Thay đổi thói quen tiêu dùng vì tăng giá

08:23, 18/04/2011

Những biến đổi không ngừng của giá cả trong thời gian qua khiến người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Theo đó, thói quen tiêu dùng của người dân cũng đang dần thay đổi để thích nghi với bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay. Ngoài sử dụng điện, nước, xăng dầu tiết kiệm, người dân cũng đang hạn chế mua sắm các mặt hàng đắt tiền hoặc chưa thật cần thiết để ưu tiên cho những mặt hàng thiết yếu khác.

 

Chị Nguyễn Thị Thu Hà, tổ 29, phường Phú Xá (T.P Thái Nguyên) là một viên chức có mứng lương gần 2,5 triệu đồng/tháng. Nếu như trước đây với mức lương này, chị có thể lo hết các khoản chi phí sinh hoạt như ăn uống, điện, nước… trong một tháng của hai vợ chồng thì giờ chỉ đủ để “đi chợ” (tức là chi tiền ăn hàng ngày). Trước bối cảnh giá điện và một số mặt hàng khác tăng cao, gia đình chị đã thay đổi khá nhiều thói quen như: mua các loại bóng đèn tiết kiệm điện thay cho bóng dây tóc; máy giặt được “tạm ngừng” sử dụng để giặt bằng tay; mua thực phẩm tại các chợ đầu mối với giá rẻ hơn mà vẫn tươi ngon, thay vì mua tại chợ cóc gần nhà như trước đây. Chị cho biết thêm, để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày, gia đình chị phải tăng tiền chi tiêu để mua thực phẩm, làm cho khoản sinh hoạt phí trước kia tăng lên cả nửa triệu đồng một tháng, ảnh hưởng đến việc tích lũy cho sau này của hai vợ chồng chị. Cách duy nhất là tiết kiệm bằng việc “cắt giảm” khoản chi chưa cần thiết.

 

Cũng có cùng suy nghĩ như chị Hà, anh Trịnh Minh Hoàng, tổ 15, phường Tân Thịnh (T.P Thái Nguyên) còn cho rằng, chi tiêu tiết kiệm không còn là chuyện của riêng phụ nữ, nhất là ở thời điểm đồng tiền đang có xu hướng ngày càng “nhỏ” lại như hiện nay. Điều đó khiến cho đàn ông khi đi chợ cũng phải tính toán cẩn thận hơn chứ không còn phóng khoáng, dễ dãi trong mua sắm như trước nữa. Anh Hoàng cũng cho biết, bên cạnh tiết kiệm điện, nước, hạn chế đi xe máy, từ gần một tháng nay, gia đình anh đã không ăn sáng ở ngoài mà tự nấu ăn tại nhà. Việc này cũng giúp gia đình tiết kiệm được một số tiền kha khá để giành cho những “khoản chi” khác cần thiết hơn.

 

Khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng đã tiến hành khảo sát một số cửa hàng quần áo, giày dép, thiết bị điện, điện tử tại chợ Thái và đường Hoàng Văn Thụ (T.P Thái Nguyên). Đại diện các cửa hàng đều cho biết, số lượng sản phẩm bán ra trong những tháng gần đây đều giảm, khoảng từ 10 đến 20%. Điều đó cho thấy, nhu cầu của người dân đối với một số mặt hàng cao cấp, không thực sự thiết yếu đang giảm xuống để phù hợp với bối cảnh kinh tế như hiện nay. Đây cũng là nhận định của ông Phạm Xuân Quang, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại điện tử Quang Thái (T.P Thái Nguyên). Theo ông Quang, việc kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh đang gặp khó. Hiện nay, mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục khách hàng đến xem và tham khảo giá tại cửa hàng của công ty. Lượng khách mua hàng giảm mạnh, khiến doanh số của công ty giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm 2010.

 

Bên cạnh việc chi tiêu hợp lý đối với khoản thu nhập của mình, giá cả leo thang cũng đang khiến cho nhiều người dân phải tính toán kĩ hơn khi quyết định mua một sản phẩm. Không chỉ quan tâm tới giá cả, người tiêu dùng đã bắt đầu quan tâm hơn tới chất lượng, mẫu mã, độ bền, chế độ hậu mãi... của các sản phẩm. Ông Lê Đình Giang, Giám đốc Công ty Cổ phần điện máy Giang Nga có địa chỉ tại tổ 11, phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên) chuyên kinh doanh các loại sản phẩm điện máy như máy bơm nước, máy hàn, máy khoan… cho biết: Thời điểm này, nhu cầu mua máy phát điện bắt đầu tăng mạnh. Loại máy phát điện được tiêu thụ mạnh nhất là máy dùng cho gia đình với công suất từ 0,8 - 2,5KVA. Bên cạnh một số sản phẩm nhập khẩu nguyên chiếc từ Nhật Bản, Thái Lan thì các sản phẩm do Việt Nam lắp ráp đang được người tiêu dùng khá ưa chuộng bởi chất lượng khá, giá thành rẻ. Các sản phẩm này có bình xăng to, động cơ 4 thì tiết kiệm nhiên liệu, chạy êm, có chế độ bảo hành dài hạn... Thực tế này khác hẳn những năm trước khi mà các dòng sản phẩm từ Trung Quốc có độ bền không cao, độ ồn lớn... được tiêu thụ khá mạnh vì giá thấp.

 

Không chỉ vậy, trong khi giá các mặt hàng thiết yếu đều tăng cao, hiện tượng “té nước theo mưa” vẫn khó kiểm soát thì việc mua sắm tại các siêu thị đang là lựa chọn của nhiều người dân. Chị Nguyễn Phương Linh ở phường Tích Lương (T.P Thái Nguyên), một khách hàng thường xuyên mua sắm tại siêu thị Minh Cầu (T.P Thái Nguyên) cho biết, mặc dù cách xa nhà cả chục km nhưng chị vẫn tới siêu thị để mua hàng vì chị chất lượng, giá cả và phong cách phục vụ tại đây hơn hẳn cửa hàng ngoài chợ. Chị lấy dẫn chứng về chai dầu ăn đang cầm trên tay có dung tích 1 lít có giá 43 nghìn đồng, rẻ hơn ngoài chợ khoảng 2 nghìn đồng. “Với tình hình giá tăng như hiện nay, tiết kiệm tiền chi tiêu để bù cho các khoản điện, nước, gas sẽ giúp các gia đình đỡ khó khăn hơn”, chị Linh cho hay. Trao đổi với ông Trần Huy Luân, Giám đốc siêu thị Minh Cầu, chúng tôi được biết, do lấy hàng trực tiếp tại nơi sản xuất nên giá các mặt hàng tại siêu thị ổn định hơn so với các chợ mà chất lượng lại đảm bảo. So với trước đây, người dân trên địa bàn đã có những thay đổi tích cực trong thói quen tiêu dùng, lượng khách thăm quan, mua sắm tại siêu thị Minh Cầu trung bình khoảng 15.000 lượt người/tháng. “Thời gian qua, tuy nhu cầu tiêu dùng của người dân có giảm nhưng số lượng khách đến với siêu thị vẫn có xu hướng tăng lên”, ông Luân đánh giá.

 

Trong quá trình thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng nhận thấy sự hưởng ứng, ủng hộ Quyết định hỗ trợ cho người thu nhập thấp mà Chính phủ mới ban hành cùng với nâng mức lương cơ bản. Những chính sách này sẽ giúp người dân giải quyết được một phần khó khăn. Tuy nhiên, bên cạnh nhiều người dân chủ động tiết kiệm chi tiêu, vẫn còn một bộ phận đang bị “lạm phát tâm lý”, ngậm ngùi chấp nhận chuyện tăng giá của các cửa hàng buôn bán nhỏ, chuyển sang găm giữ tài sản mà không đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Thiết nghĩ, cùng với việc chia sẻ khó khăn của người tiêu dùng của các doanh nghiệp thương mại hàng hóa trên địa bàn, thông qua các chính sách khuyến mãi, hậu mãi, xây dựng hệ thống phân phối đưa hàng về với nông thôn thì các cơ quan chức năng cũng cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp, quản lý chặt chẽ thị trường, để hạn chế tình trạng “té nước theo giá, tát nước theo lương”, đưa nền kinh tế đất nước sớm đi vào ổn định.