Đó là lời bày tỏ chân thành của bác Nguyễn Bích Vân ở xóm 1, xã Hùng Sơn (Đại Từ), một trong những hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án Núi Pháo, đã tham gia chương trình phục hồi kinh tế mà Dự án đã triển khai nhằm giúp đỡ các hộ dân tháo gỡ những khó khăn về kinh tế khi phải di chuyển nhà ở và bàn giao đất canh tác cho Dự án.
Tiếp chúng tôi trong căn nhà cũ chuẩn bị được dỡ bỏ để bàn giao mặt bằng cho Dự án, vợ chồng bác Vân tỏ rõ sự phấn khởi trước những thành quả đã đạt được trong việc chăn nuôi nhím, một trong những mô hình phục hồi kinh tế mà Công ty TNHH Khai thác và Chế biến khoáng sản Núi Pháo (trước kia là NuiPhaoVica nay đổi tên thành NuiPhao Mining) đã triển khai thực hiện từ năm 2008. Gia đình bác Vân là hộ đi tiên phong trong việc đưa con nhím về nuôi ở Đại Từ nên bên cạnh những thành công, gia đình bác cũng đã phải gánh chịu những thiệt hại lớn tới vài chục triệu đồng, do lúc đó chưa am hiểu sâu về kỹ thuật chăn nuôi nhím. Song, điều đó đã không làm vợ chồng bác nản chí, vợ động viên chồng, chồng động viên vợ vượt qua những khó khăn ban đầu, từ nhiều năm nay, trung bình mỗi năm gia đình bác thu lãi hơn 100 triệu đồng từ tiền bán nhím giống.
Bác Vân chia sẻ: Dự án Núi Pháo đã giúp cho vợ chồng tôi cũng như nhiều gia đình khác trong vùng bị ảnh hưởng của Dự án có được chiếc “cần câu”. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên điều đó, nhờ chiếc “cần câu” này mà nhiều hộ đã trở lên khá giả, giàu có như gia đình ông Nguyễn Văn Thường ở cùng xóm tôi. Vợ chồng ông Thường năm nay đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn tích cực chăn nuôi nhím, mỗi năm thu lãi trên dưới 200 triệu đồng. Gia đình ông Thường trước kia kinh tế cũng gặp nhiều khó khăn, nhưng nay đã đủ tiền mua được cả đất ở dưới T.P Thái Nguyên.
Bên ấm trà thơm nóng hổi, câu chuyện về chăn nuôi nhím càng lúc càng trở nên hấp dẫn chúng tôi bởi lợi nhuận cao mà con nhím đã mang lại cho người chăn nuôi. Bác Nguyễn Ngọc Cường (chồng bác Vân), được những người chăn nuôi nhím tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi nhím Đại Từ cho biết: Không chỉ có gia đình ông Thưởng đã giàu lên nhờ chăn nuôi nhím đâu, mà còn phải kể đến gia đình anh Đỗ Đăng Khoa, ở xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, mỗi năm cũng thu lãi trên 200 triệu đồng. Anh ấy còn trẻ nên năng động, sáng tạo, không chỉ cung cấp ra thị trường nhím sinh sản mà cả nhím giống đạt tiêu chuẩn và chất lượng cao. Ngoài ra, anh Khoa cũng như nhiều hộ chăn nuôi nhím hiệu quả khác ở Đại Từ còn sẵn sàng tư vấn miễn phí cho những ai có nhu cầu tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi nhím.
Ban đầu, Hiệp hội Chăn nuôi nhím ở Đại Từ mới thu hút được 24 hội viên tham gia nay tăng lên 95 người, tất cả các hội viên chăn nuôi nhím đều đã có lãi, chỉ khác nhau ở quy mô lớn hay nhỏ. Bởi vì, nuôi nhím lợi nhuận mang lại cao nhưng đầu tư ban đầu cũng lớn. Có những lúc giá nhím sinh sản lên tới 40 đến 45 triệu đồng một đôi, nay hạ xuống cũng phải từ 20-25 triệu đồng/đôi (nhím giống thì giao động từ 10 đến 15 triệu đồng/đôi). Và theo ông Cường, dù giá nhím giống, nhím sinh sản có hạ thấp hơn thế nữa thì người chăn nuôi nhím vẫn có lãi. Vì thị trường tiêu thụ nhím là một thị trường tiềm năng, nhím giống còn chưa đủ bán nói gì tới nhím thịt. Hơn nữa, chăn nuôi nhím không chỉ tốn ít công lao động, thức ăn dễ tìm, dễ mua lại rẻ, kỹ thuật chăn nuôi cũng đơn giản, và điều quan trọng là thịt nhím thơm ngon bổ dưỡng, dạ dày, lông nhím… có tác dụng chữa bệnh, chưa kể đến phân của con nhím cũng còn có tác dụng hữu ích.
- Nếu như nuôi nhím hiệu quả như vậy, sao giá nhím giống lại giảm? Tôi hỏi.
Ông Cường giải thích: Một phần do người chăn nuôi nhím cũng chịu ảnh hưởng của “thời tiết” kinh tế, lạm phát, giá cả các mặt hàng thiết yếu leo thang… nhưng điểm mấu chốt là khi giá nhím ở thời điểm tăng cao, nhiều người dân đã đổ xô đi mua nhím mà không chú ý tới yếu tố kỹ thuật, thời tiết, các điều kiện để con nhím thích nghi; khi khan nhím giống, thì một số hộ lại xuất bán cả những đôi nhím chưa đủ tuổi, chưa đạt chất lượng giống, dẫn đến nhím chết nhiều, khiến người chăn nuôi nhím bị hoang mang, giao động. Nhưng tôi vẫn tin tưởng rằng, nuôi nhím là một nghề mang lại hiệu quả cao, phát triển bền vững, bởi những đặc tính ưu việt của nó. Còn chăn nuôi con vật gì đi chăng nữa thì điều quan trọng người chăn nuôi vẫn luôn phải lưu ý đó là vấn đề kỹ thuật chăm sóc, cách phòng trừ dịch bệnh cho vật nuôi, mới mong có được kết quả tốt.
Chia tay các hộ chăn nuôi nhím ở Đại Từ, trong lòng tôi chộn rộn niềm vui trước những thành quả mà họ đạt được, tôi lóe lên ý định, có lẽ mình cũng nên đầu tư nuôi nhím!