Một số ngân hàng đang khuyến khích khách hàng chuyển số vàng đang gửi tại ngân hàng thành tiền.
Theo Thông tư số 11/2011/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng từ ngày 1/5. Một số ngân hàng cho rằng, dừng cho vay và huy động bằng vàng không khó, nhưng vấn đề là làm thế nào để xử lý số dư vàng huy động được đang nằm trong kho của các ngân hàng.
Sau khi quy định ngừng huy động và cho vay vàng được Ngân hàng Nhà nước ban hành, một số ngân hàng đã có chính sách khuyến khích khách hàng đang gửi vàng tại ngân hàng bằng cách mua vàng cao hơn giá thị trường để họ chuyển vốn từ vàng sang tiền đồng và tiếp tục gửi tại ngân hàng. Trong khi lượng vàng của dân cư trong các ngân hàng chưa biết phải xử lý ra sao sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước thì việc gửi vàng có kỳ hạn và được hưởng lãi suất bắt đầu chuyển dần sang dịch vụ ký gửi miễn phí.
Theo thông tin từ Ngân hàng Thương mại cổ phần xuất nhập khẩu Việt
Theo đó, Eximbank sẽ không thu phí đối với khách hàng gửi vàng. Loại vàng nằm trong diện được hưởng dịch vụ này là vàng miếng SJC rồng Vàng 99,99 với số lượng tối thiểu là 1 chỉ vàng. Khách hàng sẽ không bị ràng buộc bởi thời hạn gửi cũng như sẽ không được hưởng lãi trong thời gian ngân hàng giữ hộ.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, ở Hà Nội, lượng vàng của khách hàng gửi tại các ngân hàng thương mại chiếm 11% cả nước và lượng vàng gửi tại TP. Hồ Chí Minh chiếm tỉ trọng lớn nhất, lên tới 76% lượng vàng gửi ngân hàng trong cả nước. Tuy nhiên, con số cụ thể tại các ngân hàng không được công bố. Đến nay, mới chỉ có Eximbank cho biết đang quản lý khối lượng vàng huy động được hơn 13 tấn, trong đó mới chỉ cho vay khoảng 7 tấn.
Trước đó, theo số liệu cuối năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2010, có 23 tổ chức tín dụng huy động và cho vay vàng với tổng lượng huy động 92,6 tấn, tương đương 73.000 tỷ đồng. Và 60% số vàng trên, tức 55,56 tấn (43.800 tỷ đồng) đã được cho vay. Như vậy, chỉ tính ở thời điểm đó, số vàng còn lại trong các ngân hàng là trên 37 tấn. Các con số trên chắc có thay đổi ít nhiều do trong suốt quý 4/2010 và quý 1/2011, các ngân hàng vẫn tiếp tục huy động và cho vay để đảm bảo thanh khoản và tín dụng.
Như vậy, xử lý thế nào với số vàng này? Làm thế nào để dòng vốn từ lượng vàng này chảy vào khu vực sản xuất? Hiện một số ngân hàng đang khuyến khích người dân chuyển số vàng đang gửi tại ngân hàng thành tiền. Một phần số này sẽ được bù đắp cho 30% số lượng vàng mà các ngân hàng được phép chuyển thành tiền VND để cho vay. Số còn lại và cả số vàng mà người dân sẽ bán lại cho các ngân hàng sẽ phải có cách khai thông.
Một số người đặt câu hỏi, liệu Ngân hàng Nhà nước có đứng ra mua lại số vàng này hay không. Nếu để lượng vàng này bán ra thị trường rồi xuất khẩu dưới dạng nữ trang thì sẽ phải có biện pháp quản lý nguồn ngoại tệ thu về. Còn nếu Ngân hàng Nhà nước đứng ra làm đầu mối thu mua lại vàng của các ngân hàng và các doanh nghiệp thì lại liên quan tới cung tiền ra thị trường và vấn đề lạm phát (trong khi Ngân hàng Nhà nước cũng đang đứng ra mua ngoại tệ của các ngân hàng này). Rõ ràng, đây không phải là bài toán dễ tìm ra lời giải.
Trong văn bản số 79 chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với Ngân hàng Nhà nước vừa được ban hành, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành lãi suất, kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán phù hợp với diễn biến thị trường.
Bên cạnh nhiệm vụ ưu tiên tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục triển khai các biện pháp quản lý tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, thị trường ngoại tệ và hoạt động kinh doanh vàng đã và đang phát huy tác dụng thời gian vừa qua.
Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước phải khẩn trương hoàn tất và ban hành các văn bản về cơ chế, chính sách quản lý ngoại tệ, vàng; kiểm soát hoạt động của các ngân hàng thương mại bảo đảm chấp hành đúng quy định về tiền tệ, tín dụng, an toàn hệ thống./.