Trăn trở nghề nuôi gà

07:59, 05/04/2011

Xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ) hiện có số hộ nuôi gà bán chăn thả lớn nhất huyện, ở thời điểm cao nhất, tổng đàn gà toàn xã lên đến trên 300.000 con. Nhiều gia đình khấm khá lên từ nuôi gà, nhưng cũng không ít hộ phải lao đao vì nghề này…

 

Chúng tôi đến các xóm Đèo Hanh, Đoàn Kết và Suối Khách, những nơi có tỷ lệ hộ dân chăn nuôi gà lớn của xã Hợp Tiến. Câu chuyện của bà con đều xoay quanh những vấn đề về chăn nuôi gà như sự biến động của giá cả đầu vào, đầu ra, chọn giống gà, kỹ thuật chăm sóc, phòng dịch bệnh… Ông Lê Văn Đĩnh, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân xóm Đèo Hanh cho biết: xóm có 39/48 hộ chăn thả gà thường xuyên với quy mô từ 500 con mỗi lứa trở lên. Gia đình ông cũng nuôi gà từ hơn 6 năm nay, mỗi lứa 500 con, trung bình mỗi lứa 3 tháng 10 ngày. Nếu suôn sẻ thì mỗi lứa gà cũng cho thu lãi từ 10 đến 15 triệu đồng.

 

Theo ông Đĩnh và nhiều nông dân khác thì trong chăn nuôi gà, ba vấn đề quan trọng nhất là giống, thức ăn và công tác phòng dịch bệnh đều phải được giải quyết tốt. Nhiều người chăn nuôi gà trong xã đã lặn lội xuống những trang trại gà lớn ở huyện Yên Thế (Bắc Giang), nơi có thương hiệu “gà đồi” nổi tiếng để học hỏi kỹ thuật. Công tác phòng dịch bệnh được những người chăn nuôi gà đặc biệt coi trọng. Bởi không làm tốt khâu này có khi chỉ qua vài ngày, người chăn nuôi đã trở thành tay trắng. Khu vực chăn thả gà phải thoáng đãng, rộng rãi, tiêm phòng đúng định kỳ từ 3 đến 5 đợt mỗi lứa, sau khi xuất bán phải cho khu đất đã thả đàn gà đó “nghỉ” ít nhất 30 ngày, dùng vôi bột khử trùng cẩn thận trước khi thả đàn mới. Vì vậy mà mỗi hộ nuôi gà thường có 2 khu cách biệt để luân phiên.

 

Tuy chưa từng xảy ra dịch bệnh lớn trên địa bàn xã, nhưng nghề chăn nuôi gà luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, chị Hoàng Thị Hương, xóm Suối Khách cho biết. Gia đình chị cũng đã từng “nếm trải” đủ những thăng trầm của nghề này. Thời điểm hiện tại cũng đang là giai đoạn khó khăn với người nuôi gà. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá thức ăn cho gà liên tục tăng, trung bình mỗi bao cám tăng 30.000 đồng. Như vậy, chi phí cho mỗi đàn gà 500 con tăng thêm từ 5 đến 7 triệu đồng, trong khi đó, giá gà chưa tăng tương xứng nên người nuôi gà chỉ đủ hòa vốn, thậm chí thua lỗ. Cũng thời điểm này khi nghe “phong thanh” có dịch cúm gia cầm, nhiều nhà đã bán thốc bán tháo đàn gà chỉ mong hòa vốn...

 

Hợp Tiến là xã có diện tích đồi rừng lớn (chiếm gần 80% diện tích tự nhiên), những năm trước đây, phong trào trồng cây vải thiều phát triển mạnh mẽ. Khi vải thiều rớt giá, nhiều hộ dân đã không chặt bỏ mà tỉa cành mà chăn thả gà dưới tán cây. Theo thống kê, ở thời điểm cao nhất, tổng số gà toàn xã có khoảng trên 300.000 con; số hộ nuôi từ 300 đến 500 con mỗi lứa khoảng trên 200 hộ, nuôi 1.000 con mỗi lứa trở lên là gần 20 hộ. Điển hình như các hộ ông Triệu Tiến Hậu (xóm Suối Khách), ông Vũ Văn Tấn, ông Vũ Văn Tùng, ông Vũ Văn Mưa, ông Hoàng Trọng Tấn (xóm Đoàn Kết). Xã Hợp Tiến đang đặt ra mục tiêu mỗi năm sẽ phát triển tổng lượng từ 15 đến 20%, biến nghề này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.

 

Được biết, thời gian qua, Phòng Nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông huyện Đồng Hỷ đã hỗ trợ và hướng dẫn sử dụng Chế phẩm sinh học tới 30 hộ dân nuôi gà của xã. Nhưng, việc áp dụng chưa rộng rãi do người dân chưa được nắm bắt đầy đủ thông tin về lợi ích của loại chế phẩm này. Hằng năm, những hộ nuôi gà đều được dự từ 2 đến 3 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về nuôi gà bán chăn thả. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nghề nuôi gà ở Hợp Tiến còn manh mún, ít nhiều vẫn mang yếu tố tự phát, mạnh ai nấy làm. Giá cả đầu vào liên tục tăng và nguy cơ dịch bệnh tiềm ẩn làm cho người dân có tâm lý “nuôi gà như đánh bạc”. Để người nông dân yên tâm phát triển quy mô và gắn bó với nghề nuôi gà bán chăn thả, từng bước tiến tới xây dựng thương hiệu “Gà đồi Hợp Tiến”, cũng như nhân rộng mô hình ra các vùng khác thì địa phương và ngành chức năng cần tiến hành nhiều giải pháp trong thời gian tới. Trong đó, công tác phòng dịch phải được đặt lên hàng đầu. Theo ông Nguyễn Thanh Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Hỷ thì mô hình nuôi gà bán chăn thả ở Hợp Tiến rất có triển vọng khi nhân rộng ra các địa phương khác có cùng điều kiện bởi nó rất phù hợp với tập quán và điều kiện kinh tế của người dân. Thời gian tới, Phòng sẽ tham mưu cho UBND huyện Đồng Hỷ tiến hành quy hoạch vùng chăn nuôi gà đồng thời tham khảo cách làm của huyện Yên Thế (Bắc Giang) xây dựng cơ chế hỗ trợ cho người nuôi gà; xây dựng và thực hiện đề án chăn nuôi gà thả đồi, chủ động nguồn giống xây dựng thương hiệu gà đồi; thành lập Hội những người chăn nuôi và tiêu thụ gà…