Với quyết tâm, dám nghĩ dám làm, mạnh dạn tìm hướng phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện địa phương, gia đình anh Nguyễn Văn Bảo, ở xóm Phúc Niên, xã Tân Hương (Phổ Yên) đã đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Văn Bảo, ở xóm Phúc Niên, xã Tân Hương (Phổ Yên) vào một ngày đầu tháng tư. Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang có đầy đủ tiện nghi, anh Bảo tâm sự: Nhà tôi có 8 sào ruộng với 4 nhân khẩu, vất vả quanh năm cũng chỉ đủ ăn. Vì thế tôi luôn trăn trở làm thế nào để có thể cải thiện được cuộc sống gia đình, có điều kiện lo cho con cái ăn học và làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. Những năm 1995, ngoài cấy lúa, tôi bắt đầu chăn nuôi lợn. Lúc đầu tôi nuôi 5 lợn nái và vài chục con lợn bột. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nuôi nên lợn con mới đẻ ra thường bị chết. Không nản lòng, tôi thường xuyên tìm hiểu trên ti vi, sách báo và đến các trang trại chăn nuôi lớn trong huyện để học hỏi kinh nghiệm. Dần dà tôi đã biết cách tiêm phòng dịch bệnh cho đàn lợn và chăn các loại thức ăn bổ sung tùy theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển của đàn lợn. Đến năm 2007, tôi đã mở rộng trang trại chăn nuôi lợn lên tới 700 m2, với những dãy chuồng được xây dựng thoáng mát, hợp vệ sinh. Cứ thế đến nay, anh Bảo đã phát triển đàn lợn của gia đình lên tới 20 lợn nái và trên 200 lợn thịt.
Đàn lợn của anh phát triển nhanh, do được cho ăn thức ăn tinh và thức ăn xanh, theo đúng quy trình kỹ thuật, đồng thời được vệ sinh chuồng trại và thường xuyên và tiêm vắc xin phòng ngừa dịch bệnh, an toàn cho người tiêu dùng. Mỗi năm gia đình anh cung cấp cho thị trường gần 50 tấn thịt lợn hơi với giá bán trung bình 20 nghìn đồng/kg, có thương lái về tận nhà thu mua. Nhận thấy nuôi gà thương phẩm có thời gian sinh trưởng ngắn, thu hồi vốn nhanh, năm 2008 ngoài chăn nuôi lợn gia đình anh còn đầu tư xây dựng thêm 500 m2 chuồng trại để nuôi gà đẻ trứng. Hiện, nhà anh nuôi trên 1.000 gà đẻ và 1.000 gà mái chuẩn bị đến giai đoạn đẻ trứng để thay thế lứa gà trước. Do chủ động tiêm phòng và tuân thủ các biện pháp chăm sóc theo chu trình khép kín nên đàn gà của gia đình anh mau lớn, đẻ nhiều và chưa lần nào bị nhiễm dịch bệnh. Mỗi ngày gia đình anh cung cấp khoảng 900 trứng với gá bán 2,7 nghìn đồng/quả.. Gia đình anh cũng đã sắm được xe tải trị giá trên 250 triệu đồng để chuyên chở thức ăn chăn nuôi và vận chuyển hàng hóa. Hiện nay, thu nhập trung bình của gia đình anh Bảo đạt trên 400 triệu đồng/năm.
Ngoài đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, anh Bảo còn giúp đỡ các hộ dân trong xóm vươn lên làm ăn. Gia đình anh mở đại lý bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, những hộ gặp khó khăn, anh cho nợ đến khi bán lợn mới phải thanh toán tiền cám. Ngoài ra anh còn chỉ bảo các hộ cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh ở vật nuôi. Nói về kinh nghiệm làm ăn, anh Bảo chia sẻ: Nuôi lợn và gà không mất nhiều công lao động nhưng đòi hỏi người nuôi phải có kiến thức về cách phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, cần quan tâm tới khâu bảo đảm vệ sinh chuồng trại, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng dịch. Mỗi tuần nên phun thuốc khử trùng chuồng trại một lần, đồng thời tăng lượng vitamin trong thức ăn cho gia cầm để tăng sức đề kháng với dịch bệnh.
Với những thành tích đã đạt được trong phát triển kinh tế, năm 2010 vừa qua, anh Bảo đã được UBND huyện Phổ Yên tặng Giấy khen Nông dân sản xuất giỏi.