Phổ Yên khôi phục chăn nuôi sau dịch lở mồm long móng

13:51, 21/04/2011

Tính đến thời điểm này, dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc của huyện Phổ Yên đã được kiểm soát, không phát sinh vùng dịch mới. Hiện nay, huyện tiếp tục theo dõi tình hình và đề nghị UBND tỉnh công bố hết dịch trên địa bàn, cùng đó là triển khai các biện pháp nhằm khôi phục lại đàn gia súc sau dịch.

Dịch LMLM bắt đầu xuất hiện ở Phổ Yên vào ngày 28-12-2010, ở xã Thành Công với số lượng 26 con trâu, 25 con lợn. Đến nay, huyện đã có trên 10 nghìn con gia súc mắc bệnh với trọng lượng bị tiêu hủy là trên 225 tấn. Ngay sau khi có dịch, huyện đã thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp như: Tổ chức tiêu hủy gia súc mắc bệnh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; thành lập các chốt Kiểm dịch và Đội Kiểm dịch động vật… Vì thế, đến ngày 12-4, Phổ Yên đã không phát sinh ổ dịch mới. Hiện, bà con đang tập trung khôi phục chăn nuôi.

 

Để tìm hiểu thực tế, chúng tôi đã đến xã Tân Hương, một trong những địa phương có số gia súc gia cầm bị nhiễm dịch LMLM nhiều nhất huyện Phổ yên. Ông Nguyễn Tiến Dân, Chủ tịch UBND xã cho biết: Vừa qua, 23/23 xóm trên toàn xã có dịch LMLM. Xã đã tổ chức tiêu hủy 576 con lợn và trên 30 con trâu, bò. Theo chủ trương của tỉnh, huyện nhằm hỗ trợ người dân từng bước khôi phục đàn gia súc, xã tiến hành thống kê và công khai niêm yết danh sách số lượng gia súc bị tiêu hủy của các gia đình tại các nơi công cộng. Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con, đặc biệt là những hộ có gia súc bị bệnh phải rắc vôi bột, phun hoá chất tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại, để trống chuồng ít nhất một tháng trước khi nuôi lứa lợn mới. Đối với các hộ chăn nuôi chưa bị nhiễm bệnh, sau khi xuất bán mỗi lứa lợn phải thu dọn chất thải, khử trùng chuồng trại. Trong thời gian nuôi, hàng ngày phải dọn vệ sinh và định kỳ hàng tuần phun hoá chất tiêu độc khử trùng như: vôi bột, Chlorine, Iodine…, chú ý tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh, kết hợp chăm sóc tốt để tăng sức đề kháng cho gia súc.

 

Rời Tân Hương, Chúng tôi đến xã Minh Đức, cũng là địa phương phát triển mạnh đàn gia súc gia cầm của huyện. Hiện, xã có khoảng trên 15 nghìn con gia súc và 45 nghìn con gia cầm, trong đó, có khoảng 300 hộ gia đình chăn nuôi lợn với quy mô từ 30 con lợn thịt trở lên. Điều đáng lưu ý là trong đợt dịch LMLM vừa qua, dịch bệnh chủ yếu xảy ra ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không làm tốt công tác tiêm phòng và vệ sinh chuồng trại. Còn các trang trại chăn nuôi lớn đều không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Các hộ chăn nuôi đã và đang chủ động khôi phục lại đàn gia súc sau dịch LMLM. Chị Dương Tuyết, ở xóm Đậu, xã Minh Đức cho biết: Nhà tôi thường nuôi trung bình 60 lợn thịt/lứa. Đợt dịch vừa rồi có 2 con xuất hiện dấu hiệu nhiễm bệnh LMLM, tôi đã tiến hành tiêu hủy để không gây ảnh hưởng đến đàn. Nay đã không có ổ dịch phát sinh nhưng tôi cũng chỉ dám mua 30 lợn con về nuôi vì giá thức ăn chăn nuôi tăng lên trong khi giá thịt lợn hơi vẫn chỉ ở mức 18 nghìn đồng/kg. Còn chị Mẫn Thị Minh, xóm Thái Bình, xã Đồng Tiến nói: Vừa rồi nhà tôi có 9 con lợn với trọng lượng khoảng trên 500 kg bị tiêu hủy. Mặc dù chưa nhận được sự hỗ trợ của huyện nhưng nhận thấy tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, tôi cũng đã đầu tư mua đàn lợn hơn 10 con và 1.500 con gà về nuôi. Rút kinh nghiệm, lần này chúng tôi sẽ tiến hành tiêm phòng cẩn thận để tránh bị nhiễm dịch bệnh.

 

Nói về các biện pháp nhằm hỗ trợ người dân khôi phục chăn nuôi sau dịch, đồng chí Ngô Thành Đê, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Hiện nay, chúng tôi đang phối hợp với các ngành chức năng các xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân chủ động vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc; tổ chức tốt công tác tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm; chuẩn bị tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi cho người dân. Trong đợt dịch này, huyện sẽ hỗ trợ với tổng kinh phí là gần 7 tỷ đồng cho các hộ có gia súc bị dịch LMLM. Mức hỗ trợ là 30.000 đồng/kg đối với lợn và 35.000 đồng/kg đối với trâu, bò. Ngoài ra, đối với những hộ gặp khó khăn về vốn, huyện sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân được vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện. Về con giống, huyện chỉ đạo các trang trại tập trung phát triển đàn lợn giống tại chỗ để cung cấp cho bà con; đồng thời trước khi xuất bán phải tiêm phòng đầy đủ để đảm bảo an toàn dịch bệnh. 

 

Bà Đào Thị Tường Vi, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện nói: Thói quen của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không đảm bảo việc vệ sinh chuồng trại sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh lưu tồn trong tự nhiên. Vì vậy, bà con nông dân cần phải chú ý kỹ từ khâu chọn giống an toàn, chăm sóc, vệ sinh, tiêm phòng để đảm bảo chăn nuôi an toàn trong khi tái đàn trở lại...