Nhiều năm qua, cây chè được xem là mũi nhọn trong phát triển kinh tế của huyện Đại Từ. Trước kia, người dân sản xuất chè còn lạc hậu, manh mún, chưa có kiến thức khoa học kỹ thuật… nên diện tích nhỏ hẹp, năng suất và chất lượng chè kém. Do vậy, thu nhập từ cây chè chẳng được là bao.
Nay bức tranh làng quê Đại Từ đã đổi thay rõ rệt. Những đồi hoang, diện tích đất trống đồi núi trọc dần dần được thay thế bằng những đồi chè xanh non, tươi tốt. Hiện, tổng diện tích chè của toàn huyện khoảng trên 5.200 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 5.054 ha, năng suất chè đạt 99 tạ/ha. Huyện đã chỉ đạo các địa phương trồng các giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao như: LDP1, Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên, TRI 777, Bát Tiên… với diện tích đất hơn 1.000 ha. Đại Từ đã hình thành được một số vùng sản xuất chè chất lượng cao như: Chè La Bằng (chiếm khoảng 40% tổng diện tích); chè Làng Thượng, xã Phú Thịnh (khoảng 50 ha); chè Khuôn Gà, xã Hùng Sơn (khoảng 40 ha).
Chúng tôi đến thăm gia đình anh Lê Minh Khuê ở xóm Đại Hà, xã Phú Lạc - một gia đình đã vươn lên làm giàu bằng cách trồng chè chất lượng cao. Anh Khuê cho biết: Trước kia gia đình tôi thuộc diện nghèo, thóc gạo làm ra chỉ đủ ngày 3 bữa ăn. Trong khi đó gia đình tôi có tới 4 - 5 ha đất đồi bãi để hoang. Sau nhiều đêm trăn trở suy nghĩ, vợ chồng tôi đã quyết định cải tạo đất để trồng chè giống mới. Trong 2 năm (2003-2004), gia đình trồng được hơn 1 ha chè bằng các giống NDT1, NDT2, Phúc vân tiên, Kim tuyên… Sau đó, hàng năm, tôi lại tiếp tục cải tạo đất và mở rộng diện tích trồng chè. Nay gia đình tôi đã phủ kín được hơn 4 ha đất đồi hoang thành đồi chè xanh tốt. Cây chè đã giúp gia đình tôi thoát được cảnh nghèo, mỗi năm cho thu nhập khoảng 400 triệu đồng (chưa trừ chi phí). Kinh tế phát triển, anh Khuê đã xây dựng được nhà cửa, mua sắm được các vật dụng sinh hoạt đắt tiền. Ngoài trồng chè, gia đình anh còn phát triển thêm chăn nuôi, trồng cây ăn quả…
Còn ở xóm Tân Lập, xã Phú Xuyên, nơi có gần 100% số dân là người dân tộc Dao cũng đã phát triển đi lên nhờ cây chè, do đó số hộ nghèo giảm xuống 10%, số hộ khá chiếm tới 80%. Xóm Tiến Thành trước kia cũng là một xóm nghèo của xã La Bằng, do ít ruộng, đồi bãi để hoang hóa, khô cằn. Từ năm 2000, Chi bộ xóm đã đề ra nghị quyết tập trung phát triển cây chè, xác định cây chè là cây chủ lực. Đến nay, cả xóm trồng đươc hơn 40 ha chè và bà con đang đưa dần các giống mới cho năng suất, chất lượng cao vào thay thế như: Bát tiên, Kim tuyên, TRI 777… Kinh tế từng bước phát triển, 4 năm qua, xóm đã được công nhận là khu dân cư tiên tiến; xóm có 50 hộ thì chỉ còn 5 hộ nghèo. Nhiều gia đình có kinh tế khá giả, thu nhập đạt từ 100 - 200 triệu đồng (đã trừ chi phí) như: gia đình anh Lại Văn Hải, Lại Văn Vương…
Anh Nguyễn Thành Nam, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đại Từ cho biết: Một số giống chè chất lượng cao đã được khẳng định trên thị trường, có giá trị cao gấp 3-4 lần giá trị chè thương phẩm đại trà và nâng giá trị thu nhập bình quân đạt trên 100 triệu đồng/ha chè chất lượng cao. Đặc biệt, có một số vùng chè như: Đồng Đình, Tiến Thành, Đồng Tiến… xã La Bằng, Làng Thượng xã Phú Thịnh, Khuôn Gà xã Hùng Sơn… có thu nhập bình quân đạt trên 150 triệu đồng/ha. Với diện tích 1.074ha chè chất lượng cao, hàng năm sản lượng chè búp khô ước đạt trên 2.500 tấn, chiếm 25,3% tổng sản lượng chè búp khô toàn huyện. Trên địa bàn huyện Đại Từ có 7 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và chế biến chè. Hàng năm thu mua khoảng 1.500 tấn chè búp tươi, khoảng 900 tấn chè búp khô.
Những năm qua UBND huyện Đại Từ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh việc ứng dụng KHKT mới trong thâm canh, cải tạo và trồng mới chè. Đẩy mạnh việc xây dựng các mô hình ứng dụng KHKT mới trong phát triển cây chè, cụ thể là được 21 mô hình (trong đó 10 mô hình thâm canh, cải tạo và trồng mới tại các xã Mỹ Yên, Hùng Sơn, La Bằng, Phú Thịnh, Phú Cường, Hoàng Nông, Phú Xuyên; 6 mô hình sản xuất chè chất lượng cao tại các xã Yên Lãng, Phú Thịnh, La Bằng, Phú Cường, Bản Ngoại, Hoàng Nông; 2 mô hình trồng chè Phúc Vân Tiên tại Phú Lạc, Tân Linh; 5 mô hình ứng dụng KHKT vào tưới chè bằng van xoay tại xã La Bằng, Phú Cường, Tiên Hội). Đưa năng suất, sản lượng chè của huyện không ngừng được nâng cao. Đã có 1.350 lượt hộ nông dân tham quan, học tập các mô hình sản xuất chè trong và ngoài tỉnh; ngành chức năng đã tổ chức 167 lớp tập huấn với trên 6.353 lượt hộ tham gia để nắm được kỹ thuật thâm canh cải tạo, trồng mới và quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) chè.
Để nâng cao chất lượng chè, huyện Đại Từ đã phối hợp với Sở Nông nghiệp - PTNT tổ chức nhiều lớp tập huấn nâng cao kỹ thuật chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, kỹ thuật sản xuất chế biến chè an toàn; đặc biệt xây dựng được 2 mô hình sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn VIETGAP tại xã Hùng Sơn. Phối hợp với vườn Quốc gia Tam Đảo hỗ trợ xây dựng 124 bếp sao chè cải tiến cho một số hộ sản xuất chè. Đến nay 98% các hộ trồng chè đều sử dụng các thiết bị bán công nghiệp trong chế biến chè, góp phần từng bước nâng cao chất lượng chè trên địa bàn, tiến tới xây dựng thương hiệu chè Đại Từ.