Tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương với mức thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/người/tháng nhưng nghề làm ngói xi măng ở làng Cổng Đồn, xã Cổ Lũng (Phú Lương) chưa thể mở rộng do sản phẩm không phong phú, thiếu sự cạnh tranh. Cùng với đó là người làm nghề đang thiếu nguồn tín dụng ưu đãi, kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm…
Đã từng đến làng Ngói Cổng Đồn viết bài tuyên truyền nên tôi phần nào hiểu được thăng trầm của làng nghề này trong 10 năm gần đây. Khi nghe tin gia đình ông Trần Tất Liêm, Trần Tất Chính thực hiện cải tiến kỹ thuật để tạo mầu đỏ cho ngói xi măng, chúng tôi đã đến làng Cổng Đồn để tìm hiểu thực hư.. Trước đây, vật liệu làm ngói xi măng gồm cát, xi măng nên có độ bền nhưng mỹ thuật không đẹp vì ngói có mầu tàn thuốc, xuất hiện nhiều mốc sau vài năm sử dụng nên thị trường ngày càng thu hẹp (sản phẩm ngói xí măng do người dân Cổng Đồn sản xuất ra giờ chủ yếu tiêu thụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số của Lạng Sơn và Bắc Kạn).
Chính vì những điều hạn chế trên của ngói xi măng nên ông Liêm và một số người dân ở Cổng Đồn đã tìm cách pha chế, sử dụng mầu để tạo nên viên ngói có màu đỏ gần giống với ngói đỏ Hương Canh (Vĩnh Phúc), ngói đỏ Hạ Long (Quảng Ninh). “Bí quyết nghề” làm ngói xi măng có mầu đỏ của các hộ ở Cổng Đồn khác nhau nên mầu sắc của viên ngói cũng khác nhau và bí quyết của từng hộ không tiết lộ ra ngoài. Ví dụ ngói của gia đình ông Trần Tất Chính, Trần Tất Liêm có mầu đỏ tươi, còn ngói của một số hộ có mầu đỏ thẫm. Việc tạo được mầu đỏ cho viên ngói xi măng đã giúp việc tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn và giá cũng nâng lên từ 500 đồng đến 1.000 đồng/viên (giá ngói xi măng mầu tàn thuốc truyền thống là 1.400 đồng/viên).
Làng Cổng Đồn hiện có 12 hộ chuyên sản xuất ngói xi măng (giảm 5 hộ so với 3 năm trước) và mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 60 triệu viên ngói nên đã giải việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động là người địa phương. Trong đó có 3 gia đình sản xuất ngói lớn nhất Cổng Đồn là ông Trần Tất Chính (50 vạn viên/năm), ông Trần Tất Liêm (45 vạn viên/năm), ông Nguyễn Văn Khánh (40 vạn viên/năm)… Tâm sự với chúng tôi, ông Trần Tất Chính cho biết: “Nghề làm ngói xi măng đã xuất hiện ở Cổng Đồn từ năm 1980 nhưng hồi đó người làm nghề mang khuôn đúc và các vật dụng khác đi đóng ngói thuê còn tập trung sản xuất tại gia đình mới thực hiện từ cuối năm 1990 nhưng giờ một số hộ làm nghề đã phải nghỉ làm do sản phẩm không cạnh tranh được. Vì vấn đề thu nhập, việc làm nên chúng tôi đang muốn tạo ra ngói xi măng có mầu để đáp ứng nhu cầu của thị trường và bước đầu đã cho kết quả…”. Việc mạnh dạn đầu tư để sản xuất ngói xi măng có mầu đỏ đã mở ra hướng đi mới để duy trì làng nghề nhưng qua ý kiến của một số hộ dân làm nghề ở Cổng Đồn cho biết vẫn chưa khắc phục được tình trạng ngói bị mốc, phai mầu sau vài năm sử dụng nên lượng tiêu thụ ngói đỏ cũng chậm. Anh Nguyễn Hồng Phương, một thợ sản xuất ngói xi măng ở Cổng Đồn cho biết: “Tôi là người địa phương nên rất mong làng nghề tồn tại và phát triển để không phải không phải đi nơi khác kiếm việc làm. Nếu cơ quan chuyên môn giúp được việc chống ngói đỏ lên mốc thì việc sản xuất, tiêu thụ ngói sẽ rất thuận lợi…”.
Trên thị trường một viên ngói đỏ Hạ Long có giá từ 9.000 đồng đến 12.000 đồng/viên mà giá ngói xi măng đỏ của người dân làng Cổng Đồn chỉ bằng 1/5 nên nếu làm tốt việc quảng bá sản phẩm và có sự trợ giúp của cơ quan chuyên mốn khắc phục những tồn tại của sản phẩm chắc chắn làng nghề này sẽ có nhiều cơ hội để phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương. Về phía Nhà nước cũng không phải tốn kém kinh phí trong việc tổ chức đào tạo nghề mới cho lao động nông thôn ở đây theo Quyết định 1956 của Chính phủ...