Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trang trại với gần 60 con nhím, anh Tống Văn Nghị chủ trang trại nuôi nhím ở xóm Thái Trung, xã Quy Kỳ (Định Hóa) chia sẻ kinh nghiệm: “Nhím là một loài dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn chủ yếu là các loại rau củ quả sẵn có, chuồng trại thiết kế đơn giản và không tốn diện tích nên phù hợp với những gia đình có ít vườn bãi. Hơn nữa thị trường nhím giống và nhím thịt hiện nay còn rất rộng mở”.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông nên anh Nghị sớm phải vất vả với công việc đồng áng. Năm 1996, anh lập ra đình và ra ở riêng với vốn liếng chỉ có 2 sào ruộng và gần 3.000m2 đất vườn đồi. Vậy nên mặc dù cần mẫn lao động, tranh thủ làm thuê mỗi dịp nông nhàn nhưng sau hơn chục năm chung sống vợ chồng anh vẫn thuộc diện hộ nghèo. Năm 2007, tình cờ được xem một chương trình hướng dẫn kỹ thuật nuôi nhím trên truyền hình, nhận thấy mô hình này rất phù hợp với điều kiện vườn bãi của gia đình, mức độ rủi ro lại thấp nên anh quyết định nuôi nhím thử nghiệm. Sau khi bàn bạc với vợ, anh đã “liều” bỏ toàn bộ số tiền tích lũy được là 30 triệu đồng, vay mượn thêm 70 triệu đồng, sau đó lặn lội lên tận Sơn La để học hỏi kinh nghiệm và mua nhím giống. Với 6 cặp nhím ban đầu, đến nay anh Nghị đã phát triển thành 56 con, gồm 10 cặp sinh sản và 18 cặp nhím sắp tới tuổi trưởng thành, hệ thống chuồng trại được thiết kế khoa học với 30 ngăn nuôi nhốt. Năm 2009, anh Nghị đã thu được hơn 50 triệu đồng từ bán nhím giống. Năm 2010, anh xuất chuồng 15 cặp giống, thu về 240 triệu đồng. Anh Nghị nhẩm tính: Khẩu phần ăn mỗi ngày của một con nhím là 0,2kg ngô và 0,5kg rau xanh, tính thành tiền khoảng 2,5 nghìn đồng (có thể tận dụng ngay thức ăn sẵn có của gia đình), tính tổng cả năm tiềm thức ăn cho một cặp nhím chưa tới 2 triệu đồng, chi phí xây dựng chuồng trại, phòng dịch bệnh và công chăm sóc không đáng kể. Nhím con sau một năm tuổi có trọng lượng 6 kg đến 8kg, bán làm giống có giá từ 15 đến 17 triệu đồng/ cặp (tương đương một con bò). Một đặc tính ưu việt nữa của nhím mắn đẻ, mỗi năm hai lứa, trung bình mỗi lứa đẻ hai con, tỷ lệ sống gần như 100%.
Tuy nhiên, việc phát triển chăn nuôi của anh Nghị cũng không phải khi nào cũng thuận lợi. Anh kể: “Nhím là loài sống ghép đôi khác dòng, khi bắt đầu chăn do chưa biết cách chọn nên tôi mua phải một cặp nhím đực không sinh sản được. Qúa trình vận chuyển nhím giống về nhà trong điều kiện thời tiết nắng nóng cũng làm chết một con giống”. Ngoài ra, thói quen của nhím là hoạt động nhiều về đêm, đặc biệt là vào thời kỳ sinh sản nên anh phải mất rất nhiều thời theo dõi để tìm hiểu đặc tính của từng con. Chỉ có vậy thì khi ghép đôi sinh sản và đảo giữa các cặp bố mẹ mới đạt hiệu quả cao và tận dụng tối đa được con đực giống. Dẫn chúng tôi đi thăm trang trại, anh Nghị có thể kể rành mạch tuổi, trọng lượng và đặc tính sinh hoạt của từng con trong đàn.
Tâm huyết với các loại vật nuôi đặc sản, năm 2010 anh Nghị tiếp tục lên huyện Văn Chấn (Yên Bái) để tìm hiểu cách xây dựng ao và kỹ thuật nuôi ba ba gai. Sau gần nửa tháng “lê la” học hỏi kinh nghiệm, anh quyết định đầu từ 30 triệu đồng để xây ao nuôi rộng 80m2 và 15 triệu đồng mua con giống. Theo anh Nghị: Ba ba gai có ưu điểm là sức đề kháng rất cao, chi phí thức ăn không đáng kể. Giá một con giống hiện nay là 500 nghìn đồng, sau 2 năm nuôi có thể đạt trọng lượng từ 1,5kg đến 2kg, có giá bán khoảng từ 3,5 đến 4 triệu đồng. Sau gần một năm, số ba ba gai của anh Nghị đang phát triển tốt, trong lượng mỗi con đạt 0,4kg.
Chăn nuôi nhím và ba ba gai đã giúp gia đình anh Nghị đã thoát diện hộ nghèo vào năm 2009. Năm 2010 trừ chi phí, trang trại của gia đình anh thu lãi hơn 200 triệu đồng. Là người đầu tiên nuôi thử nghiệm, đến nay phong trào nuôi nhím đã phát triển ở hàng chục gia đình ở xã Quy Kỳ. Năm 2010, trang trại của anh đã được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Định Hóa công nhận là mô hình trang trại nuôi nhím đầu tiên trên địa bàn huyện.