Nâng cao năng suất nhờ chuyển đổi cơ cấu giống

09:57, 20/06/2011

Để nâng cao năng suất và chất lượng chè, đồng thời tạo thương hiệu cho sản phẩm của quê hương và đáp ứng nhu cầu của thị trường,  trong những năm qua, xã Thành Công (Phổ Yên) đã từng bước chuyển đổi giống chè trung du sang trồng chè cành giống mới. Và bước chuyển đổi đó đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Đồng chí Dương Văn Tuyên, Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công cho biết: Cây chè đã được trồng ở xã cách đây khoảng 50 năm. Thời kỳ đầu, chè chỉ được trồng trên các sườn đồi thấp và chủ yếu để dùng trong các gia đình, chưa trở thành hàng hóa trên thị trường. Người dân trồng chè chỉ xác định để tạo việc làm trong lúc nông nhàn. Nay, nhận thấy hiệu quả kinh tế của cây chè đem lại, nhiều hộ trong xã đã từng bước chuyển đổi giống chè trung du sang trồng chè cành giống mới. Toàn xã hiện có trên 350 ha chè, trong đó chè cành chiếm 120 ha, chủ yếu là các giống mới như: LDP1, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, TRI777… Một điều đáng mừng là chè của bà con làm ra thơm ngon không kém gì chè Tân Cương, vì thế đến lứa hái đều có tư thương vào tận nơi thu mua.

Để hỗ trợ các hộ dân tiến hành trồng cải tạo, thay thế giống chè cũ đã già cỗi, Hội Nông dân xã đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện cho bà con vay vốn. Toàn xã hiện có trên 2.000 hộ nghèo được vay với số tiền hơn 17 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất. Ngoài ra, các hộ nghèo trồng chè cành còn được hỗ trợ 90% giá giống và 40% giá phân bón lần đầu. Cùng với việc tạo điều kiện cho người dân được hỗ trợ về nguồn vốn, chính quyền địa phương còn phối hợp với Trạm khuyến nông và Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện tổ chức các lớp tập huấn về cách trồng, chăm sóc và chế biến chè cành cho người dân. Bình quân mỗi năm xã Thành Công phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện tổ chức được 2 - 4 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, mỗi lớp có trên 80 hộ nông dân trồng chè đầu mối của xã tham gia.
 
Từ khi có chủ trương đưa cây chè cành vào trồng, nhiều hộ dân trong xã đã loại bỏ cây chè trung du, đặc biệt là ở các xóm: Tân Thành, Hạ Đạt, Tân Lập… Ông Nguyễn Văn Cường, Trưởng xóm Tân Lập cho biết: Xóm có 35 hộ với trên 150 nhân khẩu, chủ yếu sống dựa vào cây chè. Diện tích chè của xóm là 50 ha, trong đó đã có một nửa là chè cành giống mới. Nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, bà con đã biết áp dụng các chế phẩm sinh học để ủ phân hữu cơ bón chè, hạn chế được sâu bệnh, giảm chi phí về công lao động. Ngoài ra, đến nay, hộ nào trong xóm cũng đã mua sắm được tôn quay, máy vò chè sử dụng điện. Chè được tưới bằng nguồn nước sạch chảy ra ở khe núi, chăm bón hợp lý nên có hương vị đậm đà, thơm ngon và ngọt hậu nên được khách hàng rất ưa chuộng. Mỗi năm, xóm cung cấp ra thị trường trên 100 tấn chè búp khô với giá bán trung bình 100 nghìn đồng/kg.
 
Đi đến đâu chúng tôi cũng cảm nhận thấy mùi ngai ngái của những búp chè tươi được thu hái dưới những đôi tay thoăn thoắt của các bà, các chị. Bà Phạm Thị Năm, ở xóm Tân Lập cho biết: Nhà tôi đã gắn bó với cây chè cách đây hơn 30 năm. Để cây chè phát triển tốt, cho năng suất cao, hàng năm sau mỗi vụ đốn chè, gia đình tôi bón đủ lượng phân chuồng và các loại phân NPK, chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh và thu hái chè đúng quy trình kỹ thuật. Búp chè chỉ hái đúng 1 tôm 2 lá và phải sao ngay trong ngày, không để qua đêm chè sẽ bị héo. Hiện nay, nhà tôi có 4 sào chè cành giống LDP1, mỗi lứa thu hái chế biến được khoảng 90 kg chè khô, một năm 7 lứa, gia đình thu được vài chục triệu đồng.
 
Nhờ chuyển đổi cơ cấu giống, áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, bón phân cân đối, năng suất chè bình quân của xã Thành Công đã tăng từ 70 tạ/ha (năm 2001) lên 97 tạ/ha hiện nay. Từ năm 2005 đến nay, bình quân mỗi năm, xã chuyển đổi được từ 10 - 15ha chè cành. Nhờ đẩy mạnh phát triển cây chè, tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 1.066/3.615 hộ, chiếm 29,49%, giảm 20% so với năm 2004.
 
Được biết, UBND tỉnh đã có Quyết định công nhận 5 Làng nghề trồng và chế biến chè của xã Thành Công, đó là: Hạ Đạt, Tân Lập, Tân Thành, Ao Sen và xóm Bìa. Đây chính là điều kiện thuận lợi để bà con quảng bá và giới thiệu sản phẩm, tạo dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương.