Thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, huyện Phổ Yên đã tích cực triển khai nhiều biện pháp và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần nâng cao mức sống của người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện đã giảm từ 24,65% (7.700 hộ) năm 2005 xuống còn 6,22% (2.200 hộ) năm 2010.
Đồng chí Nguyễn Văn Chính, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban Chỉ đạo giảm nghèo huyện Phổ Yên cho biết: Để đề ra những giải pháp xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, cuối năm 2005 chúng tôi đã tiến hành điều tra, khảo sát số hộ nghèo. Kết quả điều tra cho thấy, toàn huyện có trên 7.700 hộ nghèo với hơn 47.800 khẩu, chiếm 24,65%. Các hộ nghèo do nhiều nguyên nhân khác nhau nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiếu vốn đầu tư cho sản xuất và thiếu kiến thức, kinh nghiệm làm ăn chiếm tới 87% số hộ. Trước thực trạng trên, huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo giảm nghèo cấp huyện và tiến hành phân công các thành viên phụ trách các xã, thị trấn. Các thành viên Ban Chỉ đạo cấp xã, thị trấn phân công thành viên phụ trách từng thôn, xóm để xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực hiện các chương trình dự án, chính sách đối với người nghèo; tổ chức lồng ghép chương trình giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế, xã hội.
Đặc biệt, huyện đã tập trung thực hiện tốt chính sách cho vay vốn đối với hộ nghèo. Từ năm 2005 đến nay, đã có hơn 7 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện với số tiền trên 77 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Các tổ chức Hội như: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên… đã có nhiều hoạt động tích cực, hiệu quả góp phần thúc đẩy thực hiện các chính sách đối với hộ nghèo, người nghèo như các chương trình hỗ trợ giống, cho vay vốn phát triển sản xuất; triển khai các mô hình chuyển giao khoa học kỹ thuật, thâm canh tăng năng suất cây trồng, thử nghiệm giống lúa mới, ngô mới... Đồng thời, do có sự tư vấn, giám sát nên nguồn vốn vay đã được các hộ sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả. Nhiều gia đình đã tập trung vào đầu tư phát triển kinh tế đồi rừng, trồng chè cành, chăn nuôi trâu, bò, từng bước thoát nghèo. Anh Đặng Văn Khoa, người dân tộc Sán Chí ở xóm Hạ Đạt, xã Thành Công cho biết: Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Năm 2006, được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội huyện số tiền 10 triệu đồng, tôi đã đầu tư vào trồng rừng và chăn nuôi trâu, bò. Đến nay, gia đình tôi đã có hơn 12 ha rừng, ước tính có thể cho thu trung bình 70 triệu/ha. Gia đình tôi đã thoát khởi danh sách hộ nghèo.
Bên cạnh việc thực hiện các chính sách cho hộ nghèo vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, Phổ Yên còn tập trung thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ sản xuất cho các hộ nghèo ở các xã, xóm đặc biệt khó khăn. Ví dụ như Chương trình “Ngân hàng bò sinh sản” được tổ chức tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao như: Vạn Phái, Minh Đức, Đắc Sơn, Tiên Phong. Năm 2006, chương trình có 56 con bò sinh sản trị giá trên 140 triệu đồng cho 53 phụ nữ nghèo được hưởng thụ. Đến nay, đàn bò đã phát triển lên 145 con và giao cho 145 hộ phụ nữ nghèo. Chương trình này đã giúp 130 hộ thoát nghèo. Ngoài ra, từ các chương trình của Nhà nước, huyện đã tiến hành hỗ trợ công cụ, tư liệu sản xuất để người dân tận dụng thế mạnh của địa phương trong phát triển chăn nuôi, hướng dẫn khoa học kỹ thuật cho bà con áp dụng vào sản xuất để nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng. 5 năm qua, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông tổ chức được 1.300 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 65 nghìn lượt người tham gia.
Trong 5 năm qua, Trung tâm Dạy nghề huyện đã phối hợp với các xã, thị trấn đào tạo nghề miễn phí cho người nghèo như: may công nghiệp, may bao bì, mây tre đan, sản xuất đồ mộc… được 15 lớp cho trên 500 học viên tham gia với kinh phí trên 440 triệu đồng. Cùng đó, huyện khôi phục và khuyến khích việc phát triển các làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm trong lúc nông nhàn quả, mang lại thu nhập cho người dân. Các làng nghề như: chế biến gỗ, đan lát ở Tiên Phong, Trung Thành; trồng và chế biến chè ở Phúc Thuận, trồng dâu nuôi tằm ở Tân Phú... phát triển đã góp phần tạo việc làm cho trên 4 nghìn lao động với mức thu nhập trung bình 1,7 triệu đồng/người/tháng. Chương trình xóa nhà dột nát cho hộ nghèo cũng được huyện thực hiện có hiệu quả và đúng đối tượng. Trong 2 năm, 2009 và 2010, toàn huyện đã có 1.590 hộ nghèo được hỗ trợ xóa nhà dột nát với tổng diện tích được xây dựng hơn 47 nghìn m2. Tổng kinh phí thực hiện gần 88 tỷ đồng từ nguồn vốn của Trung ương và địa phương.
Có thể nhận thấy, nhờ thực hiện lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các cơ chế hỗ trợ vay vốn phát triển sản xuất mà tỷ lệ hộ nghèo ở Phổ Yên đã giảm bình quân 3,7%/năm. Trong những năm tiếp theo, huyện Phổ Yên tiếp tục khai thác có hiệu quả tiềm năng tài nguyên, sức lao động, đầu tư cơ sở hạ tầng và quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội. Huyện phấn đấu mỗi năm giảm bình quân 2- 3% hộ nghèo.