Qua trao đổi với đồng chí Dương Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Úc Kỳ (Phú Bình), chúng tôi được biết về Bí thư Chi bộ xóm Soi 1, người luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, rất nhiệt tình trong công tác. Ông Dương Văn Toan một bệnh binh làm kinh tế giỏi, chủ nhân của trang trại lớn và hiệu quả nhất xã, chúng tôi rất thán phục.
Theo chân ông Dương Văn Ke, Chủ tịch Hội Nông dân xã Úc Kỳ, chúng tôi tìm đến nhà ông Toan. Đã được giới thiệu trước nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác bị “ngợp” trước một căn biệt thự bề thế, xinh xắn giữa miền quê bao đời chủ yếu sống nhờ cây lúa này. Tiếp chuyện khách, ông Toan rất sôi nổi và cởi mở - kể nhiều chuyện từ sự xuất thân nghèo khó đến cuộc đời quân ngũ vẻ vang, quá trình tham gia công tác xã hội và phát triển kinh tế của mình. Ông không giấu giếm điều gì vì ông thấy tự hào về những việc mình đã, đang làm và còn bởi quanh năm suốt tháng “đầu tắt mặt tối”, mấy khi có thời gian rảnh rỗi mà ngồi hàn huyên. Sôi nổi suốt buổi nói chuyện nhưng đôi lúc ông nín lặng mà gạt nước mắt khi hồi tưởng lại một thời vất vả của hai cụ thân sinh đã phải bươn chải làm nhiều nghề để nuôi đủ 10 anh em ông trưởng thành.
Năm nay 66 tuổi, 47 năm tuổi Đảng, hơn 10 năm trong quân ngũ, thuộc Bộ Tư lệnh Công binh dù ở vị trí nào ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và nhiều năm là Chiến sĩ thi đua. Năm 1976, ông về nghỉ mất sức với chế độ bệnh binh, mất 61% sức khỏe. Vừa phát triển kinh tế gia đình, ông vừa tích cực tham gia công tác xã hội với nhiều chức vụ như: Đội phó, Đội trưởng Đội sản xuất, Bí thư Chi bộ miền Ngọc Long, xã Úc Kỳ, Chủ nhiệm hợp tác xã… rồi làm Bí thư Chi bộ xóm Soi 1 từ năm 2007, khi tách chi bộ đến nay. Những năm 2002-2003, vai trò của Chi hội Nông dân ở địa phương khá mờ nhạt, Đảng ủy, Chi ủy quyết định cử ông sang làm Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm Soi (khi đó chưa tách xóm). Bằng tâm huyết và uy tín của mình, ông đã nhanh chóng khôi phục lại vai trò của Hội trong phát triển kinh tế, trước tiên là vận động nông dân tham gia vào tổ chức Hội, phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong phát triển kinh tế. Chỉ trong vài năm, số hội viên đã tăng từ 30 lên hơn 60 người.
Cũng với phương châm đảng viên làm trước để quần chúng noi theo, từ khi ông làm Bí thư đến nay, Chi bộ xóm Soi 1 đã thực sự phát huy vai trò là nòng cốt trong việc lãnh đạo nhân dân trong xóm phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống ấm no. Việc phát triển Đảng được Chi bộ đặc biệt quan tâm. Năm 2007, khi mới tách, Chi bộ chỉ có 6 đảng viên, đến nay đã là 14 người. Để có kết quả đó, Chi bộ đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của quần chúng về Đảng, đổi mới hoạt động, đề ra nghị quyết phù hợp với tình hình thực tế và nguyện vọng của người dân. Hiện, xóm không có người nghiện ma túy. Năm 2009, nhân dân trong xóm đã hiến đất và đối ứng vốn để làm được 900m đường bê tông. Nhà văn hóa xóm hoàn thành năm 2010 với kinh phí xây dựng 50 triệu đồng hoàn toàn do dân đóng góp trong vòng một tháng. Gia đình ông Toan đã gương mẫu ủng hộ 2 tấn vôi và nhiều gỗ lạt cho việc làm nhà văn hóa. Tỷ lệ hộ nghèo trong xóm giảm nhanh từ 40,1% (45/112 hộ) năm 2008 xuống 29,1% hiện nay. Nhiều hộ vươn lên khá, giàu như gia đình các ông: Dương Văn Quý, Dương Văn Tuyến, Phạm Văn Mến, Dương Văn Huê, Dương Văn Bân, Dương Văn Xuyển… Từ năm 2007 đến nay, Chi bộ xóm Soi 1 luôn đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, được Huyện ủy Phú Bình khen thưởng, cá nhân Bí thư Chi bộ Dương Văn Toan cũng nhiều năm được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ngoài ra, với vai trò là Trưởng ban Công tác Mặt trận, ông đã nhiều lần tham gia hòa giải thành công những vụ việc trong xóm. Thậm chí vào ngày áp tết hoặc đêm hôm, hễ nghe có xô xát là ông và các thành viên Ban Công tác Mặt trận xóm lập tức có mặt để tham gia hòa giải. Ông bảo, điều “sung sướng” nhất của tôi là được bà con tín nhiệm, yêu mến, sức đã yếu, cũng muốn nghỉ nhưng nghĩ đến trách nhiệm mình là một đảng viên lại gắng làm và làm cho tốt…
Câu chuyện giữa chúng tôi xoay sang chủ đề phát triển kinh tế gia đình. Hơn 10 năm trước, gia đình ông còn ở nhà cấp bốn lụp xụp, cả nhà 4 nhân khẩu chỉ biết trông vào 5 sào ruộng, năm nào cũng thiếu ăn vài tháng. Năm 1993, ông đã mạnh dạn nhận đấu thầu 4 ha đầm Ngọc Long của hợp tác xã để nuôi thả cá. Huy động hết nguồn vốn của nhà và vay mượn thêm, gia đình đã thuê lao động đắp lần lượt 5 con đập ngăn nước và thả các loại cá như: trắm, chép, mè… Khi đó, ông đã động viên con trai lớn là anh Dương Minh Tuấn đi học lớp trung cấp thủy sản rồi trung cấp thú y để về phục vụ phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra, gia đình còn chăn nuôi thêm lợn (trung bình 40 con/lứa), trâu, bò, gia cầm các loại (thời điểm nhiều nhất có khoảng 600 con gia cầm). Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình ông thu lãi xấp xỉ 100 triệu đồng.
Ông Dương Văn Chiến ở xóm Soi 2 bảo: “Viết về gương của ông Toan đây cho nhiều người biết thì tốt quá, chúng tôi là những người dân trong vùng thường xuyên đến tham quan và học hỏi mô hình làm kinh tế của gia đình ông. Ông ấy hay khuyên mọi người trong việc tìm hướng phát triển kinh tế, nhiệt tình truyền cho kinh nghiệm làm ăn. Nhà tôi có vài sào ruộng trũng cũng đang định qua đây học hỏi để áp dụng chuyển đổi thành ao thả cá. Người như ông Toan không nhiều, vừa làm kinh tế giỏi lại hoàn thành xuất sắc các công tác xã hội khác, được bà con vô cùng tin tưởng và yêu mến..."