Nhằm góp phần ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối theo chỉ đạo của Chính phủ, từ ngày 9-4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) đã điều chỉnh tăng 2% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD) (áp dụng từ tháng 5-2011). Đồng thời, NHNNVN còn ban hành Thông tư số 09 quy định mức lãi suất huy động vốn tối đa bằng USD của các TCTD đối với tổ chức là 1%/năm; với cá nhân là 3%/năm. Động thái này lại một lần nữa nhằm thắt chặt quản lý đồng ngoại tệ, góp phần giảm đô la hoá trong nền kinh tế, thu hút đồng Việt Nam (VNĐ) vào ngân hàng (NH).
Để tìm hiểu việc triển khai thực hiện Thông tư 09 ở các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn, chúng tôi đã “dạo qua” một số ngân hàng, trong đó có cả các NHTM Nhà nước và Ngân hàng cổ phần thì thấy, nhìn chung các NH đã thực hiện niêm yết lãi suất huy động theo đúng quy định: mức lãi suất huy động 3%/năm (so với hai ngày trở về trước, lãi suất huy động ở các NH còn đang ở mức 4,5%, thậm chí có lúc lên đến 5,5%/năm). Tuy nhiên, sự “giảm nhiệt” này cũng không hề ảnh hưởng đến hoạt động huy động vốn ngoại tệ. Theo ông Bùi Văn Khoa, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chi nhánh Thái nguyên (NHNoTN): Đối với NHNo, lượng USD “vào” không nhiều (tính đến ngày 15-4, số dư tiền gửi ngoại tệ của Ngân hàng là 6 triệu 700 nghìn USD, tăng 500 nghìn USD so với đầu năm).
Sau hai ngày thực hiện giảm lãi suất USD xuống còn 3%, tình hình huy động ngoại tệ diễn ra bình thường. Còn ông Lê Tất Thắng, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Thái Nguyên (NHĐTPTTN) cũng cho biết: “Nguồn vốn huy động ngoại tệ của NH trong quý I-2011 được 15 triệu USD. Qua 2 ngày áp dụng mức lãi suất 3%/năm, hoạt động mua - bán ngoại tệ không có gì biến động”. Theo đánh giá chung, so với một số thành phố lớn, Thái Nguyên chưa phải là nơi diễn ra sôi động hoạt động mua - bán ngoại tệ nên việc tăng hay giảm lãi suất cũng không tác động lớn lắm. Ví dụ, qua số liệu quý I-2011 cho thấy: mặc dù có những lúc lãi suất huy động USD tăng cao (từ 4,5% đến 5,5%/năm) nhưng nguồn vốn huy động từ ngoại tệ cũng không tăng cao (tổng nguồn vốn huy động của NHĐTPTTN đạt 2.109 tỷ đồng, tăng 4,4% so với đầu năm; trong đó ngoại tệ chiếm 14% tổng nguồn vốn. Còn NHNo TN, tổng nguồn vốn huy động 3.415 tỷ đồng, tốc độ tăng 6,3% so với đầu năm, trong đó ngoại tệ chiếm không đáng kể (khoảng hơn 100 tỷ đồng).
Tuy nhiên, bên cạnh đa số các ngân hàng trên địa bàn vẫn “yên ổn” khi giảm lãi suất huy động USD thì cũng có ngân hàng người dân đã đến rút USD để chuyển đổi sang VNĐ. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Tất Thắng, Giám đốc NHĐTTN, ông cho biết: Hiện nay thị trường ngoại tệ tự do đã được Nhà nước kiểm soát. Việc thu, đổi ngoại tệ chỉ có các ngân hàng và các TCTD được phép thực hiện. Việc khống chế trần lãi suất huy động USD ở mức 3%/năm sẽ góp phần giảm việc găm giữ ngoại tệ của người dân. Dù người dân có chuyển đổi sang VNĐ thì lại gửi vào NH. Đây cũng là biện pháp để “hút” nguồn vốn VNĐ vào NH. Vấn đề còn lại là, các NH phải tạo được sự hấp dẫn, đảm bảo an toàn để thu hút nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư vào NH”.
Mặc dù vậy, bên cạnh những NH và TCTD chấp hành tốt các qui định của Nhà nước về quản lý ngoại tệ thì có cửa hàng vẫn diễn ra hoạt động mua - bán ngoại tệ “ngầm”. Trong vai một khách hàng đến một cửa hàng lớn chuyên mua, bán vàng bạc và ngoại tệ trên địa bàn thành phố Thái Nguyên, mặc dù khi chúng tôi hỏi giá USD hôm nay bao nhiêu? Người bán hàng cho biết: “Cửa hàng không mua, cũng không bán USD”. Song, chỉ đứng quan sát một lúc, chúng tôi nhận thấy cửa hàng này vẫn mua, bán bình thường. Vì vậy, rất cần thiết sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cơ quan, chức năng nhằm quản lý thị trường ngoại tệ trên địa bàn tỉnh và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 của Chính phủ trong lĩnh vực này.