Năm 2009, lần đầu tiên Thái Nguyên áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho 8,7ha chè ở xóm Trung Thành, xã Hòa Bình (Đồng Hỷ) và đã được cấp Giấy chứng nhận ngay 1 năm sau đó. Tiếp đó, 4ha chè nguyên liệu của Công ty Chè Vạn Tài được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP, năm 2009, quy trình sản xuất nông nghiệp tốt đã được áp dụng cho 4ha rau ở thị trấn Ba Hàng (Phổ Yên); năm 2010, quy trình này được áp dụng tại xóm Cậy, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) với diện tích 3ha rau, quả. Cùng với đó, trên 30ha nhãn ở xóm Khe Đù, Phúc Thuận (Phổ Yên) cũng đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Dự kiến, trong năm 2011, Thái Nguyên sẽ tiếp tục áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đối với 10ha vải ở xã Hợp Tiến (Đồng Hỷ)...
Sau 2 năm áp dụng VietGAP, giá trị thu được trên cùng một diện tích canh tác rau, thâm canh chè của người dân đã được nâng lên. Cụ thể, nếu rau, quả sản xuất theo phương thức truyền thống bình quân chỉ bán được với giá 2.000 đến 3.000 đồng/kg, thì rau sản xuất theo VietGAP sẽ bán được giá cao gấp đôi; đối với chè, giá bình quân là 50-150 nghìn đồng/kg, nhưng chè an toàn có thể bán với giá gấp rưỡi hoặc gấp đôi. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Trong quá trình hướng tới nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa, việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là tất yếu để tạo ra sản phẩm sạch, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu, hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững. Do vậy, việc nhân rộng các mô hình áp dụng quy trình VietGAP trong sản xuất nông nghiệp là rất cần thiết.
Tất cả các mặt hàng nông sản như rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm… đều có thể áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt. Áp dụng sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP sẽ thúc đẩy sự kết nối giữa sản xuất với thị trường, từ đó mang lại lợi ích, thu nhập cao hơn cho người sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu cho rau, quả, chè an toàn, góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, để nhân rộng quy trình sản xuất này, Thái Nguyên vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT: Khó khăn ban đầu của người dân khi thực hiện VietGAp là phải ghi nhật ký đồng ruộng, trong khi từ lâu nay bà con vẫn làm theo cách truyền thống, trồng trái cây và chờ ngày thu hoạch chứ không chú ý đến việc ghi chép.
Chị Nguyễn Thị Minh, một người dân ở xóm Cậy, xã Huống Thượng (Đồng Hỷ) thừa nhận: Sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP khá phức tạp, nhất là đối với việc ghi chép vào sổ nhật ký. Theo yêu cầu thì khi phun thuốc bảo vệ thực vật phải ghi vào sổ nhật ký ngay trong ngày liều lượng, thời gian phun thuốc. Nhưng có lúc, nhiều người quên không ghi, phải mấy ngày sau mới nhớ ra và ghi vào sổ nhật ký.
Thực tế cho thấy, do sản xuất của nông dân còn manh mún, nhỏ lẻ nên việc áp dụng quy trình VietGAP ở Thái Nguyên chưa rộng rãi, phần lớn mới dừng lại ở các mô hình. Nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm của VietGAP còn hạn chế. Thêm vào đó, áp dụng quy trình VietGAP, người sản xuất phải đầu tư rất tốn kém, tuân thủ các quy định ngặt nghèo, trong khi sản xuất thông thường vẫn tiêu thụ được sản phẩm một cách dễ dàng nên họ chưa mặn mà với VietGAP. Hơn nữa, để các vùng sản xuất nông sản đạt được quy chuẩn VietGAP không dễ bởi tư duy làm ăn riêng lẻ, trình độ sản xuất, tay nghề của nông dân - đối tượng sản xuất chính còn rất hạn chế dẫn đến sự lúng túng khi tiếp cận và áp dụng. Thêm nữa, đất nước đã hội nhập nhưng nông dân vẫn còn làm ăn riêng lẻ, nông sản chủ yếu bán qua trung gian, khiến sản phẩm nông nghiệp không có thương hiệu. Do đó, để nông sản Thái Nguyên có thể tiến tới thị trường trong và ngoài nước, chúng ta cần áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giống và Vật tư hàng hóa nông nghiệp (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho rằng: Muốn làm được như vậy, Thái Nguyên cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người sản xuất và người tiêu dùng; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn cho nông dân về quy trình VietGAP; khuyến khích nhà nông làm sản phẩm cụ thể, vùng nào có thế mạnh thì phải tập trung đầu tư phát triển. Đồng thời tập trung xây dựng thương hiệu cho các loại sản phẩm nông sản áp dụng quy trình VietGAP. Nghĩa là khi người dân sản xuất được sản phẩm nông nghiệp an toàn, cần có các doanh nghiệp, HTX… bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con. Điều này cũng đòi hỏi bốn nhà (Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông, nhà doanh nghiệp) phải chung tay giải quyết được những vấn đề khó khăn trên.
Trong tương lai, Thái Nguyên không chỉ phát triển các vùng sản xuất rau, củ, quả, chè theo tiêu chuẩn VietGAP mà cần thực hiện quy trình này trong chăn nuôi. Đây có thể coi là cơ hội cho nền nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa trong tiến trình hội nhập. Được biết, tháng 7 tới, Luật An toàn thực phẩm do Quốc hội ban hành sẽ có hiệu lực. Song hành với đó, sẽ có các chế tài cụ thể đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm Luật này. Như thế đồng nghĩa với việc sản phẩm nông nghiệp không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ dần bị đào thải để thay thế vào đó những sản phẩm an toàn. Và khi ấy, nhu cầu sử dụng các sản phẩm làm ra theo quy trình VietGAP chắc chắn sẽ được tiêu thụ rộng rãi. Nhu cầu trên thị trường tăng thì các doanh nghiệp sẽ mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực này là điều tất yếu.