Ngày 16-3-2011, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2010. Theo kết quả được công bố, Thái Nguyên đạt 56,42 điểm, xếp thứ 42 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy vẫn nằm trong nhóm khá nhưng Thái Nguyên đã “tụt” 11 bậc so với năm 2009. Vậy đâu là nguyên nhân của sự sụt giảm này và giải pháp nào để cải thiện chỉ số PCI những năm tiếp theo?
Là một trong những điều tra xã hội học lớn và toàn diện nhất cả nước, PCI là công cụ quan trọng để đo lường, đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế của 63 tỉnh, thành phố trên 9 chỉ số thành phần có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của khu vực kinh tế dân doanh. Kết quả PCI công bố hàng năm dựa trên phương pháp điều tra bài bản và khoa học, được xây dựng bởi các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong nước và quốc tế, đảm bảo tính khách quan và là kênh tham khảo tốt cho các địa phương. Năm 2010, PCI được thực hiện dựa trên kết quả điều tra, đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của các địa phương với “giám khảo” là 7.300 DN dân doanh trong nước và 1.155 DN có vốn đều tư trực tiếp nước ngoài (trung bình mỗi tỉnh có 134 DN được chọn làm mẫu điều tra).
Đối với kết quả PCI năm 2010 của Thái Nguyên, trong 9 chỉ số thành phần có 4 chỉ số được cải thiện so với năm 2009 là tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; chi phí không chính thức; tính năng động, tiên phong của lãnh đạo tỉnh. Trong đó, chỉ số được cải thiện rõ rệt nhất là chi phí không chính thức, từ vị trí 34 năm 2009 lên vị trí 21 năm 2010. Chỉ số được giữ nguyên là thiết chế pháp lý. Các chỉ số tụt hạng là chi phí gia nhập thị trường; tính minh bạch; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là chỉ số đào tạo lao động, từ vị trí thứ 5 năm 2009 tụt xuống vị trí thứ 43 năm 2010. Trong các chỉ số tụt hạng chỉ duy nhất chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN có sự tăng điểm, từ 5,04 điểm năm 2009 lên 5,19 điểm năm 2010. Tuy nhiên, sự tăng điểm này vẫn thấp hơn so với các địa phương khác nên thứ hạng của tỉnh ta bị đẩy lùi.
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thì nguyên nhân làm PCI của tỉnh ta “tụt” hạng chủ yếu là do sự giảm điểm của hai chỉ số thành phần là đào tạo lao động và chi phí gia nhập thị trường. Vì đào tạo lao động là chỉ số có trọng số (tỷ lệ phân biệt mức đóng góp thực tế của từng chỉ số thành phần vào sự phát triển của DN dân doanh) cao nhất, chiếm 20% trọng số của PCI tổng hợp. Trong khi đó, chỉ số chi phí gia nhập thị trường lại có sự giảm điểm mạnh nhất, chỉ đạt 5,98 điểm, giảm 1,93 điểm so với năm 2009, xuống mức thấp nhất trong kết quả công bố các năm trước đó.
Để hiểu rõ hơn nguyên nhân trên, chúng tôi đã trao đổi với lãnh đạo một số DN, Hội Doanh nghiệp trên địa bàn với tư cách là tổ chức tư vấn và phản biện chính sách của tỉnh về các chỉ số giảm điểm nói trên, trong đó có chỉ số đào tạo lao động. Đây là chỉ số giảm điểm gây nhiều bất ngờ, bởi tỉnh ta là một trong ba trung tâm giáo dục đào tạo lớn của cả nước.
Ông Phạm Xuân Quang, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp T.P Thái Nguyên cho rằng: Trong khi nhiều dự án trọng điểm, công trình quan trọng được triển khai trên địa bàn, quy mô nền kinh tế đã lớn hơn trước thì công tác đào tạo lao động của tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề mới đạt khoảng 23,58%, thiếu lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, lành nghề... Điều này làm nhiều DN gặp khó trong việc tuyển dụng, kể cả lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông, người lao động cũng không được bố trí đúng với ngành nghề đào tạo.
Cùng quan điểm với ông Quang, ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xây dựng và giao thông cho biết: Mỗi năm, chúng tôi thường xuyên cần tuyển 10 cán bộ xây dựng, kỹ thuật viên thi công và khoảng 15 công nhân vận hành máy nhưng số lượng được tuyển rất ít. Những người được tuyển dụng cũng chưa đáp ứng yêu cầu, phải tiếp tục đào tạo đến cả năm trời mới có thể làm việc được. DN phải chịu khoản chi phí này. Trong quá trình đào tạo, sự ràng buộc giữa DN với người lao động chưa thực sự chặt chẽ thì người lao động có thể bỏ việc bất cứ lúc nào, DN đối mặt với nguy cơ mất lao động... Đó là chưa kể đến tác phong, ý thức kỷ luật của người lao động còn thấp. Đây cũng là thực tế đang diễn ra tại nhiều DN trên địa bàn, nhất là các DN sử dụng công nghệ mới, yêu cầu chất lượng lao động cao.
Về chi phí gia nhập thị trường, đây là chỉ số liên quan nhiều tới công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Theo báo cáo thực hiện chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010, tỉnh ta đã rút ngắn thời gian thành lập DN, giảm bớt nhiều TTHC… thông qua thực hiện cơ chế một cửa, một của liên thông. Kết quả đó đã được DN đánh giá cao bằng sự tăng điểm liên tiếp từ 2006 đến 2008 ở chỉ số chi phí gia nhập thị trường, cao nhất là năm 2008 với 8,42 điểm. Tuy nhiên, lãnh đạo một số DN, Hội DN của tỉnh cho rằng quá trình CCHC đang có xu hướng chững lại, thời gian cấp đăng ký mới hoặc đăng ký sửa đổi vẫn chỉ dừng lại ở mức lần lượt là 10 ngày và 7 ngày, đồng thời vẫn còn một số thủ tục gây phiền hà cho DN. Điều này đã được DN đánh giá trên thực tế bằng sự giảm điểm liên tục trong hai năm gần đây ở chỉ số chi phí gia nhập thị trường.
Để nâng cao chỉ số PCI trong những năm tới, ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần sự hợp lực của tất cả các cấp, ngành, địa phương, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư cho DN. Về giải pháp cụ thể, ông Minh nhấn mạnh, yếu tố cơ bản nhất chính là con người. Điều đó có nghĩa là bên cạnh việc nâng cao hơn nữa chất lượng lao động thông qua công tác giáo dục, dạy nghề… thì công tác cải cách hành chính cần tiếp tục được đẩy mạnh, trong đó trọng tâm là nâng cao chất lượng (phẩm chất và năng lực) cán bộ. Bởi cán bộ vừa là người xây dựng, vừa là người thực hiện các chính sách. Ngoài ra, các ngành liên quan trực tiếp tới đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, tổ chức dịch vụ hỗ trợ DN như: Lao động và Thương binh - Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Công Thương, Tài nguyên & Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư… cần làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính, nâng cao tính minh bạch trên cơ sở khai thác tối đa hiệu quả của công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Đối với các DN, cần thực hiện nghiêm chỉnh chính sách của Nhà nước, chủ động tiếp cận thông tin và mở rộng thị trường, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng…
Bên cạnh các giải pháp trên, khi thực hiện bài viết này, chúng tôi cũng nhận thấy, một số cán bộ, người dân và DN còn hiểu chưa đầy đủ về PCI. Mục tiêu của việc nâng cao chỉ số PCI chính là để cải thiện môi trường kinh doanh cho DN bằng việc xác định từng lĩnh vực cải cách cụ thể, thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhận thức được điều đó, hiện nay nhiều địa phương đã tích cực tìm hướng triển khai hành động, xây dựng đề án để nâng cao chỉ số PCI của mình và học tập kinh nghiệm của các tỉnh khác…
Thiết nghĩ, thay vì lạ lẫm, chưa hiểu về những thông số của PCI, các ngành, đơn vị, địa phương trên địa bàn nên tìm hiểu để có nhận thức đầy đủ hơn về chỉ số này để có thể tự phân tích để có biện pháp phù hợp, góp phần nâng cao PCI của tỉnh. Đây cũng là cách để tỉnh ta khởi động trên thực tế quá trình tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh...