Hợp tác xây dựng thương hiệu chè La Bằng

09:23, 03/05/2011

Cùng với Tân Cương (T.P Thái Nguyên), Trại Cài (Đồng Hỷ)... La Bằng (Đại Từ) được đánh giá là vùng sản xuất chè ngon đặc biệt của tỉnh. Khi pha, tuy không có màu xanh trong như chè Tân Cương, Trại Cài nhưng chè La Bằng lại có một màu mật ong vàng óng, uống vào có mùi thơm đặc trưng, nuốt ngụm nước, chép miệng, thấy vị ngọt thanh tao, sảng khoái. 

Hiện nay, vùng chè này có diện tích lên đến trên 220ha, với khoảng trên 1.000 hộ trồng chè, 40 nghệ nhân chế biến chè nổi tiếng. Tuy vậy, giá trị cũng như thu nhập của người làm chè ở đây vẫn chưa tương xứng với chất lượng sản phẩm. Ông Nguyễn Ngọc Thép, Chủ tịch UBND xã La Bằng cho biết: Chè đã và đang trở thành cây kinh tế mũi nhọn của địa phương. Do vậy, để nâng cao thu nhập và ổn định kinh tế bền vững, chúng tôi sẽ quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè La Bằng.

 

Thực hiện mục tiêu này, Hợp tác xã (HTX) chè La Bằng đóng một vai trò rất quan trọng. Với  9 xã viên, là những người có nhiều kinh nghiệm làm chè ở 9/10 xóm của xã, chiến lược của HTX là đầu tư xây dựng vùng chè nguyên liệu để sản xuất, chế biến chè đặc sản, đóng hộp, quảng bá hình ảnh chè La Bằng rộng khắp trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Thông qua HTX, các xã viên được tham gia các lớp tập huấn IPM trên cây chè để sản suất chè sạch, an toàn; được tập huấn kỹ thuật chế biến chè chất lượng cao và được bao tiêu sản phẩm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện, toàn HTX có gần 30ha chè, ngoài ra HTX còn tổ chức thu mua chè khô cho bà con trong xã, mỗi năm tiêu thụ khoảng 10% sản lượng. Từ khi sản phẩm chè của xã viên HTX được đóng gói, gắn thương hiệu thì giá bán đã tăng lên rất nhiều. Thông thường, các hộ làm chè trong xã chỉ bán ra thị trường được từ 140 - 150 nghìn đồng/kg chè búp khô nhưng sản phẩm do HTX chế biến, lên hương, đóng gói đã bán được với giá từ 250 - 300 nghìn đồng/kg. Lợi ích lớn hơn khi người nông dân tham gia HTX là họ đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm. Từ chỗ manh mún, tự phát, mạnh ai nấy làm, khi tham gia HTX, các xã viên đã ý thức được xu thế tất yếu là phải hợp tác sản xuất và phải tạo ra sản phẩm sạch.

 

Đến thăm đồi chè của gia đình bà Đào Thị Thoi ở xóm Chính Phú, một màu xanh ngút ngàn thu vào tầm mắt. Được chăm bón nên chè trổ búp tua tủa. Có tới hơn 20 người đang thoăn thoắt thu hái chè. Bà Thoi, chủ đồi chè cho hay: Gia đình tôi có hơn 1 ha chè. Để thu hái, sản xuất chè theo đúng thời vụ thì một gia đình với vài nhân khẩu sẽ không thể chủ động được. Tham gia HTX, các hộ xã viên sẽ hợp tác theo hình thức đổi công. Với hàng chục người tập hợp thu hái, chế biến thì chè sẽ không bị quá lứa; đảm bảo năng suất, chất lượng.

 

Sau 6 năm ra đời, hoạt động ngày càng hiệu quả, HTX chè La Bằng đã trở thành mô hình điểm trong việc hình thành các tổ đội hợp tác sản xuất tại xã La Bằng. Đến nay, ở hầu hết các xóm của xã đều có các đội hợp tác, tổ đổi công tự nguyện. Theo bà Nguyễn Thị Hải, Chủ nhiệm HTX chè La Bằng: Những tổ hợp tác tạo ra tính đoàn kết, thi đua sôi nổi giữa các thôn, xóm; các tổ, đội. Người dân tự so sánh kết quả thi đua bằng chính giá trị của mỗi sản phẩm chè do các tổ, đội làm ra. Còn ông Nguyễn Xuân Nang, Bí thư Đảng uỷ xã La Bằng nói: Việc hình thành HTX chè La Bằng, các tổ, đội sản xuất tiến đến xây dựng thương hiệu cho chè La Bằng chính là điểm nhấn của chương trình xây dựng NTM tại địa phương. Sắp tới, La Bằng sẽ được công nhận là làng nghề sản xuất chè, làng văn hoá chè. Đó chính là cơ sở để tạo ra một thương hiệu chè La Bằng vững mạnh trên thị trường. Thương hiệu mạnh là biểu hiện rõ rệt của sự phát triển thịnh vượng cả về kinh tế lẫn văn hoá xã hội...