Nhẩn nha cây cảnh làm giàu

08:38, 13/04/2011

Chưa đến rét nàng Bân, song từng đợt mưa bay khiến hơi lạnh tháng ba như cắn vào da thịt, rét và mưa làm tôi không muốn bước ra khỏi nhà. Nhưng khi trò chuyện về nghề làm cây cảnh, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) phấn chấn, bảo tôi khoác thêm cái áo mưa, ta về xóm Cao Trãng gặp anh em nhà họ Phạm Văn. Họ là những nông dân năng động, biết làm giàu từ cây cảnh.

 

2 anh em nhà họ Phạm Văn ấy là Phạm Văn Thanh và Phạm Văn Thư, có vườn nhà liền kề nhau ở ngay trung tâm xóm Cao Trãng. Ông Thanh, ông Thư mỗi người được cha mẹ chia cho 6.000 m2 đất để lập nghiệp. Trong ngôi nhà khá đầy đủ tiện nghi của mình, ông Thanh cho biết: Nông dân chúng tôi quanh năm hết lật đất cấy lúa, trồng khoai lại chuyển đổi sang trồng chè. Cuộc sống vô tư, người làng làm được thì mình theo. Nhưng sau này nghiệm ra đất mình ở thổ nhưỡng không cho sản phẩm chè ngon như ở Tân Cương, anh em tôi mới bàn nhau chuyển đổi sang trồng vải thiều. Rồi bây giờ là để đất trồng cây cảnh, thoả thú vui mà hằng năm vườn cây cảnh cho gia đình bạc triệu.

 

Theo ông Thanh, ông Thư ra vườn, được nhìn ngắm thoả thích các loại cây cảnh như si, xanh, sung, lộc vừng... với khoảng 100 loại, có cây được trồng thẳng xuống nền đất, cây được trồng vào bồn, chậu, mỗi cây mỗi dáng, mang nét phổ thông như long thăng, long giáng, mẫu tử, phu thê, huynh đệ... Ông Thanh bảo: Bây giờ người chơi cây cảnh còn thích các thế cây mang dáng dấp gần gũi với tự nhiên, như: cổ thụ, bạt vũ, phong ba... tức dáng cây ít có sự can thiệp của con người.

 

Trong khi đi thăm vườn cùng anh em nhà họ Phạm Văn, cùng bình dáng cây, luận về thế thời và thú chơi của người quân tử, chúng tôi hiểu ông Thanh, ông Thư là những nông dân chân chất, song lại có một tâm hồn tao nhã. Vì bởi mỗi thế cây, dù là trồng để bán nhưng các ông đều gửi gắm vào đó chút riêng tư của lòng mình. Với anh em ông Thanh, ông Thư thì nghề trồng cây cảnh cũng có cốt tích hắn hoi. Chuyện rằng: Đầu tháng 5-1954, khi quân dân ta giải phóng Điện Biên Phủ, ông cụ thân sinh ra anh em ông Thanh, ông Thư đã cất công về vùng quê Phụng Công (Văn Giang, Hưng Yên), nơi chôn nhau cắt rốn của mình để mang lên đất này 1 cây hồng xiêm và 1 cây hoa trà. Cây hoa trà cụ trồng trước nhà ông Thanh, lấy tên “cây độc lập”; còn cây hồng xiêm cụ trồng trước nhà lấy quả cho con cháu cùng ăn.

 

Nhìn cây hoa trà và cây hồng xiêm có gần 60 năm tuổi nay vẫn đơm hoa, ra trái, bạn hữu tới chơi nhà ông Thanh, ông Thư ai nấy trầm trồ: Bằng một đời người rồi mà cây vẫn mơn mởn sức xuân. Ông Thanh kể: Mấy mươi năm nay cây hoa trà được chiết bán, kể chi li chắc chắn đến nay cũng cho tôi cả trăm tấn thóc. Còn ông Thư khiêm tốn: Cây hồng xiêm nếu gom lại số quả đã được thu hái chắc chắn phải chất đầy mấy cái xe tải cỡ lớn... Ông Thanh tiếp lời: Gia đình tôi bắt đầu có cây cảnh bán từ sau năm 1990, song chủ yếu là loại hoa trà, hoa lan tiêu và hoa ngọc lan... Khi thấy có thể sống được bằng nghề cây cảnh, anh em ông Thanh, ông Thư rủ nhau về Phụng Công, quê mình học hỏi thêm về kỹ thuật chăm sóc, uốn tỉa cây cảnh. Sau đó đặt mua cây, mua bồn, chậu thuê xe chuyển về Thái Nguyên bán kiếm lời. Cứ cần mẫn xuôi, ngược với việc mua rồi bán, những cây cảnh chưa bán được ngay anh em ông bảo nhau trồng lại vào vườn, nhân thêm giống và khi gặp khách lại bán lấy vốn cùng lời. Mỗi năm ông Thanh, ông Thư có khoảng từ 15 đến 20 chuyến về quê nhập cây cảnh mang về Cao Trãng ươm bán, thu lãi hơn trăm triệu đồng/năm.

 

Bên gốc cây xanh cổ thụ ở góc vườn, ông Thanh bảo: Cây này tôi mua từ năm 2010 với giá 40 triệu đồng, do chăm sóc, cắt tỉa tạo cho cây có hồn có vía, hiện người chơi cây cảnh vào thăm vườn, thấy cây đẹp đã ngỏ ý trả gần 70 triệu đồng tôi chưa muốn bán. Còn ông Thư nói với chúng tôi như tâm sự: Nghề cây cảnh, trong sách vở bây giờ có hướng dẫn khá kỹ về cách ươm, trồng, chăm sóc, tạo thế... Nhưng tôi thấy cái nghề này không đơn thuần đòi hỏi người trồng sự chăm chỉ, mà đòi hỏi phải có tấm lòng nhân ái, vì cây cảnh ẩn ở phía sau nó là tâm hồn của một con người.

 

…Từ sân ga ra ô tô, tiếng còi xe kêu vui tai, tiếng máy nổ rì rì, chiếc xe tải chuyển bánh lăn ra phía cổng... bà Nguyễn Thị Thật ngoái cổ qua cửa kính dặn chồng (ông Thanh): Tôi đi bán cây cho người ngoài phố, ở nhà ông đừng bỏ đám cây cảnh khát nước nhé!.