Nhằm hỗ trợ nông dân vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống, từ năm 2006, Trung tâm Đào tạo nông dân tỉnh phối hợp với Hội Nông dân huyện Định Hóa đã thực hiện Dự án mô hình khuyến nông tự quản trên địa bàn. Thông qua các hình thức hỗ trợ về vốn sản xuất, kỹ thuật chăn nuôi, cây con giống… Dự án đã từng bước làm thay đổi nếp nghĩ, tập quán chăn nuôi của bà con đồng bào dân tộc, góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương.
Mục tiêu của Dự án hướng tới là hỗ trợ các gia đình hộ nghèo, thuộc các xóm, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Thông qua thành lập và hoạt động của các nhóm sở thích chăn nuôi, Dự án sẽ từng bước thay đổi tập quán sản xuất của bà con, hướng tới hình thức chăn nuôi an toàn, bền vững. Chị Ma Thị Thêm, Phó nhóm sở thích chăn nuôi lợn sinh sản thuộc xóm Tổ, xã Phượng Tiến phấn khởi thông báo: “Sau 3 năm hoạt động, nhóm đã có 6 gia đình thoát nghèo nhờ chăn nuôi. Quan trọng hơn, các thành viên đã có sự thay đổi căn bản nhận thức về chăn nuôi bền vững so với trước kia”. Được thành lập từ tháng 6-2008, Nhóm sở thích chăn nuôi lợn sinh sản ở xóm Tổ gồm 21 gia đình thuộc diện hộ nghèo. Các thành viên tham gia nhóm được hộ trợ 1 triệu đồng mua giống và được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi ở ở Trung tâm Đào tạo nông dân và ngay tại gia đình. Chị Thêm cho biết: “Chúng tôi được hướng dẫn cách xây dựng chuồng trại đúng kỹ thuật, chăm sóc lợn nái, cách tách đàn và chăm sóc cho lợn con… Trước đây, những kiến thức này chúng tôi đều tự mày mò tìm hiểu nên áp dụng không đúng cách, nhiều khi lợn giống đem về nuôi nhưng không sinh sản hoặc sinh sản không đều, số lượng con không đạt, hiệu quả thấp”. Ngoài ra, Dự án còn hỗ trợ cho các thành viên trong nhóm số tiền 21 triệu đồng để mua bình chứa nước, núm uống nước tự động cho vật nuôi, các loại vác xin tiêm phòng, thuốc khử độc chuồng trại…
Anh Nguyễn Văn Điền, người cùng xóm lại tâm đắc với nguồn quỹ hỗ trợ rủi ro của Dự án. Anh chia sẻ: “Khi mới chăn nuôi, do chưa biết cách chăm sóc và phòng bệnh nên con giống của gia đình tôi đột nhiên chết mà không rõ nguyên nhân. May nhờ có quỹ rủi ro của nhóm, tôi được vay thêm 1 triệu đồng với lãi suất 0,5%/ tháng để mua giống và bắt đầu chăn nuôi lại”. Từ đó đến nay, con giống của gia đình anh Điền đã sinh sản được 3 lứa, trừ chi phí mỗi lứa anh được lãi số tiền khoảng 2 triệu đồng. Với anh Điền, đây là số tiền lớn mà nếu chỉ đơn thuần cấy lúa thì cả năm anh cũng không dàm dụm được. Tham gia nhóm sở thích, chuyển biến rõ nhất đối với các thành viên là họ quan tâm nhiều hơn đến công tác thú y và vệ sinh phòng dịch. Làm tốt điều này, trong đợt dịch lở mồm long móng vừa qua, không gia đình nào trong nhóm của xóm Tổ có lợn bị nhiễm bệnh.
Đối với các gia đình hộ nghèo ở xóm Thịnh Mỹ 3, xã Tân Thịnh, Dự án khuyến nông tự quản đã giúp họ có định hướng phù hợp và mạnh dạn đầu tư cho chăn nuôi. Anh Trần Văn Quán, một thành viên của nhóm nuôi bò sinh sản cho biết: “Lợi thế của Thịnh Mỹ là có nhiều cánh đồng cỏ thuận lợi cho chăn nuôi bò. Thế nhưng xóm lại có rất ít gia đình đầu tư nuôi bò sinh sản do thiếu vốn và kỹ thuật. Thông qua sự hỗ trợ của dự án, 20 hộ nghèo trong xóm đã mua được bò sinh sản. Ngoài ra, nhóm còn được hỗ trợ một còn bò đực giống lai sind trị giá 20 triệu đồng. Đến nay, đàn bò của nhóm đã phát triển thành 35 con. Bò giống của anh Quán cũng sinh sản thêm 2 con, bán được số tiền trên 15 triệu đồng. Anh tâm đắc: “Ưu điểm của dự án là những kiến thức được tập huấn rất dễ hiểu và thực tế, chúng tôi được phép lựa chọn vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế địa phương”. Trong khi đó, Anh Hoàng Văn Thân, một trong những gia đình được hỗ trợ mua lợn sinh sản lại mạnh dạn xây dựng trang trại kết hợp nuôi lợn nái và lợn thịt với quy mô 20 đến 25 con mỗi lứa, chăn nuôi theo hình thức kết hợp sử dụng thức ăn công nghiệp và tận dụng phụ phẩm nông nghiệp của gia đình. Mỗi năm trang trại của anh cho thu nhập khoảng 20 triệu đồng/năm”. Từ diện hộ nghèo, anh Thân đã vươn lên thành gia đình có kinh tế khá giả của xóm.
Trong giai đoạn 2006-2010, mô hình khuyến nông tự quản của Trung tâm Đào tạo nông dân tỉnh đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Định Hóa thành lập 12 Nhóm sở thích chăn nuôi (với 228 hộ tham gia) tại các xóm đặc biệt khó khăn tại 9 xã của huyện. Điển hình như: Nhóm chăn nuôi lợn sinh sản tại Làng Bảy (Tân Dương), xóm Nam Cơ (Kim Phượng); Nhóm chăn nuôi bò sinh sản tại xóm Bản Vèn (Linh Thông), Làng Quyên (Lam Vỹ); Nhóm nuôi dê tại xóm Rịn (Bộc Nhiêu)… Trung tâm đã hỗ trợ các hộ gia đình số tiền 228 triệu đồng để mua con giống. Đồng thời, Dự án đã tổ chức 42 lớp tập huấn về thú y, kỹ thuật chế biến, bảo quản thức ăn... cho các gia đình. Ngoài ra, Trung tâm còn hỗ trợ các thành viên trong các nhóm sở thích 2.280 con gà giống Sắc-sô, hỗ trợ một số giống cây ăn quả như: xoài, nhãn lồng, đu đủ… Thông qua Dự án, đã có 19 gia đình thoát nghèo (theo chuẩn mới), nhiều gia đình vươn lên khá giả.
Ông Triệu Đình Giáp, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Định Hóa đánh giá: Tuy quy mô của Dự án không lớn về số tiền hỗ trợ và các gia đình tham gia nhưng đây là chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, có ý nghĩa sâu sắc. Dự án đã góp phần nâng cao đời sống người nông dân nghèo ở các xóm đặc biệt khó khăn, đồng thời đã khuyến khích, động viên được người nông dân mạnh dạn đầu tư vốn, học tập kỹ thuật chăn nuôi để mở rộng sản xuất, hướng tới hình thức chăn nuôi hàng hóa…