Quản lý khoáng sản: Chuyển biến tích cực ở Đồng Hỷ

11:03, 01/06/2011

Là một huyện giàu tiềm năng về khoáng sản với 69 mỏ và điểm mỏ các loại nên hoạt động khai khoáng ở Đồng Hỷ diễn ra khá sôi nổi. Thực tế cho thấy, có những thời điểm huyện trở thành khu vực "nóng" của cả tỉnh về tình trạng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong tỉnh, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến tích cực.

 

Sau một thời gian thực hiện công tác vận động, tuyên truyền, thuyết phục kết hợp với các biện pháp cứng rắn, tình hình lộn xộn từng kéo dài trong hoạt động khai khoáng ở Đồng Hỷ nhiều năm liền đã được kiềm chế, trật tự tại các mỏ cơ bản được lập lại. Ban Chỉ đạo Quản lý tài nguyên, khoáng sản của huyện đã chủ động phối hợp với các chủ mỏ tăng cường bảo vệ, quản lý vùng khai thác, kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh và khắc chế ngay các hoạt động khai thác trái phép. Huyện phối hợp với một số doanh nghiệp cùng tham gia giải quyết những khó khăn trong công tác quản lý khoáng sản, cụ thể như: Mỏ sắt Trại Cau, HTX Công nghiệp và Vận tải Chiến Công, Công ty Cổ phần Luyện kim đen. Doanh nghiệp Anh Thắng… Các doanh nghiệp này có trách nhiệm quản lý, bảo vệ phần mỏ được cấp, không thu mua quặng lậu, phối hợp và hỗ trợ lực lượng chức năng trong xử lý khoáng sản trái phép.  Cùng với đó, huyện chỉ đạo các lực lượng chức năng kết hợp với các xã, thị trấn tiến hành tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những đối tượng vi phạm Luật Khoáng sản.

 

Theo kết quả do Ban Chỉ đạo Quản lý tài nguyên, khoáng sản huyện Đồng Hỷ cung cấp thì từ năm 2007 đến hết năm 2010, các cơ quan chức năng và lực lượng liên ngành của tỉnh đã phát hiện và xử lý 504 vụ vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản. Qua đó tịch thu trên 158 tấn quặng chì, kẽm; trên 2.884 tấn quặng sắt các loại, xử phạt vi phạm hành chính trên 200 triệu đồng. Những tháng đầu năm 2011, huyện tiếp tục thực hiện các biện pháp cứng rắn, tổ chức các đợt truy quét trên diện rộng. Kết quả, đã tịch thu được 113,9 tấn quặng khai thác, vận chuyển trái phép…

 

Một số điểm "nóng" được huyện phát hiện và khoanh vùng để tập trung giải quyết trong thời gian qua gồm: Khu vực xã Tân Long, nơi có các mỏ chì, kẽm do nhiều đối tượng lén lút khai thác và vận chuyển trái phép ra bên ngoài tiêu thụ; khu vực xung quanh Mỏ sắt Trại Cau và các xã Cây Thị, Hợp Tiến, Nam Hoà. Trao đổi về vấn đề này, ông Triệu Ngọc Sơn, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đồng Hỷ khẳng định: "So với trước, tình hình hoạt động khoáng sản trên địa bàn huyện thời gian gần đây đã ổn định hơn rất nhiều. Tình trạng lộn xộn trong quản lý khoáng sản gần như không còn nữa. Các hiện tượng khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép, gây mất trật tự trên địa bàn vẫn còn xảy ra nhỏ lẻ ở một số điểm nhưng đã được các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn, dập tắt kịp thời".

 

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn thì trong thời gian qua huyện Đồng Hỷ đã cơ bản giải quyết được một số vấn đề cốt lõi làm nảy sinh các hoạt động khoáng sản trái phép. Đó là, huyện đã thành lập được hệ thống các chốt kiểm soát khoáng sản tại những khu vực vẫn được xem là điểm "nóng". Tiến hành di chuyển một cách linh hoạt các chốt kiểm soát cho phù hợp với từng thời điểm nhằm hạn chế việc tuồn khoáng sản ra ngoài tỉnh. Hơn nữa, huyện cũng bố trí chốt kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển khoáng sản của các doanh nghiệp trên địa bàn (kiểm tra biển số xe, kế hoạch vận chuyển, giấy phép vận chuyển…) nhằm tránh tình trạng các đối tượng lợi dụng để vận chuyển quặng lậu.

 

Huyện đã triển khai thực hiện việc ký cam kết giữa chủ tịch UBND huyện với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn nhằm nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong quản lý khoáng sản; tham mưu với cấp có thẩm quyền tiến hành cấp mỏ (nhất là ở những khu vực đang là điểm "nóng") cho doanh nghiệp đủ năng lực quản lý, khai thác. Đồng thời chỉ cho phép những doanh nghiệp có nhà máy chế biến sâu khoáng sản được khai thác, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn, tránh tình trạng mua bán, tàng trữ trái phép loại tài nguyên quý giá này... Cũng theo ông Triệu Ngọc Sơn thì có hai điểm mà huyện đang tích cực đôn đốc triển khai là: Yêu cầu những đơn vị đã được giao mỏ nhanh chóng hoàn tất các thủ tục giải phóng mặt bằng, tiến hành khai thác và quản lý cho tốt; tăng cường công tác phối hợp trong việc quản lý, bảo vệ khoáng sản ở các vùng giáp ranh, đặc biệt là khu vực giáp ranh với tỉnh bạn.