trên thị trường tiêu thụ trong nước.
Ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Để giá trị thu được từ cây chè ngày càng tăng, tỉnh ta đã không ngừng quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng, sản lượng thông qua việc trồng mới, trồng phục hồi bằng các giống chè cành; đẩy mạnh thâm canh, tăng năng suất cây chè... 5 năm qua, tỉnh đã đầu tư hơn 19,7 tỷ đồng cho phát triển cây chè. Trong đó tập trung vào công tác khuyến nông, chuyển giao khoa học – công nghệ, hỗ trợ giống cho nông dân và xây dựng cơ sở hạ tầng vùng sản xuất. Nhờ đó, giai đoạn 2006-2010, tỉnh ta đã trồng mới, trồng lại được 3.411ha chè, vượt kế hoạch 13,7%, nâng diện tích chè toàn tỉnh lên 17.660ha, năng suất đạt trên 107tạ chè búp tươi/ha/năm, sản lượng đạt gần 175 nghìn tấn, tăng 45% so với năm 2005. Theo đó, hết năm 2010, toàn tỉnh đã có trên 6.200ha chè giống mới năng suất, chất lượng như LDP1, Keo Am Tích, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên...
Đặc biệt, một số làng nghề chè của tỉnh như xóm Thác Dài, xã Tức Tranh, huyện Phú Lương; vùng chè Trại Cài của huyện Đồng Hỷ đã được Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và Vật tư hàng hoá nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để sản xuất chè an toàn theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (theo tiêu chuẩn VietGAP). Đây là dấu hiệu đáng mừng, đánh dấu sự chuyển đổi tích cực trong cách nghĩ, cách làm của người dân. Theo bà Trần Thị Phương, Chủ nhiệm hợp tác xã chè an toàn Hà Phương, xã Minh Lập (Đồng Hỷ): Sản xuất, chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP không chỉ bảo vệ sức khoẻ người sản xuất, người tiêu dùng mà còn mang lại lợi ích kinh tế lớn khi năng suất, sản lượng cũng như giá chè búp khô bán ra cao gấp rưỡi, gấp đôi chè thường. Việc thâm canh, chuyển đổi cơ cấu giống, phương thức sản xuất chè đã giúp tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích. Năm 2010, giá trị sản xuất bình quân đối với cây chè của tỉnh đạt 68 triệu đồng/ha, tăng 30 triệu đồng/ha so với năm 2005.
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả như đã nêu trên nhưng trên thực tế, việc phát triển chè của tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chề. Cụ thể là cơ cấu chè giống mới so với tổng diện tích chè toàn tỉnh còn thấp, hiện chỉ chiếm trên 30%. Bên cạnh đó, dù một bộ phận người dân làm chè đã chú ý chuyển đổi phương thức sản xuất, chế biến chè từ truyền thống sang sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, song diện tích đạt được chưa nhiều. Đến thời điểm này, tỉnh chỉ có khoảng 30 ha chè sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Một hạn chế nữa là Thái Nguyên chưa quy hoạch đồng bộ giữa sản xuất và chế biến sản phẩm để nâng cao hiệu quả sản xuất chè. Công nghệ sản xuất như tưới tiêu, canh tác, thiết bị chế biến, đóng gói chưa đổi mới, sản xuất với quy mô còn nhỏ lẻ. Cơ sở hạ tầng một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; hệ thống quản lý chất lượng còn thiếu, chưa có nhiều kinh nghiệm để hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, các hoạt động để phát triển nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên chưa được chú trọng, chưa phát huy được giá trị của thương hiệu chè Thái Nguyên.
Do vậy, để mở rộng và ổn định diện tích chè, phấn đấu đến năm 2015, toàn tỉnh có 18.500ha chè, trong đó 80% diện tích sản xuất chè xanh, 20% diện tích sản xuất nguyên liệu chè đen; năng suất đạt 120tạ/ha; sản lượng đạt 200 nghìn tấn; có 100% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung đáp ứng yêu cầu sản xuất chè theo hướng thực hành nông nghiệp tốt... tỉnh sẽ quy hoạch vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm chè xanh theo hướng an toàn, chất lượng cao, khai thác lợi thế chè đặc sản của Thái Nguyên, tập trung tại một số vùng sản xuất chè của T.P Thái Nguyên, T.X Sông Công và các huyện Đồng Hỷ, Đại Từ, Phú Lương. Đối với chè đen, phát triển theo hướng tăng tỷ trọng chè CTC, giảm dần chè OTC, vùng nguyên liệu tập trung tại Võ Nhai, Định Hóa... Đồng thời, đầu tư xây dựng các vùng sản xuất chè an toàn tập trung; mở rộng diện tích chè, chuyển đổi cơ cấu giống chè theo hướng nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm chè; đẩy mạnh thâm canh diện tích chè trung du sung sức, tuyển chọn cây chè đầu dòng, tổ chức phục tráng giống chè trung du nhằm duy trì một số diện tích có chất lượng tốt, cung cấp nguyên liệu cho chế biến chè xanh đặc sản.
Trong chế biến, tỉnh ta sẽ rà soát, đánh giá lại năng lực, thiết bị, công nghệ của các cơ sở sản xuất, khả năng cung cấp nguyên liệu của các vùng sản xuất để cấp phép hoạt động cho những cơ sở chế biến chứng minh đủ khả năng cung cấp nguyên liệu; hiện đại hóa các nhà máy chế biến theo hướng đa dạng hoá sản phẩm chè; các xưởng chế biến nhỏ, quy mô hộ gia đình, trang trại đầu tư theo hướng kết hợp thiết bị hiện đại với thủ công tinh xảo... Cùng với đó, tỉnh ta sẽ quan tâm ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật trong các lĩnh vực sản xuất nguyên liệu; áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong sản xuất chè; đổi mới thiết bị và công nghệ chế biến chè theo hướng sử dụng công nghệ cao; mở rộng thị trường tiêu thụ chè; có chính sách đầu tư, phát triển chè và đào tạo, nâng cao trình độ nhân lực ngành Sản xuất chè, đầu tư khoa học và công nghệ cho phát triển chè...