Dù đang gặp nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới doanh nghiệp Nhật Bản. Đây là điều được nhiều đại diện doanh nghiệp Nhật Bản khẳng định tại Hội thảo kinh tế Nhật – Việt lần thứ 4 được tổ chức chiều 30/5 tại Tokyo.
Hội thảo do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân (FEC) của Nhật Bản đã thu hút sự tham gia của hơn 100 đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc và Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Nguyễn Phú Bình là những diễn giả của hội thảo lần này.
Phát biểu tại hội thảo, ông Võ Hồng Phúc giới thiệu những thông tin mới nhất về nền kinh tế Việt Nam. Theo ông Phúc, nền kinh tế Việt Nam đang ở trong giai đoạn khó khăn khi kinh tế vĩ mô chưa ổn định, lạm phát cao, nhập siêu và bội chi ngân sách lớn.
Để vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay, Việt Nam đặt ưu tiên chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Ông Võ Hồng Phúc bày tỏ lạc quan khi cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ lấy lại tốc độ tăng trưởng từ năm 2012. Ông Phúc khẳng định Việt Nam tiếp tục thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm thu hút đầu tư từ Nhật Bản.
Tại hội thảo, đại diện các doanh nghiệp Nhật Bản đều khẳng định mối quan tâm lớn đến thị trường Việt Nam. Ông Fukuda, thuộc Quỹ Tín dụng Shinkin chuyên trợ giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết Việt Nam là một điểm đến quan trọng trong chiến lược “Trung Quốc + 1” của các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm chia sẻ bớt rủi ro khi đầu tư vào Trung Quốc. Tuy nhiên, theo cựu Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Norio Hattori, quan hệ đầu tư giữa Nhật Bản và Việt Nam vẫn chưa tương xứng với mối quan hệ tốt đẹp và tình cảm giữa hai nước.
Ông Hattori nêu nguyên nhân, thứ nhất là việc tuyên truyền quảng bá cho môi trường đầu tư Việt Nam vẫn chưa được tốt. Trong tuyên truyền quảng bá vẫn thiếu tính cụ thể. Thứ hai môi trường đầu tư của Việt Nam vẫn thiếu những chính sách thu hút mang tính quyết định, đặc biệt đối với các ngành công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ”.
Ông Okada, thuộc Công ty Tokyo Invest cũng cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có quy định rõ ràng về công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ cũng như những chính sách ưu đãi đối với ngành này. Ngoài ra, quá trình đầu tư vào Việt Nam của một số công ty Nhật Bản vẫn gặp khó khăn do cơ sở hạ tầng như: điện nước, giao thông chưa đảm bảo. Việc xin giấy phép hoạt động cũng mất nhiều thời gian và công sức của các doanh nghiệp.
Trước những băn khoăn của các doanh nghiệp Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Võ Hồng Phúc cho biết, việc chậm đưa ra những chính sách ưu đãi cụ thể là do cần thời gian thay đổi một số chế độ về thuế và đất đai. Bộ trưởng Võ Hồng Phúc khẳng định, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ xem xét sửa đổi luật để sớm đưa ra các chính sách thu hút và ưu đãi đầu tư cụ thể.