Gần như công nghiệp là điểm sáng duy nhất trong các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ đạo của nền kinh tế 6 tháng quaGần như công nghiệp là điểm sáng duy nhất trong các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh chủ đạo của nền kinh tế 6 tháng qua, theo tài liệu phục vụ hội nghị giao ban sản xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố sáng 27/6.
Giá trị sản xuất công nghiệp 6 tháng năm 2011 ước đạt gần 418,5 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước. Con số này cũng cao hơn mục tiêu kế hoạch 14% được đặt ra cho năm nay.
Dưới góc độ so sánh chỉ số sản xuất ông nghiệp IIP (chỉ tiêu được sử dụng thay thế cho giá trị sản xuất công nghiệp từ tháng này), kết quả cũng cho thấy tình hình cải thiện hơn năm ngoái.
IIP 6 tháng năm 2011 tăng 9,7% so với cùng kỳ, cao hơn so với chỉ tiêu tương ứng của 6 tháng năm 2010 và 2009. Trong đó, đáng chú ý là IIP công nghiệp chế biến tăng tới 12,7%; sản xuất, phân phối điện, gas, nước tăng 10,3%; công nghiệp khai khoáng chỉ tăng 2,8%.
Chia sẻ thêm số liệu dẫn chứng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho biết, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (hiện chiếm gần 70% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp) với các chỉ tiêu về sản xuất, tiêu thụ và tồn kho đều cho thấy dấu hiệu phát triển khá.
Cùng với IIP công nghiệp chế biến tăng tới 12,7% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số tiêu thụ của ngành này 5 tháng đầu năm cũng rất thuận lợi, tăng tới 17,5% so với cùng kỳ; chỉ số tồn kho thời điểm 1/6 ở mức khá an toàn, tăng 15,9% so với cùng thời điểm của năm 2010 (tồn kho thời điểm 1/6/2010 so với cùng kỳ 2009 tăng 27,5%).
Trong khi đó, chỉ số giá sản xuất công nghiệp bình quân 6 tháng 2011 so với cùng kỳ tăng 16,71%, khá sát với mức tăng CPI tương ứng là 16,03%. Ông Lâm lưu ý rằng đây là dấu hiệu tốt đối với diễn biến giá cả các mặt hàng công nghiệp chế biến trong thời gian tới.
Tuy nhiên, tài liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại lưu ý thêm rằng, do tác động của chi phí đầu vào sản xuất tăng cao trong thời gian qua nên đã làm giảm hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo một số nguồn tin, GDP ngành công nghiệp, xây dựng 6 tháng đầu năm tăng khoảng 6,5%, chỉ tương đương với mức tăng của 6 tháng năm 2010.
Báo cáo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được Bộ này gửi đi trước đó đề cập, lãi suất bình quân 6 tháng cao hơn so với năm trước khoảng 3%; chênh lệch huy động và cho vay đến 3-4%; tiếp cận vốn của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa còn khó khăn...
“Khu vực sản xuất kinh doanh đã và đang chịu ảnh hưởng của lạm phát, lãi suất cao làm chi phí đầu vào tăng cao tác động đến sản xuất kinh doanh. Lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp sụt giảm, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ và phải thu hẹp quy mô sản xuất kinh doanh”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận.