Phú Lương là huyện miền núi, nhiều địa phương còn khó khăn về nước sản xuất. Đặc biệt là các xã như: Yên Ninh, Yên Trạch, Yên Đổ… diện tích đất đồi núi chiếm khoảng 60%, đây là những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong huyện, bà con dân tộc thiểu số chiếm đến 90%.
Người dân ở đây sống chủ yếu dựa sản xuất nông nghiệp, thế nhưng tập quán canh tác của bà con còn lạc hậu, sản phẩm làm ra mang tính tự cung tự cấp là chính, chưa mang tính hàng hóa. Bởi vậy, việc tìm cách thay đổi tập quán canh tác của bà con, lựa chọn một số loại cây trồng phù hợp với đồng đất ở đây nhằm nâng cao đời sống cho nhân dân là điều hết sức quan trọng. Sau khi nghiên cứu và tham quan các mô hình ở một số địa phương, năm 2010, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai mô hình trồng bí xanh giống NV46 thử nghiệm tại 2 xã: Yên Ninh và Yên Trạch với 4 xóm tham gia là: Suối Bén, Bản Héo, Bài Kịnh và Đồng Quốc. Quy mô ban đầu là gần 7ha với 68 hộ trồng.
Giống bí xanh NV46 do Công ty cổ phần Giống cây trồng Nông Việt cung ứng là giống bí chất lượng cao, đặc ruột, thích hợp trên nhiều loại đất khác nhau, sức chống chịu tốt, ít sâu bệnh, có năng suất và chất lượng ổn định. Thời gian gieo trồng chính vụ vào cuối tháng 1 đến trung tuần tháng 2 dương lịch. Đến tháng 6 bí bắt đầu cho thu hoạch. Mặc dù năm 2010 là năm thời tiết có những diễn biến bất thường gây nhiều bất lợi cho các loại cây trồng, nhưng năng suất trung bình của loại bí này vẫn đạt 1,5 tấn/sào, với giá bán tại thời điểm năm 2010 là 3.000 đồng/kg, mỗi sào thu được trên 4 triệu đồng. Kết quả này đã đem lại niềm tin cho nông dân địa phương, khẳng định giống bí xanh NV46 có khả năng mở rộng được ở đây.
Dựa vào kết quả năm 2010, sang năm 2011, Trạm Khuyến nông huyện Phú Lương tiếp tục triển khai mô hình và nâng diện tích lên 15ha, mở rộng ra các xã khác như: Yên Đổ, Phủ Lý. Đến thời điểm cuối tháng 4 này, bí đã bắt đầu leo lên giàn. Theo lời Trưởng xóm Suối Bén (xã Yên Ninh) Nguyễn Văn Bàn thì chỉ khoảng chưa đầy 1 tháng nữa là hoa bí sẽ nở vàng rực cả cánh đồng. Lúc đó, ong, bướm sẽ kéo đến thực hiện việc thụ phấn cho bí kết trái. Đi giữa cánh đồng Suối Bén, chúng tôi bắt gặp cảnh bà con đang tích cực làm cỏ, xới đất cho bí. Gia đình anh Ma Văn Toàn năm 2010 là hộ có diện tích bí lớn nhất huyện (10 sào), năm nay các con anh đều đi học xa nhà, không có nhân lực nên vợ chồng anh chỉ trồng được 7 sào. Anh Toàn cho biết: Khi cây lên được chừng 50cm thì phải làm giàn cho bí leo lên. Giai đoạn này cây có khả năng nhiễm các bệnh như: phấn trắng, thán thư… vì vậy phải phun thuốc phòng bệnh cho bí, ngoài ra thì bí rất dễ trồng và chăm sóc, không cần đòi hỏi kỹ thuật phức tạp gì. Sau 1 vụ trồng bí tôi đã rút ra kinh nghiệm như thế. Năm 2010 là năm đầu tiên tôi trồng bí, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng được sự hướng dẫn của các cán bộ Trạm Khuyến nông huyện, năng suất bí của gia đình cũng đạt 1,2 tấn/sào, từ 10 sào bí đó tôi thu được trên 100 tấn bí quả.
Hầu hết các diện tích đất dùng để trồng bí đều là những thửa ruộng trước đây bà con vẫn cấy lúa 1 vụ/năm, khó khăn về nước sản xuất hoặc những khu vườn, bãi… Nếu so sánh với cấy lúa thì trồng bí cho thu nhập cao hơn gấp 3 lần. Anh Mã Văn Khu, xóm Đồng Quốc, xã Yên Trạch sau 1 vụ trồng bí đã làm bài toán so sánh: Năm 2010, tôi trồng 6 sào bí xanh, năng suất đạt 1,3 tấn/sào, với giá bí lúc đó là 3.000 đồng/kg, mỗi sào tôi thu được khoảng 4 triệu đồng. Trên diện tích đất này, những năm trước tôi vẫn cấy lúa, chăm sóc tốt cũng chỉ đạt 2 tạ thóc/sào, bán được khoảng 1,4 triệu đồng. Như vậy, mỗi sào bí cho thu nhập cao hơn trên 2 triệu đồng, trong khi đó thời gian từ lúc trồng cho đến khi thu hoạch của bí chỉ lâu hơn khoảng 1 tháng.
Đồng chí Phan Văn Tường, Trưởng Trạm khuyến nông huyện cho biết: Năm nay đầu vụ gặp rét nên một số cây giống bị chết. Với những diện tích bị chết rét, Trạm đã cung cấp giống và hướng dẫn bà con cách trồng dặm, chính vì vậy thời điểm thu hoạch năm nay sẽ muộn hơn so với năm ngoái khoảng 20 ngày. Thời điểm này, thời tiết đang khá thuận lợi để cây bí phát triển, nếu từ nay đến cuối vụ không có gì bất lợi thì năng suất bí năm nay có thể sẽ cao hơn năm ngoái, đạt khoảng 1,6 tấn/sào. Hiện nay, Trạm khuyến nông huyện cũng đang tìm kiếm một số đơn vị thu mua để bao tiêu sản phẩm cho bà con nhằm giúp bà con về đầu ra đồng thời đảm bảo giá bán hợp lý. Thành công ở vụ bí này là rất quan trọng bởi nếu kết quả khả quan sẽ là bước khởi đầu tốt đẹp cho mục tiêu xây dựng một vùng sản xuất bí xanh hàng hóa tại địa phương.