Công cụ chống lạm phát

16:10, 12/07/2011

Kiên trì, đồng bộ và nhất quán thực hiện chính sách tiền tệ là yêu cầu đặt ra với công tác điều hành kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm nay, để có thể kiềm chế lạm phát ở mức dưới 17%.

Công cụ chủ đạo chống lạm phát đã và đang được Chính phủ điều hành là chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Tác dụng của các chính sách này khó mang “cân, đo” chuẩn xác, nhưng những biểu hiện như việc quản lý thị trường ngoại hối ổn định thời gian qua cho thấy các chính sách này đã đi đúng hướng.

Báo cáo mới đây của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận, thị trường ngoại hối và tỉ giá khá ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tăng. Việc ổn định tỷ giá góp phần tăng lòng tin của xã hội, của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế nước ta. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế trong chính sách tiền tệ khiến hiệu quả điều hành chưa cao.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, về chính sách tiền tệ, cái được lớn nhất trong điều hành vừa qua là tỷ giá chính thức và phi chính thức tạm cân bằng. Nhưng, về bản chất, nền kinh tế vẫn đang thiếu USD, nhập siêu lớn, đồng tiền mất giá, khiến lạm phát chịu áp lực. Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fullbright (Mỹ) tại Việt Nam phân tích: “Từ nay đến cuối năm, khả năng VND sẽ giảm giá. Còn hiện nay, việc tăng giá tiền đồng do: Một là, Việt Nam đang thắt chặt tiền tệ, khiến "cung" tiền đồng giảm. Trong khi đó "cầu" tiền đồng vẫn giữ nguyên, khiến mất cân bằng về tiền đồng. Hai là, với chính sách về tỉ giá USD thời gian qua, thì thực ra cầu cất giữ USD không còn cần nhiều, nên tạm thời nguồn cung USD dồi dào hơn, do người dân bán USD ra, chứ tổng thể nền kinh tế vẫn thiếu USD. Với hai yếu tố này, VND tăng giá là dễ hiểu. Do đó, vẫn phải chuẩn bị tinh thần VND mất giá. Từ nay đến cuối năm, chính sách tỷ giá nên linh hoạt. Lúc này tạm thời Ngân hàng Nhà nước mua USD vào nhưng cuối năm sẽ phải bán ra”.

Điều quan trọng, theo ông Huỳnh Thế Du là phải nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, góp phần giảm nhập siêu, từng bước cân bằng cán cân thương mại.  

Còn theo ý kiến của TS. Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tiền tệ Quốc gia, cách điều hành chính sách tiền tệ năm nay vẫn còn có lúc khá “giật cục” như năm 2010. Ông Nghĩa nhắc lại bài học của năm ngoái và cảnh báo, nếu căn cứ vào chỉ số giá cả đang có chiều hướng giảm nhiệt 2 tháng gần đây, mà nới lỏng chính sách, không kiên trì, nhất quán trong điều hành như từ đầu năm, thì câu chuyện lạm phát 2010 có thể lặp lại.

Kiên trì, đồng bộ và nhất quán thực hiện chính sách tiền tệ, tài khóa chặt chẽ, thận trọng, đó là yêu cầu đặt ra với công tác điều hành kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm nay, để có thể kiềm chế lạm phát ở mức do Chính phủ đặt ra là dưới 17%. Tư duy điều hành chính sách “chặt chẽ” mà Chính phủ đang hướng tới, đó là kiểm soát chặt cung tiền, giảm tổng cầu của nền kinh tế, nhưng có xem xét, tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả sản xuất, định hướng luồng vốn đầu tư của xã hội vào những khu vực sử dụng vốn hiệu quả, bảo đảm tăng trưởng bền vững.

Đồng tình với quan điểm điều hành này, ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng: “Tốc độ tăng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán nên thực hiện như mục tiêu, chọn đúng nơi cần để giải ngân, như những DN tạo việc làm, tăng sức mua, để vừa thực hiện được mục tiêu kiềm chế lạm phát, vừa góp phần cho tăng trưởng. Cụ thể như các DN nhỏ và vừa, DN xuất khẩu, lĩnh vực sản xuất…”./.