Mặc dù giá bán cao, lên đến 7 trăm nghìn đồng/kg chè đặc sản và 2,8 triệu đồng/kg chè đinh, nhưng chè do anh nông dân Trần Văn Thắng ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương (T.P Thái Nguyên) sản xuất ra vẫn rất “hút” khách hàng.
Khi biết chúng tôi là nhà báo, muốn tìm hiểu về phương thức chè an toàn của gia đình, anh Trần Văn Thắng, xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương vui lắm. Anh nói: Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi biết tháng 11 này, tại tỉnh ta sẽ diễn ra Festival Trà Quốc tế lần thứ nhất. Đây sẽ là cơ hội để những người làm chè Thái Nguyên quảng bá sản phẩm đến với những du khách thập phương. Sản phẩm chè của gia đình anh Thắng không còn xa lạ với những người thưởng chè trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, để có được sự thành công như hôm nay là cả một sự nỗ lực không mệt mỏi. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất được coi là “Đệ nhất danh trà” nên anh đã hiểu được tập tính của cây chè. Vậy nhưng khi lập gia đình, ra ở riêng (năm 1991), để 4 sào chè của gia đình cho sản lượng cao, anh cũng như nhiều hộ trồng chè khác ở đây chỉ chú trọng đến năng suất mà chưa quan tâm nhiều đến chất lượng cũng như độ an toàn của sản phẩm. Anh cho biết: Khi ấy, các loại phân bón hoá học, thuốc bảo vệ thực vật được coi như “bao bối” của người trồng chè, giúp cây chè cho nhiều búp, lá xanh nõn, năng suất cao. Nhưng rồi tôi nhận thấy cây chè bị thoái hóa rất nhanh, vị đậm đà đặc trưng của chè cũng dần mất đi. Và câu hỏi được anh đặt ra là làm thế nào để giữ được hương vị thiên nhiên của chè Tân Cương mà cây không bị thoái hóa, xuống cấp nhanh?. Từ trăn trở ấy, năm 2001, anh quyết định chuyển đổi phương thức canh tác từ sản xuất chè truyền thống sang sản xuất chè an toàn, không sử dụng bất cứ loại hóa chất nào trong suốt quá trình trồng, chăm sóc và chế biến.
Ban đầu anh thử nghiệm bón phân hữu cơ trên một diện tích nhỏ. Cây chè đang đủ chất dinh dưỡng, cây khỏe, chống chọi được sâu bệnh, nay đột ngột bị giảm phân hóa học, cây trở nên yếu, dễ bị sâu bệnh tấn công. Vì thế, gia đình anh đã phải dành nhiều tâm sức, chăm cây chè hơn cả chăm con mọn. Từ sáng sớm vợ chồng anh đã có mặt ở đồi chè để tìm bắt từng con sâu nhỏ trong kẽ lá. Hết bắt bằng tay lại dùng các loại bẫy, thậm chí anh còn tự chế các loại thuốc diệt trừ sâu từ cây cỏ thiên nhiên. Chỉ sau 2 lứa, những đồi chè của gia đình anh đã dần hồi phục, năng suất bắt đầu tăng lên. Và quan trọng hơn, là chất lượng chè đã được cải thiện đáng kể, vị đậm đà khác hẳn với loại chè “công nghiệp” trước đây. Từ kết quả ban đầu, anh mạnh dạn mở rộng diện tích sản xuất chè an toàn lên gần 1 ha, chủ yếu là chè trung du.
Khi thấy tôi thắc mắc vì sao giá chè của gia đình anh bán cao đến vậy, anh Thắng cười: Không có gì đặc biệt, nếu có chỉ là thái độ sản xuất nghiêm túc trong toàn bộ quy trình từ trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến thôi. Chè là loại cây cực kỳ khó tính và rất nhạy cảm. Ngoài việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, bón phân và phòng trừ sâu bệnh, việc hái búp vào thời điểm nào trong ngày cũng quyết định đến chất lượng của sản phẩm. Chè phải được hái “một tôm hai lá, một cá hai chừa” để lấy được phần ngon nhất của búp chè. Thời gian hái là từ sáng tinh sương đến giữa trưa, tuyệt đối không hái vào buổi chiều. - Vào những dịp chè tiêu thụ mạnh, anh làm sao có đủ nguyên liệu để sản xuất? - tôi hỏi. Anh bật mí: Tôi phải mua chè ở những đồi chè khác. Đó phải là thời điểm cây chè đang ở giai đoạn bị đốn, chưa có búp. Những công đoạn như chăm sóc, bón phân, thu hái được giám sát chặt chẽ. Thời điểm khách đặt hàng nhiều, không đáp ứng được, cũng đành từ chối, chứ không thể bán sản phẩm không phải của mình, không kiểm soát được chất lượng, độ an toàn. Như thế mới giữ được chữ tín.
Chia sẻ với chúng tôi, anh nói rằng, lý do anh sản xuất loại chè “siêu” sạch, “siêu” đắt, không tẩm ướp thêm bất cứ phụ gia gì, có giá bán lên đến 2,8 triệu đồng/kg hết sức ngẫu nhiên. Năm 2007, một Việt kiều đến tham quan xưởng sản xuất chè của gia đình và đặt hàng anh làm chè đinh, thứ chè vị khách này từng được uống ở Trung Quốc. Mới đầu anh chưa dám nhận lời vì ở đây chưa ai làm loại chè đó, hơn nữa anh lo nếu thất bại sẽ làm ảnh hưởng đến thương hiệu chè Tân Cương. Nhưng được sự động viên, khích lệ của gia đình, anh bắt tay vào làm thử và đã thành công. “Uống thử chén trà đinh của gia đình tôi, nét mặt vị khách rạng rỡ hẳn. Ông ấy khen chè ngon, hương vị đậm đà hơn hẳn thứ chè trước đây ông đã từng uống” - anh Thắng kể.
Theo anh Thắng, để làm ra loại chè “siêu đắt” thì chỉ hái một lá non duy nhất của búp chè, một ngày, người hái tích cực cũng chỉ thu được khoảng 1 kg búp tươi, chế biến được 200g chè khô. Khi sao loại chè này, lửa phải nhỏ hơn, vò nhẹ hơn, công đoạn sao cầu kỳ hơn so với chế biến chè truyền thống. Năm 2007, gia đình anh chỉ làm được khoảng 3 kg chè đinh, nhưng đến năm 2010, đã làm được gần 50 kg chè đinh, lợi nhuận thu về đáng kể. Xưởng chè của anh đã tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 9, 10 lao động địa phương với thu nhập ổn định trên dưới 2 triệu đồng/người/tháng. Lúc cao điểm, anh phải thuê thêm người mà vẫn không kịp đáp ứng đơn đặt hàng. Từ cây chè, gia đình anh đã mua được ô tô trị giá hơn nửa tỷ đồng và sắm sửa được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền...
Anh đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư nhiều hơn cho công đoạn chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm chè nhằm nâng cao sản lượng, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để tung ra thị trường vào đúng dịp Festival Trà Quốc tế lần thứ Nhất tổ chức tại Thái Nguyên vào tháng 11 tới.