Trong những năm qua, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) của huyện Võ Nhai tuy đã có những bước phát triển khá nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của địa phương. Nhằm đẩy mạnh phát triển CN - TTCN, Võ Nhai đã đưa ra những định hướng phát triển mang tính chiến lược lâu dài...
Võ Nhai là một huyện vùng cao có tiềm năng và thế mạnh lớn cho việc phát triển CN - TTCN. Huyện có tổng diện tích tự nhiên là trên 84 nghìn ha với nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng, gồm: chì, kẽm (tập trung nhiều ở xã Thần Sa, Cúc Đường), vàng (tập trung nhiều ở Thần Sa, Sảng Mộc, Liên Minh), đá Cacbonnat để làm vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng và đá Đôlômit có trữ lượng khoảng trên 200 triệu tấn. Ngoài ra, huyện còn có nhiều loại đất sét có thể dùng làm gạch được tập trung nhiểu ở xã Tràng Xá, Lâu Thượng, Cúc Đường; hơn 50,5 nghìn ha rừng tự nhiên với trữ lượng gỗ lớn nhất trong tỉnh. Các nguồn tài nguyên khoáng sản này sẽ tạo cho Võ Nhai có một lợi thế lớn trong việc phát triển các ngành luyện kim, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến lâm sản... Thông qua việc thực hiện một số giải pháp cụ thể, đồng bộ, những năm qua, bức tranh sản xuất CN - TTCN của huyện đã có nhiều khởi sắc. Giá trị sản xuất CN - TTCN tăng từ 10,8 tỷ đồng (2006) lên trên 23 tỷ đồng (2009), tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 18,2%, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng. Nếu như năm 2006 tỷ trọng công nghiệp - xây dựng năm mới chỉ chiếm 36,68% thì đến đến năm 2009 đã tăng lên 45,7%. Đặc biệt, Võ Nhai có Cụm công nghiệp Trúc Mai được đầu tư khoảng trên 100 tỷ đồng đã đi vào hoạt động ổn định.
Tuy nhiên, sự phát triển đó vẫn chưa tương xứng với các nguồn lực của địa phương. Hiện nay, toàn huyện mới chỉ có 9 doanh nghiệp, 13 hợp tác xã khai thác đá và chế biến gỗ; 336 hộ hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực CN - TTCN, góp phần tạo việc làm cho trên 1.100 lao động. Sản xuất tiểu thủ công nghiệp vẫn ở quy mô sản xuất nhỏ, giá trị hàng hóa và thu nhập của người lao động còn thấp vì chúng chủ yếu được hình thành, phát triển từ những người ít vốn. Công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng chủ yếu mới được hình thành ở các xã dọc trục Quốc lộ 1B như thị trấn Đình Cả, Phú Thượng, Lâu Thượng, La Hiên. Hầu hết máy móc, thiết bị khai thác vẫn còn lạc hậu nên sản phẩm làm ra ít, chất lượng còn thấp. Năm 2010, các cơ sở hoạt động trong lĩnh CN - TTCN mới khai thác, chế biến được 32,7 nghìn m3 đá; gần 6 nghìn m3 cát, sỏi; 17,7 triệu viên gạch nung; trên 256, 5 nghìn viên ngói; 294 nghìn viên gạch xilicat... Các loại khoáng sản phục vụ cho cho ngành luyện kim như sắt, chì, kẽm chủ yếu vẫn là chỉ được khai thác ở dạng thô để vận chuyển đi nơi khác, chưa được chế biến tại chỗ. Mặt khác, trình độ quản lý của đa số các cơ sở sản xuất cá thể vẫn còn nhiều hạn chế, sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường còn yếu; sản phẩm chủ yếu phục vụ cho nhân dân tại địa phương. Bên cạnh đó, vấn đề vệ sinh trong công nghiệp, an toàn lao động ít được quan tâm. Các cơ sở sản xuất chưa có hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường mà thải trực tiếp ra môi trường xung quanh gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở các ngành chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng...
Với mục tiêu phát triển CN - TTCN và làng nghề nhằm huy động tối đã mọi nguồn lực trong các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, Võ Nhai đã xây dựng "Đề án Phát triển CN - TTCN và làng nghề huyện Võ Nhai giai đoạn 2010 - 2015, định hướng đến 2020" . Theo đó, huyện sẽ tập trung ưu tiên phát triển 4 nhóm ngành, đó là: Công nghiệp chế biến, nông sản, thực phẩm; công nghiệp gia công và dịch vụ sửa chữa cơ khí; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất gang, chế biến than cốc. Đồng thời, huyện cũng sẽ có những chính sách nhằm khôi phục và phát triển các làng nghề. Công nghiệp chế biến nông, lâm sản, thực phẩm được huyện ưu tiên phát triển hàng đầu. Để phát triển nhóm ngành này, huyện sẽ xây dựng quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu tập trung. Cụ thể, Võ Nhai sẽ quy hoạch, phát triển cây chè ở xã Tràng Xá, Liên Minh để phục vụ cho nghề sản xuất và chế biến chè; có cơ chế khuyến khích phát triển các HTX chế biến gỗ ở Dân Tiến, La Hiên. Đối với công nghiệp gia công và dịch vụ sửa chữa cơ khí, huyện xác định đây là những ngành nghề không chỉ phục vụ cho nhu cầu thiết yếu trong sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân mà nó còn góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động địa phương. Do đó, huyện sẽ khuyến khích phát triển các cơ sở sửa chữa máy móc nông nghiệp, thiết bị cơ khí nhỏ ở khắp các xã, thị trấn, đặc biệt là ở các trung tâm cụm xã.
Trong công nghiệp chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng, huyện sẽ tập trung phát triển ở những địa bàn có nguồn nguyên liệu tập trung lớn như Đình Cả, La Hiên, phát triển các cơ sở sản xuất gạch nung với quy mô hợp lý, công nghệ sản xuất tiên tiến. Trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện sẽ tập trung đầu tư xây dựng dây chuyền sản xuất gạch không nung; sản xuất cơ giới hóa và tự động hóa tại Cụm công nghiệp Trúc Mai; hướng tới xây dựng cơ sở gạch nung lò tuy - nen hoặc lò nung tiên tiến tại xã Tràng Xá với công suất 10 triệu viên/năm. Cùng với việc ưu tiên phát triển 4 nhóm ngành sản xuất CN - TTCN, Võ Nhai còn đề ra những định hướng cho việc khôi phục và phát triển các làng nghề tại địa phương. Huyện đã lập danh sách 8 làng nghề đề nghị tỉnh công nhận. Trước mắt, huyện sẽ hoàn chỉnh hồ sơ công nhận Làng nghề và thành lập Hợp tác xã sản xuất đậu phụ An Long (xã Bình Long), Làng nghề chè Thành Tiến (xã Tràng Xá).
Song song với việc đưa ra các định hướng, huyện cũng tập trung thực hiện một số giải pháp phát triển sản xuất CN - TTCN. Một trong những giải pháp hàng đầu là việc tranh thủ và huy động tối đa các nguồn vốn khác nhau để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Cùng với đó, huyện tiếp tục quan tâm đến việc phát triển các cụm công nghiệp. Ngay trong năm 2011, huyện sẽ đề nghị cho lập quy hoạch chi tiết Cụm công nghiệp La Hiên với diện tích khoảng 25ha; phấn đấu đến năm 2015, các trung tâm cụm xã trong huyện đều có cụm, điểm công nghiệp; tiếp tục đẩy mạnh và cải thiện môi trường đầu tư, khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp trong trong và ngoài nước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm, điểm công nghiệp; huyện sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt các dự án phát triển hệ thống giao thông nông thôn, điện nước đảm bảo thông tin liên lạc cho các dự án mở rộng phát triển CN - TTCN; quan tâm phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; quy hoạch, phát triển vùng nguyên liệu phục vụ lâu dài cho sản xuất...