Ưu tiên doanh nghiệp vượt khó

08:12, 22/05/2011

Trong thời điểm nhiều doanh nghiệp khai khoáng chỉ biết khai thác kiểu “hớt váng”, tức là ồ ạt xuất khẩu thô khoáng sản với mục đích kiếm lời nhanh nhất thì lại có những đơn vị dám đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến sâu khoáng sản với mục tiêu tận thu, tránh lãng phí  nguồn tài nguyên của đất nước. Đối với những trường hợp này rất cần được Nhà nước ưu tiên, khuyến khích, tạo điều kiện nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư chế biến sâu khoáng sản của tỉnh trong thời gian vừa qua thường gặp không ít khó khăn. Cái khó nhất của các doanh nghiệp này chính là vốn đầu tư, nhất là lại đầu tư trong giai đoạn cuộc khủng hoảng tài chính thế giới và sự  suy giảm kinh tế trong nước đang ở cao trào. Nếu là liên doanh, liên kết với nước ngoài thì khá hơn còn độc lập đầu tư bằng vốn tự có hẳn doanh nghiệp đó sẽ không tránh khỏi những thua thiệt. Tuy thiếu vốn đã là khó, nhưng khi nhà máy được đầu tư xây dựng xong mà thiếu nguyên liệu sản xuất thì lại càng khó hơn. Thời gian qua, đã có một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh rơi vào tình cảnh này. Điển hình nhất phải kể đến là trường hợp của Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi với Dự án Nhà máy luyện xỉ titan ở Phú Lương.

 

Sau một thời gian hoạt động trong ngành khai khoáng, sở hữu mỏ titan Cây Châm (xã Động Đạt, huyện Phú Lương) với trữ lượnng 155.000 tấn (khai thác và chế biến từ năm 2006), năm 2008, thực hiện chủ trương của Chính phủ về hạn chế, tiến tới không xuất khẩu quặng thô, Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi mạnh dạn đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến sâu khoáng sản ngay gần vùng nguyên liệu. Bằng nguồn vốn tự huy động của doanh nghiệp (trên 200 tỷ đồng), năm 2009 Công ty đã hoàn thiện và đưa vào vận hành Nhà máy luyện xỉ titan và gang hợp kim từ nguồn quặng titan đã qua tuyển lựa. Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đình Việt, Giám đốc Công ty cho biết: Đây là Nhà máy chế biến theo công nghệ mới lần đầu tiên được xây dựng tại Thái Nguyên. Chúng tôi là một trong ba công ty ở Việt Nam đầu tư nhà máy chế biến và luyện thành công xỉ titan, gang hợp kim. Tuy nhiên, hai đơn vị còn lại (ở các tỉnh phía Nam) đều là liên doanh với nước ngoài.

 

Với công suất thiết kế 20 nghìn tấn xỉ titan và 10 nghìn tấn gang hợp kim mỗi năm, hiện nay do mới vận hành 2/4 lò luyện nên sản lượng của Nhà máy chỉ đạt 50% công suất. Các sản phẩm tinh luyện của Nhà máy hiện đang được thị trường trong nước và nước ngoài đánh giá cao, đặc biệt là sản phẩm gang. Thời điểm này, Nhà máy có khoảng 3 nghìn tấn xỉ và 500 tấn gang thành phẩm. Ông Trương Đình Việt giải thích: Bình thường nếu xuất quặng titan thô thì coi như chúng ta đã bỏ phí mất một lượng lớn thành phần gang có trong quặng. Như vậy là đối tác nước ngoài của chúng ta (nếu xuất khẩu thô) sẽ thu lợi rất nhiều từ việc doanh nghiệp trong nước không dám đầu tư sản xuất titan kim loại.

 

Chấp nhận việc phải tự huy động vốn là chấp nhận khó khăn, nhưng Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn miền núi vẫn không lùi bước ngay cả việc phải đầu tư trong thời kỳ khủng hoảng và “bão giá” như ở giai đoạn 2008-2009. Tuy nhiên, điều mà doanh nghiệp lo ngại nhất lại chính là nguồn nguyên liệu để nuôi sống Nhà máy. Hiện tại, Doanh nghiệp vẫn mới chỉ sở hữu một mỏ titan khai thác từ năm 2006 với trữ lượng còn lại khoảng 30 nghìn tấn. Như vậy, chỉ có thể phục vụ nguồn nguyên liệu cho Nhà máy vận hành 2 lò trong vòng 1 năm nữa. Bởi thế, Nhà máy luyện xỉ titan của Công ty đang đứng trước tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng, đấy là chưa kể trường hợp vận hành đủ 4 lò luyện. Đã có lúc doanh nghiệp đã nghĩ đến khả năng không thể thu hồi vốn, xấu hơn nữa là phá sản. Công ty hiện đang hoạt động cầm chừng, vừa vận hành vừa chờ nguyên liệu bổ sung, trong khi phải đảm bảo lương và việc làm cho gần 200 công nhân.

 

Theo kết quả khảo sát của cơ quan chuyên môn thì trữ lượng quặng titan của tỉnh hiện có từ 4 đến 5 triệu tấn. Tỉnh đã cấp một số mỏ titan trữ lượng tương đối lớn cho một số doanh nghiệp, tuy nhiên mới chỉ có Công ty TNHH Xây dựng và Phát triển nông thôn, miền núi dám mạnh dạn đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến sâu. Được biết, để góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây UBND tỉnh, Bộ Tài nguyên - Môi trường đã có văn bản báo cáo, đề nghị Chính phủ cho phép thăm dò quặng titan tại khu vực Làng Lân - Hái Hoa thuộc xã Động Đạt và Phấn Mễ (Phú Lương) với diện tích 590ha. Đây là khu vực nằm trong danh mục các dự án thăm dò, khai thác quy mô công nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2007 và cho phép điều chỉnh tiến độ thăm dò giai đoạn 2007-2015. Hiện nay, Doanh nghiệp đang rất mong chờ được cấp phép khai thác để đảm bảo Nhà máy không phải đóng cửa. Theo tính toán chuyên môn, với trữ lượng gần 600 nghìn tấn, Mỏ titan Làng Lân - Hái Hoa sẽ cung cấp đủ nguyên liệu phục vụ hoạt động của Nhà máy trong vòng 10 năm.

 

Như vậy, qua tìm hiểu ở một đơn vị đi tiên phong trong đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến sâu khoáng sản của tỉnh cũng có thể thấy được những khó khăn, vướng mắc đối với các doanh nghiệp này như thế nào. Để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển Nhà nước phải có những cơ chế chính sách ưu đãi thật phù hợp. Ví như việc ưu tiên cấp mỏ hoặc tạo điều kiện cho doanh nghiệp vay vốn… Đó chính là những động thái tích cực vừa tránh thất thoát, lãng phí nguồn tài nguyên vừa giữ được tính ổn định và tầm nhìn chiến lược trong công tác quản lý khoáng sản của tỉnh.