Những tấn than nhập khẩu đầu tiên vào Việt Nam, từ Indonesia tới cảng Cát Lái, tỉnh Đồng Nai chiều 13/6.
Doanh nghiệp đón chuyến tàu chở 9.575 tấn than nhập khẩu đầu tiên này là Công ty Cổ phần Đầu tư Khoáng sản - Than Đông Bắc (Tổng Công ty Đông Bắc). Lượng than nhập khẩu này sẽ phục vụ hoạt động của các nhà máy nhiệt điện mới ở miền Trung và miền Nam.
Từ nhiều năm nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã được Chính phủ giao nhiệm vụ là đơn vị đầu mối nhập khẩu than. Theo dự báo của TKV, từ năm 2012 nước ta sẽ phải nhập khẩu khoảng 10 triệu tấn than. Số lượng nhập khẩu sẽ tăng dần từng năm và đến năm 2020, con số này là 100 triệu tấn/năm. Theo quyết định mới nhất của Tập đoàn phê duyệt các chỉ tiêu 5 năm 2011-2015 thì dự kiến đến 2015 mới nhập khẩu tới 6 triệu tấn/năm.
Nguồn cung cấp than chính của Việt Nam là các mỏ ở tỉnh Quảng Ninh. Theo TKV, vùng mỏ này có tổng trữ lượng 10,5 tỉ tấn, đủ để cung cấp cho nền kinh tế mỗi năm 50 triệu tấn trong 70 năm nữa. Than ở đây có chất lượng tốt, được dùng nhiều trong ngành công nghiệp luyện kim và hóa chất và có giá trị xuất khẩu cao.
Than nhập khẩu chủ yếu là than bituminous có nhiệt năng từ 5.000-6.000 Kcal/kg (cơ sở không khí khô) để cấp cho các nhà máy nhiệt điện. Do đó, Chính phủ đã cho phép TKV thí điểm thực hiện việc nhập khẩu than có giá thành rẻ hơn để phục vụ các nhà máy nhiệt điện trong nước.
Việc Việt Nam - nước có những mỏ than lộ thiên với trữ lượng lớn bắt đầu phải nhập khẩu than sớm hơn dự báo cách đây hơn 3 năm có lẽ cũng là chuyện bình thường trong chiến lược phát triển chung của đất nước cũng như kế hoạch đã trù liệu. Tuy nhiên, tài nguyên thiên nhiên không là thứ vô tận, cũng không thể tái sinh. Vì thế, quan trọng hơn và rất cần quan tâm hơn là việc khai thác, bảo vệ, quản lý tài nguyên than bên cạnh việc kinh doanh, xuất khẩu và nhập khẩu than như thế nào để đảm bảo an ninh năng lượng bền vững cho đất nước./.