Với đặc thù là một huyện miền núi có trên 80% người dân sống dựa vào sản xuất nông nghiệp, mức sống còn thấp thì việc phát triển thêm các ngành nghề phụ là hướng đi phù hợp và hiệu quả đối với huyện Định Hóa. Một trong số nghề đó là dệt mành cọ. Dựa trên thế mạnh về nguồn nguyên liệu, từ lâu dệt mành cọ đã tương đối phát triển, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.
Theo thống kê, huyện Định Hóa hiện có khoảng trên 200ha rừng cọ, tập trung ở các xã như: Trung Lương, Bình Yên, Lam Vỹ, Điềm Mặc… Những cánh rừng cọ vươn cao, xanh ngút tầm mắt đã trở thành một nét cảnh quan đặc trưng của vùng chiến khu xưa. Không những vậy, cây cọ còn có giá trị tương đối lớn về mặt kinh tế nếu biết tận dụng hiệu quả. Ông Ma Đặng Ái, xóm Cầu Đỏ, xóm Trung Hội cho biết: Tất cả các bộ phận từ cây cọ đều có thể tận dụng. Lá cọ dùng để lợp mái nhà tước lấy gân lá để bán, cuống lá dùng để chẻ nan dệt mành, hoặc thân cây cọ già có thể làm các đồ thủ công mỹ nghệ. Ngoài ra, quả cọ có vị bùi, ngậy là món quà dân dã hấp dẫn với nhiều khách du lịch. Với hơn 3ha rừng cọ đã giúp gia đình ông Ái có thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng mỗi năm từ khai thác lá và chẻ nan làm mành.
Nguồn nguyên liệu phong phú từ cọ là cơ sở hình thành và phát triển nghề dệt mành ở Định Hóa. Xuất hiện trên địa bàn huyện hàng chục năm nay, nghề dệt mành cọ hiện có mặt ở nhiều xã như: Trung Hội, Bình Yên, Đồng Thịnh... Theo thống kê, toàn huyện có hơn 30 cơ sở dệt mành cọ hoạt động thường xuyên và hàng chục gia đình sản xuất theo thời vụ. Nghề dệt mành cọ đem lại giá trị trên 6 tỷ đồng (năm 2010), tạo việc làm cho hơn 400 lao động nông thôn, hàng sản xuất và đưa ra thị trường hơn 20 vạn chiếc.
Hơn 5 năm sản xuất mành cọ, anh Hoàng Đình Huấn, xóm Du Nghệ, xã Đồng Thịnh đã trải qua nhiều thăng trầm của nghề này. Anh cho biết: Ưu thế của nghề dệt mành cọ là đầu tư vốn ít. Một khung dệt có giá chỉ khoảng một triệu đồng, cần thêm từ 10 đến 15 triệu đồng vốn để thu mua nguyên liệu. Ngoài ra, kỹ thuật dệt mành cọ cũng đơn giản, có thể tận dụng được thời gian nông nhàn nên thu hút được nhiều lao động tham gia. Năm 2008, trên địa bàn xã Đồng Thịnh có hơn 10 cơ sở dệt mành cọ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Sản phẩm mành cọ chủ yếu được thu mua để bán sang Trung Quốc. Tuy nhiên, do thị trường không ổn định, giá cả thất thường nên một số thời điểm mành cọ sản xuất ra mà không bán được và không có lãi. Do vậy, nhiều cơ sở không kiên trì đã bỏ nghề, chỉ có anh Huấn và 2 gia đình nữa ở xã quyết theo nghề cho đến nay. Hiện, gia đình anh có 7 khung dệt với 15 lao động làm việc thường xuyên. Hàng năm sản xuất và đưa ra thị trường hơn 2 vạn chiếc.
Cũng quyết tâm theo nghề như anh Huấn, cơ sở dệt mành cọ của anh Lương Văn Lợi, xóm Cầu Đỏ, xã Trung Hội hiện duy trì 3 khung dệt, với 6 lao động thường xuyên. Theo tính toán của anh Lợi: Mỗi chiếc mành cọ hiện có giá bán buôn là 33 nghìn đồng, trừ tất cả các chi phí anh được lãi khoảng 3 nghìn đồng. Mỗi ngày cơ sở của anh sản xuất hơn 100 chiếc, cho lãi hơn 300 nghìn đồng, mức lợi nhuận mà nhiều gia đình ở nông thôn phải “mơ ước”. Thu nhập trung bình, người lao động trong cở sở dệt mành cọ của anh Lợi đạt thu nhập từ 60 đến 70 nghìn/ ngày.
Hiệu quả là vậy nhưng nghề sản xuất mành cọ của huyện Định Hóa hiện đang gặp không ít khó khăn. Số lượng cơ sở dệt mành giảm nhiều so với thời điểm 2008 (giảm trên 20 cơ sở), lượng sản phẩm sản xuất hàng năm cũng chỉ dao động khoảng 20 vạn chiếc/ năm. Nguyên nhân được xác định là do chịu sự cạnh tranh quyết liệt về giá cả và chất lượng bởi các mặt hàng sản xuất công nghiệp. Rừng cọ - nguồn nguyên liệu chính cho dệt mành cọ có xu hướng ngày càng bị thu hẹp do người dân tự ý phá bỏ và trồng thay thế bằng các loại cây lấy gỗ khác. Một nguyên nhân nữa là hầu hết các cơ sở đều nhỏ lẻ, phân tán nên nghề dệt mành cọ chưa được công nhận là làng nghề và chưa được quy hoạch, đầu tư một cách đồng bộ.
Phát triển các ngành nghề phụ trong đó có nghề dệt mành cọ là hướng đi phù hợp đối với Định Hóa. Điều này không chỉ giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn mà còn góp phần bảo vệ cảnh quan rừng cọ - nét đặc trưng của vùng đất ATK. Để nghề dệt mành cọ tiếp tục phát triển, thực sự trở thành thế mạnh của địa phương, huyện Định Hóa cần xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với các ban ngành của tỉnh để hỗ trợ các hộ sản xuất về vốn, kỹ thuật để cho ra đời các sản phẩm từ cọ có chất lượng cao và tạo ra các thị trường tiêu thụ ổn đình. Đồng thời, cần nhanh chóng quy hoạch vùng sản xuất để nghề dệt mành cọ sớm được công nhận là làng nghề…