Thực hiện chỉ đạo của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, 5 năm qua (2006-2010) Thái Nguyên đã xây dựng đề án phát triển kinh tế tập thể và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện.
Tính đến 31-12-2010, toàn tỉnh có 281 tổ hợp tác với 1.634 thành viên và 1.324 lao động, số tổ hợp tác hoạt động có chứng thực của UBND cấp xã là 231/281, chiếm 82,5%; 311 HTX hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế với tổng vốn 1,1 tỷ đồng và trên 21 nghìn xã viên, trong đó có 115 HTX được thành lập mới. Thu nhập bình quân của xã viên và người lao động phi nông nghiệp đạt 1.500.000đ/người/tháng, tăng gấp 2 lần so với năm 2006. Năm 2010, các HTX thực hiện nộp nghĩa vụ ngân sách trên 30 tỷ đồng, tăng gần 25 tỷ đồng so với năm 2006; tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo và từ thiện trong 5 năm qua đạt 7.316 triệu đồng.
Các hoạt động hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, xúc tiến hoạt động thương mại cũng được các HTX được quan tâm thực hiện. Trong 5 năm, đã có 1.903 lượt cán bộ HTX được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ thông qua 51 lớp tập huấn; 24 HTX tham gia hội chợ được hỗ trợ kinh phí thuê gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của đơn vị. Tỉnh đã thành lập được Quỹ hỗ trợ phát triển HTX với nguồn vốn điều lệ ban đầu là 5 tỷ đồng, giao cho Liên minh các HTX quản lý, hỗ trợ cho 18 dự án của các HTX. Ngoài nguồn vốn Quỹ hỗ trợ, các HTX còn được vay nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia giải quyết việc làm trên 2 tỷ đồng cho 16 dự án. Các chính sách khuyến công, khuyến nông, khuyến ngư được quan tâm triển khai: Sở Công thương thực hiện hỗ trợ đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ tới 24 HTX với tổng kinh phí trên 2,8 tỷ đồng; Chi cục phát triển nông thôn đã tổ chức tập huấn ứng dụng công nghệ và hỗ trợ máy móc thiết bị cho 5 HTX với tổng kinh phí 423 triệu đồng…
Có thể khẳng định, trong giai đoạn 2006-2010, tuy gặp không ít khó khăn, nhưng khu vực kinh tế tập thể (tổ hợp tác, HTX) đã góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Tổ chức và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều tổ hợp tác, HTX đã đi vào ổn định. Các loại hình tổ hợp tác, HTX ngày càng phát triển phong phú, đa dạng, phù hợp với nhu cầu và trình độ ở các địa phương. HTX chuyển đổi và thành lập mới tiếp tục được củng cố, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động. Một bộ phận HTX nỗ lực vươn lên, trở thành các HTX điển hình tiên tiến, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính xã hội của các tổ hợp tác, HTX cao, đặc biệt là các HTX trong nông nghiệp. Nhiều khâu dịch vụ của HTX mang tính chất phục vụ, không vì mục tiêu lợi nhuận như các khâu tưới tiêu, giống cây trồng,… làm cho xã viên thấy được trách nhiệm xã hội của mình, cần thiết phải gắn bó với HTX. Hoạt động của các tổ hợp tác, HTX đã giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song nhìn chung việc khắc phục những hạn chế, yếu kém của kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra. Tốc độ phát triển của khu vực kinh tế hợp tác, HTX còn chậm so với các khu vực kinh tế khác. Theo số liệu điều tra của các địa phương, Số cán bộ quản lý HTX có trình độ đại học chỉ chiếm 3,98%, trình độ cao đẳng, trung cấp chiếm 21,78%, số còn lại đa số chỉ học qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý kinh tế ngắn hạn; quản lý, điều hành HTX chủ yếu bằng lòng nhiệt tình, trách nhiệm và kinh nghiệm thực tiễn. Một số cán bộ có trình độ, năng lực thì sau khi được đào tạo, bồi dưỡng lại chuyển sang làm lĩnh vực khác vì làm việc tại các HTX chế độ đãi ngộ thấp… Các khoản đóng góp theo nghĩa vụ ngân sách, tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo và từ thiện có tăng lên qua các năm, song vẫn còn thấp so với các khu vực kinh tế khác trên địa bàn tỉnh.
Để tháo gỡ những khó khăn, tạo chuyển biến tích cực trong kinh tế tập thể, Thái Nguyên đã đề ra các mục tiêu chủ yếu để phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2011-2015. Cụ thể như: Trung bình mỗi năm thành lập mới từ 15 đến 20 HTX và 30 tổ hợp tác, phấn đấu đến năm 2015 toàn tỉnh có 400 HTX và 430 tổ hợp tác hoạt động tốt; thu nhập bình quân của cán bộ quản lý HTX, xã viên và người lao động tăng từ 1,5 đến 2 lần so với năm 2010; mỗi huyện, thành, thị xây dựng ít nhất 2 mô hình HTX điển hình toàn diện để nhân rộng ra địa bàn toàn tỉnh; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng để 100% cán bộ quản lý, chuyên môn nghiệp vụ HTX được bổ sung kiến thức và kỹ năng quản lý kinh tế, nâng số cán bộ quản lý HTX được đào tạo trình độ đại học lên từ 5 đến 7%, trình độ cao đẳng, trung cấp từ 30 đến 35%...
Trong thời gian tới, kinh tế tập thể sẽ được phát triển với nhiều hình thức đa dạng mà nòng cốt là các HTX, đổi mới các HTX theo hướng thực sự là các đơn vị kinh doanh, có chức năng kinh tế và xã hội. Tỉnh sẽ có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý giúp các tổ hợp tác, HTX trong việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; tiếp cận các nguồn vốn; mở rộng thị trường, ứng dụng công nghệ mới…; phát triển HTX ở tất cả các loại hình nhằm khai thác tiềm năng ở mỗi địa phương, chú trọng phát triển HTX đa ngành nghề, sản xuất - kinh doanh - dịch vụ - tổng hợp. Các giải pháp thực hiện về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, liên doanh liên kết, khoa học công nghệ, cơ chế chính sách… đã được xây dựng, trong đó giải pháp về tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đối với khu vực kinh tế hợp tác, HTX được đưa lên hàng đầu. Tỉnh sẽ tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, ban hành nghị quyết chuyên đề và chương trình hành động phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn tiếp theo.
Đây là mô hình kinh tế tập thể phù hợp với xu thế hội nhập và phát triển, mang tính xã hội cao, huy động được mọi tầng lớp nhân dân tham gia lao động sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Với hướng phát triển như vậy, chắc chắc khu vực kinh tế hợp tác, HTX của tỉnh trong thời gian tới sẽ có những bước tiến vững chắc, góp phần xóa đỏi, giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thiết thực xây dựng nông thôn mới./.