Mô hình nuôi cá sấu thương phẩm đầu tiên ở Thái Nguyên

08:39, 03/06/2011

Chúng tôi đến xã Phấn Mễ (Phú Lương) hỏi thăm nhà anh Quách Thành Chinh, ở xóm Bầu 2, người dân ở đây đều nói về anh với giọng thán phục: Ấy là người làm kinh tế giỏi nhất xã, lại siêng năng học hỏi, dám nghĩ, dám làm.

 

Gần đây, bà con trong xã thường gọi anh bằng cái tên: Chinh cá sấu. Sở dĩ có cái tên này là vì anh là người đầu tiên ở huyện xây dựng mô hình nuôi cá sấu thương phẩm.

 

Anh Chinh sinh năm 1978, tại xã Phấn Mễ, trước đây gia đình anh sống chủ yếu nhờ trồng chè và chăn nuôi vài con lợn, con gà, cuộc sống vất vả mà kinh tế vẫn luôn eo hẹp. Từ năm 2000, anh lấy vợ và ra ở riêng, được bố mẹ giao cho hơn 3 sào chè làm vốn. Với số chè này, vợ chồng anh có thể ngày ngày chăm sóc, thu hái cũng đủ lo cái ăn, cái mặc cho gia đình. Nhưng anh đã không bằng lòng với cuộc sống như vậy, nên luôn có ý nghĩ phải làm cái gì đó để thay đổi cuộc sống. Thấy trong xã có nhiều trang trại chăn nuôi gà, năm 2007 anh đã đến học hỏi kinh nghiệm của những người làm trước, sau đó anh mạnh dạn vay ngân hàng 150 triệu đồng về phá bỏ vườn chè sau nhà đầu tư chuồng trại thả 2.000 con. Sau 3 tháng học kỹ thuật chăn nuôi trên sách báo vừa học hỏi kinh nghiệm chăn nuôi từ những trang trại quanh vùng, lứa đầu tiên xuất bán anh thu lãi trên 10 triệu đồng. Số tiền tuy không lớn, song đây là động lực thôi thúc anh tiếp tục theo đuổi nghề chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa.

 

Do chịu khó học hỏi, nên từ khi chăn nuôi đến nay chưa lần nào gà nhà anh bị dịch bệnh. Anh Chinh cho biết: Điều quan trọng nhất trong chăn nuôi là phải thực hiện nghiêm ngặt quy trình vệ sinh phòng bệnh, điều này là yếu tố quyết định phần lớn sự thành bại. Gà là loài gia cầm dễ nhiễm bệnh, nên càng phải coi trọng yếu tố phòng dịch bệnh. Cứ sau khi xuất bán là tôi lại chuyển toàn bộ phân đi nơi khác và phun khử trùng chuồng trại ngay, khi đón lứa gà mới vào phải đảm bảo môi trường thực sự an toàn. Không chỉ vậy, trong quá trình chăn nuôi, cứ định kỳ 10 ngày, tôi lại phun khử trùng 1 lần. Ngoài ra, tôi luôn thực hiện tiêm đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho gà. Nhờ đó, gà nhà tôi luôn phát triển tốt, đều đặn mỗi năm anh xuất 6 lứa, mỗi lứa khoảng trên 4 tấn gà thương phẩm, thu về khoảng 800 triệu đồng.

 

Nhờ biết tìm hướng trong phát triển kinh tế, nên kinh tế gia đình anh đã khấm khá lên nhiều, đến nay anh đã trả hết số vốn vay ngân hàng. Không dừng lại ở đó, năm 2010, trong một chuyến đi tham quan các mô hình chăn nuôi ở Hà Tây, anh đã được giới thiệu một mô hình nuôi cá sấu thương phẩm. Tâm đắc với mô hình mới này, về nhà anh đã lần tìm địa chỉ của Công ty Thịnh Phát - đơn vị chuyên cung cấp cá sấu giống và bao tiêu sản phẩm ở Đan Phượng, Hà Đông, Hà Nội. Sau 2 lần về công ty tìm hiểu, anh đã quyết định phá nốt bãi chè trước nhà đầu tư mô hình cá sấu tại gia đình. Thế là, tháng 12-2010, anh bắt 50 con cá sấu con mỗi con có trọng lượng khoảng 4kg về thả với giá đầu tư là 2,7 triệu đồng/con cá sấu giống. Qua quá trình chăn thả, anh cho biết: Cá sấu là loài động vật ăn tạp, rất dễ nuôi, các loại thịt như: Cá, gà, lợn, trâu, bò… chúng đều ăn tốt. Chỉ cần chặt thức ăn thành miếng rồi đổ vào chuồng là chúng sẽ tự bò lên ăn. Cứ 3 ngày phải chăn cá 1 lần, mỗi lần đàn cá sấu này ăn hết khoảng 12kg thức ăn. Hiện nay, huyện Phú Lương rất dồi dào về nguồn thức ăn, tôi thường ra chợ thu mua các loại thịt, cá đã ôi, ươn không bán được về cho vào tủ đá bảo quản để cho cá ăn dần.

 

Trong khu chuồng rộng trên 200m2, đàn cá sấu đang nằm phơi tấm lưng sần sùi như vỏ cây già dưới ánh nắng sớm, vừa thấy anh Chinh đổ chậu thức ăn vào chuồng, chúng lồm cồm bò đến đến đưa hàm răng nhọn hoắt đớp thức ăn rồi nhào mình xuống nước. Đến nay, trọng lượng của mỗi con cá sấu đã đạt khoảng 8kg/con. Anh Chinh cho biết thêm: Theo hợp đồng với Công ty Thịnh Phát thì sau 18 tháng, khi mỗi con đạt trọng lượng từ 15-20kg thì Công ty sẽ đến thu mua theo giá thị trường. Hiện nay, mỗi kg cá sấu thương phẩm là gần 300 nghìn đồng. Nếu làm một bài toán kinh tế thì một con cá sấu giống có giá khoảng 2,7 triệu đồng, sau 18 tháng bán được 5-6 triệu đồng, trừ chi phí thức ăn lãi gần 2 triệu đồng. Với tốc độ phát triển tốt như đàn cá sấu của gia đình anh Chinh hiện nay, thì bài toán kinh tế này trở thành thực tế là điều khả quan, hy vọng đây sẽ là hướng đi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao cho ngành chăn nuôi Thái Nguyên.