Nhiều chỉ tiêu kinh tế đạt mức tăng trưởng cao trong 4 tháng đầu năm

09:16, 14/05/2011

Mặc dù kinh tế trong nước đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp, ngành, các địa phương, kinh tế trong nước thời gian qua tiếp tục phát triển ổn địnhh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

 

Điểm sáng đầu tiên trong bức tranh chung của nền kinh tế 4 tháng đầu năm nay cần phải nhắc đến bước tăng trưởng đáng ghi nhận của nông nghiệp. Xuất khẩu nông sản đạt được những thắng lợi rực rỡ. Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, xuất khẩu nông, lâm và thủy sản tháng 4 đạt 2,2 tỷ USD, nâng tổng kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm lên 8 tỷ USD, tăng trên 43% so với cùng kỳ năm 2010. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ yếu đạt gần 5 tỷ USD, tăng tới 65%; thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, tăng trên 29%.

 

Mặt hàng có lượng xuất khẩu tăng nhanh nhất là gạo với 2,8 triệu tấn, đạt kim ngạch 1,4 tỷ USD, tăng 30% về lượng và 22,7% về giá trị. Cà phê là mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn thứ hai với 1,4 tỷ USD, tăng trên 45% về lượng và gấp hơn 2 lần về giá trị. Tăng trưởng xuất khẩu được thể hiện ở hầu hết các thị trường lớn, trong đó thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất là Mỹ chiếm tỷ trọng 12,3%...

 

Đối với sản xuất công nghiệp, 4 tháng đầu năm, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2010, bao gồm: khu vực kinh tế Nhà nước tăng 5,1% (Trung ương quản lý tăng 5,4%; địa phương quản lý tăng 3,8%); khu vực kinh tế ngoài Nhà nước tăng 16,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 16,7%.

 

Trong 4 tháng đầu năm, một số ngành sản xuất công nghiệp có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước là: Sản xuất đồ uống không cồn tăng 39%; sản xuất đồ gốm, sứ không chịu lửa (trừ gốm sứ dùng trong xây dựng) tăng 38,5%; sản xuất đường tăng 35,7%...

 

Trong nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, trong tháng 4/2011, các cơ quan chức năng của Nhà nước đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát đầu tư, đặc biệt đối với đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước và trái phiếu Chính phủ.

 

Cụ thể, 4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước thực hiện đạt 56,6 nghìn tỷ đồng, bằng 30,2% kế hoạch năm và tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2010.

 

Cũng trong 4 tháng đầu năm, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài tiếp tục tăng. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện bốn tháng đầu năm ước tính đạt 3620 triệu USD, tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2010. 4 tháng qua, cả nước có 33 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp phép mới, trong đó thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về vốn đăng ký với 1082,7 triệu USD, chiếm 33,8% tổng vốn đăng ký.

 

Về thu, chi ngân sách Nhà nước: Tính đến 15/4/2011, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 190,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán năm, trong đó các khoản thu nội địa là 123,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,4%; thu từ dầu thô 26,7 nghìn tỷ đồng, bằng 38,5%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu 38,3 nghìn tỷ đồng, bằng 27,6%.

 

Tổng chi cân đối ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến 15/4/2011 là 202,2 nghìn tỷ đồng, bằng 27,9% dự toán năm, trong đó chi đầu tư phát triển 45,6 nghìn tỷ đồng, bằng 30,0%; chi phát triển sự nghiệp kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính 130,4 nghìn tỷ đồng, bằng 29,5%; chi trả nợ và viện trợ 26 nghìn tỷ đồng, bằng 30,6%...

 

Tuy đạt được một số kết quả tích cực ở một số ngành, lĩnh vực nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức khi lạm phát đang ở mức cao. Do đó, để tiếp tục kiềm chế lạm phát, các địa phương cần tiếp tục chỉ đạo thực hiện tốt Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, đó là: sớm khắc phục khó khăn, tận dụng cơ hội để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm bảo đảm cân đối cung-cầu hàng hóa trên thị trường trong nước. Tiếp tục xúc tiến thương mại trên cơ sở đẩy mạnh mối liên danh liên kết giữa doanh nghiệp, người sản xuất và các tổ chức Hiệp hội ngành hàng, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất nội địa và tính cạnh tranh của hàng nội địa về giá cả, mẫu mã, tính năng nhằm một mặt thúc đẩy xuất khẩu hàng nội địa ra thị trường thế giới, mặt khác thu hút người tiêu dùng trong nước dùng hàng Việt Nam, nhờ đó giảm nhập siêu.

 

Trong việc thực hiện rà soát đầu tư xây dựng cơ bản, để mục tiêu giảm chi tiêu công đạt hiệu quả cao hơn, một mặt cần sớm xây dựng tiêu chí rõ ràng quy định việc ngừng, đình hoãn, dãn tiến độ hoặc tiếp tục triển khai đối với các công trình, dự án từ nguồn vốn ngân sách, trên cơ sở đó áp dụng thống nhất cho các Bộ, ngành và địa phương. Mặt khác, các chủ đầu tư cần thực hiện ngay việc ngừng, đình hoãn hoặc dãn tiến độ đối với các công trình, dự án đã có kết luận cụ thể sau rà soát.

 

Cùng với các biện pháp trên, cần tập trung chỉ đạo tăng cường công tác dạy nghề dưới nhiều hình thức tại các trung tâm, cơ sở dạy nghề trên cả nước. Đẩy mạnh phát triển làng nghề để tạo công ăn việc làm ổn định cho người lao động, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống dân cư. Tiếp tục chăm lo đời sống cho các hộ nghèo, gia đình và đối tượng chính sách. Xây dựng cơ chế, chính sách kịp thời và phù hợp trong xuất khẩu lao động, đi đôi với quan tâm bảo vệ quyền lợi cho người lao động xuất khẩu.