Để thành công cần phải nỗ lực

08:52, 17/06/2011

“Mỗi người gắn bó với một nghề nào đó có thể là do cái duyên, nhưng để thành công với nghề của mình thì phải nhờ sự nỗ lực của bản thân. Tôi đến với nghề chăn nuôi cũng vậy nếu không cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm thì sẽ không có ngày hôm nay” Đó là tâm sự của ông chủ trang trại chăn nuôi lợn Nguyễn Tiến Triều, ở xóm Cao Sơn 4, xã Sơn Cẩm (Phú Lương).  

Anh Triều sinh năm 1967, trước đây là công nhân Mỏ than Khánh Hoà, năm 1993 không bằng lòng với nghề công nhân than vất vả với đồng lương thấp, bấp bênh, anh xin nghỉ chế độ để kiếm một nghề khác có thể vực kinh tế gia đình lên được. Sau khi tham gia vào Hội Nông dân, anh đã được đi tập huấn kiến thức chăn nuôi và đi tham quan một số mô hình chăn nuôi tại Thái Nguyên, Hà Tây, Bắc Ninh... Thấy nghề chăn nuôi lợn có khả năng phát triển được nên anh đã nung nấu ý định xây dựng một trang trại chăn nuôi lợn. Bố mẹ anh trước đây đều là công nhân, gia đình từ trước vốn chưa từng chăn nuôi theo hướng hàng hóa, bản thân anh từ công nhân mỏ chuyển sang chăn nuôi nên cũng chưa có kinh nghiệm gì, nhưng khó khăn ban đầu không làm anh nhụt chí.

Năm 2006, anh quyết định đầu tư mô hình chăn nuôi lợn với quy mô ban đầu 30 con lợn thịt. Để khắc phục khó khăn về kiến thức, kinh nghiệm, từ cách xây dựng chuồng trại, làm máng chăn... anh đều phải đi thăm các mô hình rồi về bắt chước, sau đó lại nhờ những người làm trước tham góp ý kiến sao cho hợp lý. Rồi đến cách pha trộn thức ăn, phương pháp phòng bệnh... anh lại phải sưu tầm, học hỏi qua sách, báo. Sau một thời gian mày mò, anh cũng đã tích luỹ được vốn kiến thức cơ bản về nghề chăn nuôi, cứ sau mỗi lứa anh lại ghi chép hết quá trình phát triển của lợn, những hạn chế trong cách thức chăn nuôi, sau đó rút kinh nghiệm cho những lứa sau.
 
Anh Triều chia sẻ: Trong chăn nuôi, điều quan trọng số một là phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình phòng bệnh, đây là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại. Đối với gia đình tôi, cứ định kỳ 1 tuần tôi lại phun khử trùng 2 lần, đấy là chưa kể khi xung quanh có dịch bệnh, để giữ gìn vệ sinh môi trường tôi cũng đã xây 2 hầm khí biogas với tổng thể tích 80 mét khối. Ngoài ra, hạn chế tối đa người ra vào trang trại cũng là cách tốt để phòng dịch bệnh. Trong quá trình nuôi, phải thực hiện tiêm đầy đủ 5 loại vắc xin phòng các bệnh thường gặp trên đàn lợn.
 
Do làm tốt quy trình vệ sinh phòng bệnh nên trong vòng 5 năm chăn nuôi, trang trại lợn của anh Triều chưa lần nào bị dịch bệnh. Kể cả thời gian cuối năm ngoái đến đầu năm nay, dịch lở mồm long móng đã lan rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Riêng huyện Phú Lương có 7 xã xuất hiện dịch với tổng số trên 200 con gia súc bị mắc bệnh. Thế nhưng trang trại lợn của anh Triều vẫn “bình yên vô sự”. Từ năm 2008 đến nay, trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có trên 100 đầu lợn, đều đều mỗi năm anh xuất 3-4 lứa, mỗi lứa khoảng 5 tấn, thu nhập trên 200 triệu đồng.
 
Chúng tôi đến thăm trang trại lợn của anh Triều đúng hôm anh đang thả thêm 100 lợn con vào khu chuồng trại vừa được xây dựng xong, anh vui vẻ giới thiệu: Tôi vừa hoàn thành khu chuồng mới này được 1 tuần với tổng vốn đầu tư trên 100 triệu đồng, dự kiến từ nay sẽ chăn nuôi với quy mô tăng gấp đôi so với trước đây.