Năm 2010 qua đi với nhiều khó khăn như nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Đồng Hỷ vẫn trụ vững, duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm 2011.
Đồng chí Dương Văn Lành, Chủ tịch UBND huyện nhận định: Doanh nghiệp là đơn vị cơ sở tạo ra giá trị sản xuất, dịch vụ, tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm phục vụ đời sống kinh tế - xã hội, tạo ra GDP cho Quốc gia; đóng góp lớn cho nguồn ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho lao động địa phương. Doanh nghiệp phát triển kéo theo sự phát triển của khoa học - công nghệ, mở rộng khả năng sản xuất, giải quyết việc làm, tăng khả năng cạnh tranh của nền kinh tế… nên trong những năm qua, Đồng Hỷ luôn quan tâm phát triển doanh nghiệp cả số lượng và chất lượng. Do đó, năm 2006, huyện mới có 42 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với tổng số vốn pháp định là 86 tỷ đồng thì đến nay đã có 180 doanh nghiệp, HTX với tổng số vốn pháp định là 381 tỷ đồng. Trong đó, có 150 doanh nghiệp, HTX nộp thuế ở huyện; 30 doanh nghiệp nộp thuế ở tỉnh. Các doanh nghiệp này chủ yếu đầu tư khai thác, chế biến quặng kim loại, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm sản…
Các doanh nghiệp phát triển đã góp phần đưa giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), xây dựng trên địa bàn ngày càng tăng cao. Giai đoạn 2006-2010, giá trị sản xuất CN-TTCN tăng 814 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994); đóng góp cho ngân sách Nhà nước 16 tỷ đồng. Theo đó, các doanh nghiệp này cũng đã giải quyết việc làm cho hằng chục nghìn lao động địa phương, điển hình là Doanh nghiệp Việt Cường, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động, Doanh nghiệp Sơn Luyến giải quyết việc làm cho khoảng 400 lao động, HTX Tiểu thủ công nghiệp Trại Cau giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động địa phương…
Với đà phát triển mạnh về số lượng, chất lượng của các doanh nghiệp cũng được tăng lên. Giai đoạn 2005-2010, đã có 15 dự án của các doanh nghiệp đầu tư vào huyện với tổng số vốn 8.427 tỷ đồng. Đơn cử như các dự án: Mở rộng sản xuất giai đoạn II mỏ sắt Tiến Bộ (Công ty Gang thép Thái Nguyên) tại xã Linh Sơn, Khe Mo; Nhà máy Xi măng Quang Sơn; Nhà máy sản xuất Hợp kim sắt của Công ty Cổ phần Trung Việt tại xã Hóa Trung; Nhà máy Luyện gang của Công ty Cổ phần Luyện kim đen Thái Nguyên tại Nam Hòa; Sản xuất gạch Tuynel của Công ty Cổ phần Thái Sơn tại thị trấn Sông Cầu…
Đạt được kết quả này là do huyện Đồng Hỷ đã tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp; tạo mối liên kết phát triển bền vững giữa các doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp; tôn vinh các doanh nghiệp có thành tích cao, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Cùng với đó, huyện đã làm tốt công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp trên địa bàn trong các lĩnh vực như: Phối hợp bảo vệ an ninh - trật tự; triển khai các dự án khuyến công để mở rộng sản xuất kinh doanh; hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng phúc lợi công cộng, xóa đói, giảm nghèo; tổ chức tốt việc tiêu thụ sản phẩm đầu ra; cung cấp thông tin để các doanh nghiệp, HTX chủ động xây dựng kế hoạch, nêu cụ thể các việc cần phối hợp với huyện…
Thời gian tới, huyện tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, HTX được giao đất, thuê đất phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh; tăng cường công tác quan lý môi trường; phối hợp với Trung tâm Khuyến công và Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX phát triển sản xuất và tiếp thu các ngành nghề mới vào sản xuất trên địa bàn; tiếp tục đổi mới phương thức quản lý và tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ chế, môi trường sản xuất kinh doanh, tạo sự an tâm cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của địa phương…