Chỉ nên để 80 doanh nghiệp làm đầu mối xuất khẩu gạo

07:30, 08/07/2011

Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT xem xét và sửa đổi quy chuẩn tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc và cơ sở xay xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu.

 

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), để giảm bớt lộn xộn trong kinh doanh và xuất khẩu gạo như thời gian vừa qua, cần siết lại tiêu chuẩn về các doanh nghiệp xuất khẩu gạo và chỉ nên có 80 doanh nghiệp xuất khẩu gạo là hợp lý.

 

Theo VFA, thời gian qua có quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với nhiều thành phần khác nhau, có doanh nghiệp chỉ đi thu mua rồi về xuất, không hề có kho tàng chuyên dụng, hệ thống xay xát, phơi sấy… và không có kinh nghiệm trong xuất khẩu gạo. Trong 6 tháng đầu năm 2011, cả nước có 211 đơn vị xuất khẩu gạo nhưng chỉ có 50 doanh nghiệp xuất khẩu từ 10.000 tấn trở lên, chiếm 92,7% lượng gạo xuất khẩu, 161 doanh nghiệp còn lại chỉ xuất có 7,3% lượng gạo xuất khẩu, tổng cộng là 285.000 tấn/3.900.000 tấn gạo đã xuất của cả nước, thậm chí có một số thương nhân trong 6 tháng chỉ xuất 700 kg gạo, 1 tấn gạo…

 

Căn cứ vào tình hình thực tế và theo kiến nghị của các thương nhân, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp & PTNT xem xét và sửa đổi quy chuẩn tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa thóc chuyên dùng và cơ sở xay xát thóc gạo phục vụ xuất khẩu theo hướng giảm bớt các yêu cầu kỹ thuật, chỉ bắt buộc đáp ứng những điều kiện căn bản nhất và có lộ trình hoàn chỉnh tiếp để các thương nhân có thời gian chuẩn bị. Nhưng đến thời điểm này Bộ Nông nghiệp & PTNT chưa có văn bản điều chỉnh, trong khi đó, theo quy định của Nghị định 109/2010, các thương nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu do Bộ Công Thương cấp sẽ không được xuất khẩu gạo.